Báo Đồng Nai điện tử
En

Kích cầu tiêu thụ hạt điều

09:05, 25/05/2012

Tiềm năng về chế biến hạt điều được các nhà kinh doanh cho là rộng lớn. Thị trường cũng rộng mở. Thế nhưng ngành điều Việt Nam nói chung và của thế giới nói riêng lại đang phải đối diện với những thách thức lớn về tiêu thụ.

Giới thiệu công nghệ chế biến hạt điều tại TX. Long Khánh. Ảnh: K. GiớI
Giới thiệu công nghệ chế biến hạt điều tại TX. Long Khánh. Ảnh: K. GiớI

Tiềm năng về chế biến hạt điều được các nhà kinh doanh cho là rộng lớn. Thị trường cũng rộng mở. Thế nhưng ngành điều Việt Nam nói chung và của thế giới nói riêng lại đang phải đối diện với những thách thức lớn về tiêu thụ.

60% lượng điều giao dịch trên thị trường thế giới được cung cấp từ Việt Nam. Là quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nhân điều nhưng các doanh nghiệp (DN) chế biến trong nước năm nay lại gặp khá nhiều khó khăn do nhu cầu sụt giảm.

* 7 ngày ăn hết điều thế giới!

Tại hội nghị khách hàng điều thế giới 2012 tổ chức ở Nha Trang - Khánh Hòa trong 2 ngày 22 và 23-5, ông Pankaj N.Sampat, thương gia kinh doanh hạt điều của Singapore, đưa ra một phép tính vui: Nếu toàn bộ người dân trên thế giới mỗi người ăn một nhân hạt điều thì chỉ trong vòng 7 ngày sẽ tiêu thụ hết sạch lượng điều của thế giới sản xuất ra. Chỉ tính riêng những khu vực sử dụng hạt điều lớn, như: Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu và Hoa Kỳ, mỗi người ăn trung bình khoảng 20 nhân hạt điều thì lượng điều của cả thế giới cũng chỉ đủ đáp ứng trong vòng 5 ngày. Ông  Pankaj N.Sampat cho rằng, thị trường của ngành điều còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Quan trọng là làm thế nào để kích thích mọi người có thói quen sử dụng hạt điều.

Cùng quan điểm này, ông Joseph Lang, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Kenkko ở châu Âu, chuyên kinh doanh hạt điều và các loại hạt ăn được, cũng trăn trở là làm sao để nhiều ngành công nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng nhân hạt điều như một nguồn nguyên liệu thay thế nhằm đa dạng hóa sản phẩm, như thế nhu cầu về điều sẽ tăng ngay. Ông đã đưa ra một ví dụ, ở Israel gần đây ngành chế biến chocolate  đã sử dụng mảnh vụn của nhân điều để rắc vào kẹo chocolate  và sản phẩm này đã trở nên bán chạy, đứng thứ hai về mặt hàng bánh kẹo. Nhân điều đã trở thành một phần nguyên liệu cho chế biến kẹo chocolate của quốc gia này.

Ông Kees Blokland, Giám đốc điều hành Công ty Global Trading & Agency BV, phân tích: Muốn tăng được sản lượng tiêu thụ nhân điều thì việc quảng bá sản phẩm này hết sức quan trọng. Theo ông, việc để người tiêu dùng chấp nhận sử dụng nhân điều như một thói quen có thể làm được, bởi hạt điều có dinh dưỡng khá cao. Ở một góc độ nào đó, nhân điều có thể thay thế chất dinh dưỡng cho thịt. Không nhìn sản phẩm này ở góc độ chỉ để ăn chơi mà xem chúng như một nguồn thực phẩm cần thiết trong cuộc sống hàng ngày. Muốn như vậy, cần phải có những nghiên cứu và công bố rộng rãi về thành phần, giá trị dinh dưỡng của nhân điều. Quảng bá cho nhân điều cần sự chung tay từ người trồng, chế biến đến người kinh doanh  trên thế giới. Hạt hạnh nhân ở châu Âu và Mỹ là một thành công điển hình  trong việc quảng bá để kích cầu.

* Ngành điều Việt Nam còn nhiều thách thức       

Theo giới kinh doanh, ngành điều Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Hiện nay, năng lực chế biến đã vượt quá xa khả năng cung cấp nguyên liệu trong nước. Cụ thể năm 2011, cả nước sản xuất được trên 350 ngàn tấn hạt điều thô, các DN phải nhập khẩu khoảng 430 ngàn tấn từ các quốc gia châu Phi, Lào và Campuchia để phục vụ cho ngành chế biến. “Hiện nay, một số nước châu Phi đã nghĩ đến việc chế biến, chứ không chỉ cung cấp nguyên liệu thô. Như vậy, các quốc gia nhập khẩu hạt điều thô lớn như Việt Nam và Ấn Độ sau này sẽ khó khăn về nguồn nguyên liệu” - ông  Pankaj N.Sampat nói.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó chủ tịch Vinacas: Lãi suất ngân hàng làm giá thành sản phẩm cao

Chi phí đầu vào của chế biến điều ở Việt Nam cao hơn quá nhiều so với các nước khác, như: Ấn Độ hay Brasil, nguyên nhân chính là phải chịu lãi suất ngân hàng cao. Thời gian qua DN chế biến có lúc phải chịu lãi suất trên 20%/năm, mức lãi suất này không DN chế biến nào chịu nổi. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến DN Việt Nam khó cạnh tranh với ngành điều nhiều nước trên thế giới.

 

Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), cũng cho rằng, để ngành điều trong nước tiếp tục giữ được vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu thì thách thức lớn vẫn là xây dựng vùng nguyên liệu. Cây điều chưa có hiệu quả kinh tế so với các cây trồng khác, như: cà phê, hồ tiêu và cao su nên người dân không mấy mặn mà. DN chế biến chưa tham gia trực tiếp vào xây dựng vùng nguyên liệu.

Để đảm bảo được sự tăng trưởng bền vững, Vinacas cũng đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và UBND các tỉnh có quy hoạch và chính sách để phát triển vùng nguyên liệu điều. Nhà nước và DN đầu tư cho các chương trình nghiên cứu về giống cao sản để tăng năng suất; đẩy mạnh kỹ thuật trồng xen canh cây điều và cây ca cao nhằm tăng mức thu nhập cho nông dân.

Một thách thức nữa của ngành điều trong nước hiện nay là có quá nhiều đầu mối xuất khẩu , hiện có tới 290 DN xuất khẩu điều, nên khó kiểm soát về chất lượng và giá cả , cạnh tranh bất lợi dẫn đến thua thiệt về phía Việt Nam.

Khắc Giới

Tin xem nhiều