Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Đồng Nai được UNESCO công nhận là khu DTSQ thế giới từ ngày 10-11-2001, trên cơ sở mở rộng Khu DTSQ Cát Tiên.
Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Đồng Nai được UNESCO công nhận là khu DTSQ thế giới từ ngày 10-11-2001, trên cơ sở mở rộng Khu DTSQ Cát Tiên.
Khu DTSQ Đồng Nai hiện là 1/8 khu DTSQ thế giới tại Việt Nam. Đặc biệt, nơi đây có diện tích rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam với nhiều loài động vật quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng.
* Tài nguyên sinh thái quý hiếm
Khu DTSQ Đồng Nai nằm trên địa bàn 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Ðồng và Đắk Nông, trong đó chủ yếu ở Đồng Nai, bao gồm những địa danh: Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai, Khu bảo tồn vùng nước ngập nội địa Trị An - Đồng Nai, Khu Ramsar Bàu Sấu và Vườn quốc gia Cát Tiên.
Công viên đá ở Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Ảnh: T. Nguyên |
Đáng chú ý Khu DTSQ Cát Tiên (cũ) gồm nhiều hệ sinh thái tự nhiên từ rừng đầu nguồn, có chức năng điều tiết nước lưu vực sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và khống chế ngập lụt vào mùa mưa cho cả một vùng rộng lớn miền Đông Nam bộ… Hay như Khu Bàu Sấu rộng hơn 3.500 hécta vào mùa mưa, và thu hẹp khoảng 100 -150 hécta vào mùa khô thuộc huyện Tân Phú được Ban thư ký công ước Ramsar công nhận ngày 4-8-2005. Riêng Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu được thành lập vào năm 2003 với tổng diện tích là 64.686 hécta. Trong đó, rừng đặc dụng chiếm 59.810 hécta và rừng sản xuất là 4.876 hécta. Bên cạnh đó, vùng nước ngập nội địa Trị An - Đồng Nai được Thủ tướng phê duyệt năm 2008, gồm toàn bộ vùng hồ Trị An và các vùng phụ cận thuộc sông Đồng Nai với đa dạng loài cá và các loài thủy sinh vật khác, tạo nên chuỗi và lưới thức ăn phong phú trong hệ sinh thái ao hồ vùng nhiệt đới.
Có thể nói, đặc trưng cơ bản của Khu DTSQ Đồng Nai đã cho thấy nơi đây là một môi trường thiên nhiên quý hiếm và vô cùng giá trị. Trong đó, đáng chú ý là vùng sinh cảnh đa dạng, phong phú với hầu hết các loại rừng trong khu vực được hình thành từ kiểu rừng trên đất thấp ven sông đến rừng trên núi, cùng các hệ sinh thái đa dạng, phong phú là môi trường sống lý tưởng cho các loài sinh vật, nhất là động vật có vú, chim, bò sát và cá… Mặt khác, trước đây khu vực này là căn cứ cách mạng, có các di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, như: Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, địa đạo Suối Linh, đồng thời còn có cộng đồng 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo ra nét văn hóa độc đáo, được duy trì từ xa xưa của đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn.
* Vì mục tiêu phát triển bền vững
Nói về Khu DTSQ Đồng Nai, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai Trần Văn Mùi nhấn mạnh, Đồng Nai là một trong ít địa phương còn giữ được diện tích rừng tự nhiên rộng lớn với hàng trăm ngàn hécta rừng liền mạch - vùng đất được các nhà khoa học đánh giá là điểm nóng về đa dạng sinh học của khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, khi được UNESCO công nhận là khu DTSQ thế giới thì khu vực này là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia và nhân loại; là tiềm năng và cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.
Rừng tự nhiên và một số động vật quý hiếm trong Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. |
Theo ông Mùi, từ nhiều năm trước, Đồng Nai đã quyết định đóng cửa rừng tự nhiên trên toàn tỉnh để đưa vào bảo vệ phục hồi và phát triển. Khu DTSQ Đồng Nai hiện nay được chia thành 3 vùng: Vùng lõi có diện tích trên 169 ngàn hécta; vùng đệm gần 350 ngàn hécta và vùng chuyển tiếp hơn 447 ngàn hécta. Do đó, sự kiện Khu DTSQ Đồng Nai gia nhập vào mạng lưới các khu DTSQ thế giới có ý nghĩa rất lớn về phương diện khoa học, về bảo tồn thiên nhiên và mang tính nhân văn sâu sắc. Đây là đánh giá đầy đủ của các tổ chức thế giới trong việc công nhận những thành quả về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương ở Đồng Nai. Nói cách khác, Đồng Nai đã thực hiện ứng xử với môi trường thiên nhiên một cách thân thiện, có trách nhiệm cho cả thế hệ hôm nay và mai sau.
Việc trở thành khu DTSQ còn là mục tiêu nhằm giải quyết một trong những vấn đề thực tiễn quan trọng nhất mà con người đang đối mặt hiện nay: đó là làm thế nào để có thể tạo nên sự cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên với sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; duy trì các giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân loại. Mạng lưới khu DTSQ thế giới hiện nay đã và đang phát huy tác dụng các chức năng khá hiệu quả. Cho nên, song song với việc phát triển kinh tế trên quan điểm “bảo tồn cho phát triển - phát triển để bảo tồn”, chắc chắn còn có không ít thách thức ở phía trước. Chẳng hạn, làm sao nghiên cứu việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa, lịch sử; đồng thời gắn với biện pháp cải thiện sinh kế người dân đang sống trong khu DTSQ. Hay như việc xây dựng các chương trình truyền thông phù hợp, để nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cho cộng đồng dân cư, đòi hỏi cần có sự liên kết giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và cộng đồng trong việc thực hiện trách nhiệm bảo tồn khu DTSQ thế giới ở Đồng Nai.
Các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam: - Khu DTSQ châu thổ sông Hồng là vùng đất ngập nước ven biển thuộc 3 tỉnh: Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. - Khu DTSQ quần đảo Cát Bà là quần thể gồm 367 đảo, trong đó có đảo Cát Bà ở phía Nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. - Khu DTSQ miền Tây Nghệ An có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích 1.303.285 hécta; là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. - Khu DTSQ Cù lao Chàm - Hội An với các loại hình sinh thái và cảnh quan được thể hiện trong mạng lưới này, cung cấp những mô hình phát triển bền vững phục vụ con người. - Khu DTSQ Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) là một quần thể các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. - Khu DTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang chứa đựng sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái với rừng tràm trên đất ngập nước, rừng trên núi đá - núi đá vôi đến hệ sinh thái biển, tiêu biểu là thảm cỏ biển gắn liền với loài động vật quý hiếm là bò biển. - Khu DTSQ Mũi Cà Mau có diện tích 371.506 hécta gồm các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ và dãy phòng hộ ven biển Tây. |
T.Nguyên