Có lẽ khó khăn nhất trong các ngành hàng xuất khẩu hiện nay là gốm sứ. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) nhỏ đã đóng cửa, ngưng hoạt động do không có đơn hàng sản xuất. Các DN lớn ở TP.Biên Hòa cũng trong tình trạng sản xuất cầm chừng.
Có lẽ khó khăn nhất trong các ngành hàng xuất khẩu hiện nay là gốm sứ. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) nhỏ đã đóng cửa, ngưng hoạt động do không có đơn hàng sản xuất. Các DN lớn ở TP.Biên Hòa cũng trong tình trạng sản xuất cầm chừng.
DN sản xuất gốm đen Phong Sơn vào những tháng cuối năm 2011, trung bình xuất khẩu khoảng 3 container hàng/tháng sang các thị trường châu Âu và Mỹ. Cả quý I năm nay, Phong Sơn chỉ xuất khẩu được 3 container hàng. Trong tháng 4 DN chưa xuất được một container hàng nào.
* Khó trăm bề
Tại Hợp tác xã (HTX) gốm sứ Thái Dương, một đơn vị mạnh trong làng gốm Đồng Nai, năm nay cũng ở tình trạng giảm sản xuất chưa từng thấy, Thái Dương đang sản xuất chỉ bằng 1/3 so với cuối năm 2011. Bà Bùi Thị Kim Nguyên, Phó chủ nhiệm HTX cho biết, HTX không chỉ khó khăn về việc khan hiếm đơn hàng mà còn bị áp lực nguyên liệu tăng giá, nhất là giá gas. “Có hợp đồng nhưng giá gas tăng cao quá, HTX cũng không dám ký. Tiền gas chiếm 45% giá thành sản phẩm, nếu tính không khéo sẽ bị lỗ nặng. Vào lúc này, nhà sản xuất không mong gì có lãi, chỉ trông hòa vốn để duy trì công việc cho công nhân, nhưng việc tính toán để hòa vốn cũng không dễ dàng” - bà Nguyên nói.
Sản xuất gốm ở DN gốm Hoàn Thành, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa. Ảnh: K. Giới |
Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho biết, đến nay chỉ còn vài DN sản xuất gốm lớn còn hoạt động nhưng cũng trong tình trạng cầm chừng. Còn lại, các cơ sở và DN nhỏ gần như đã ngưng hẳn hoạt động. Ông Nguyễn Viết Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, Giám đốc Công ty gốm Việt Thành, cho hay năm 2011 ngành gốm đã có dấu hiệu phục hồi, hợp đồng khá hơn mấy năm trước, nhưng từ giữa quý I năm nay thị trường đột ngột rớt thẳng đứng.
* Bao giờ hồi phục?
Theo thống kê của Hiệp hội Gốm, hiện tại có tới 70% DN thiếu việc làm cho công nhân do không có đơn hàng xuất khẩu. Đây là mức độ khó khăn chưa từng thấy từ trước đến nay của ngành gốm. Ông Bình dẫn chứng, Công ty gốm Việt Thành có một xí nghiệp chuyên cung cấp đất nguyên liệu cho các DN làm gốm ở Biên Hòa và Bình Dương. Bình quân mỗi ngày xí nghiệp xuất khoảng 40 tấn đất, nhưng hiện chỉ xuất được 1,5 tấn đất/ngày. Rất nhiều DN đã phải ngưng hẳn hoạt động.
Hiện nay, Biên Hòa có 30 cơ sở và DN sản xuất gốm, trong đó 25 đơn vị có số vốn rất khiêm tốn chỉ từ 2 - 3 tỷ đồng/cơ sở. Số DN có vốn từ 10 tỷ đồng trở lên chỉ có HTX gốm Thái Dương, Công ty gốm Đồng Tâm và gốm Việt Thành. Với các DN nhỏ và siêu nhỏ, mức độ chống đỡ khó khăn không mấy dễ dàng. |
“Mức độ sụt giảm khủng khiếp của thị trường khiến cho các DN sản xuất gốm không thể xoay trở kịp. Các DN phải chấp nhận tình hình xấu của thị trường và nó có thể kéo dài trong vài tháng nữa. Mỗi DN lúc này tùy theo điều kiện của mình tìm cách khắc phục khó khăn. Qua theo dõi nhiều năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy ngành gốm lại rơi vào khủng hoảng như hiện nay” - ông Bình chia sẻ.
Các nhà sản xuất gốm cho rằng khó khăn hiện nay có thể đã xuống đáy, nhưng không biết tới khi nào thì hồi phục. Giới kinh doanh gốm nhận định, khó khăn còn tiếp tục hết quý II và III năm nay, hy vọng sang quý IV kinh tế của các nước châu Âu và Mỹ bớt khó khăn sẽ giúp cho thị trường gốm ấm trở lại.
Khắc Giới