Giữa tháng 5-2012, ông Hồ Sáu sẽ ra Hà Nội dự hội nghị nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi toàn quốc. Ông cũng vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III...
Giữa tháng 5-2012, ông Hồ Sáu sẽ ra Hà Nội dự hội nghị nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi toàn quốc. Ông cũng vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III...
Vào năm 1994, từ việc lai tạo giống mì gốc Thái Lan để trồng và bán cho nhiều người cùng trồng đạt năng suất gấp 4 lần giống mì hiện hữu, ông Hồ Sáu, ngụ xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom từng được nông dân khu vực miền Đông Nam bộ xem là “vua mì”.
* Chuyển sang làm thức ăn cho bò
Không dừng lại ở đó, qua tìm hiểu, ông nhận thấy ở nước ta có rất nhiều nhà máy chế biến thức ăn cho heo, gà, tôm, cá… nhưng nhà máy chế biến thức ăn cho bò, dê, cừu, ngựa thì còn rất ít. “Hơn nữa, đến mùa khô thì rơm, rạ cũng không đủ cho chúng ăn. Từ suy nghĩ đó, qua một thời gian tìm kiếm công nghệ và sản xuất thử nghiệm, năm 2008, tôi quyết định thành lập Công ty cổ phần Việt Nông Lâm” - ông Hồ Sáu cho biết.
Thu hoạch mì cao sản tại vườn ông Hồ Sáu. |
Nhờ chất lượng sản phẩm đảm bảo, bò ăn phát triển tốt nên nhiều khách hàng đã đến đăng ký đặt hàng của công ty… “Sản phẩm thức ăn cho bò của công ty không chỉ dừng lại được tiêu thụ trong nước. Ngay trong năm 2008, thêm sản phẩm thức ăn cho bò sữa của công ty ra đời, nhiều khách hàng từ các nước đã tìm đến đặt mua hàng” - một cán bộ phụ trách kinh doanh của công ty cho biết. Đến thời điểm này, chỉ riêng thức ăn cho bò sữa công ty xuất sang hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản, mỗi tháng từ 2.500-3.000 tấn thành phẩm.
Từ việc tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp, như: cỏ, vỏ đậu, hạt mít, thân cây bắp, vỏ trái dứa, bã mía…, công ty do ông Sáu làm Chủ tịch HĐQT sản xuất ra thức ăn cho bò sữa (sản phẩm CORN SILAGE - bắp ủ lên men với công nghệ xanh, sạch). Vào đầu năm 2010, ông Sáu đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là “Sao Thần Nông”.
Hiện công ty của ông Sáu còn tổ chức các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, như: trồng thanh long ruột đỏ (đây là loại cây từ trước chỉ thích hợp tại một số vùng đất thuộc tỉnh Bình Thuận); chế biến mì lát xuất bán nội địa; chăn nuôi heo rừng, cá sấu và nhím…
* Vượt khó vươn lên
Là một nông dân nổi tiếng trong lai tạo giống cây trồng, tổ chức các mô hình sản xuất - kinh doanh có hiệu quả được bình chọn là “Sao Thần Nông” nhưng có lẽ ít người biết, ông Hồ Sáu đã vượt qua một thời cơ cực… Ông Sáu cho biết, ông sinh năm 1948, ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 13 tuổi, ông bắt đầu cuộc đời trôi nổi nơi “đất khách quê người”: sống ở Sài Gòn với thùng cà rem trên vai, đêm về co ro nơi vỉa hè, có được ít tiền, ông thuê nhà trọ trong khu ổ chuột.
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, gia đình ông vẫn rơi vào cảnh túng bấn. Quyết tâm đổi đời nên ông đưa gia đình về xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom lập nghiệp. Lúc đầu ông làm thuê, chắt mót từng đồng để dành mua đất trồng mì.
Ông Sáu bắt đầu nổi tiếng khắp vùng từ năm 1994, khi lai tạo thành công giống mì cao sản có nguồn gốc từ Thái Lan đưa ra trồng, bán giống đại trà. Nhiều người ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… mua gống mì này về trồng, đạt năng suất cao gấp 4 lần giống mì hiện hữu nên đã tôn vinh ông Sáu là “vua mì” miền Đông Nam bộ.
* Giải quyết việc làm cho hàng trăm nông dân
Còn đối với hơn 200 lao động có việc làm thường xuyên, gắn bó lâu dài với Công ty Việt Nông Lâm từ hơn 4 năm nay, đều làm theo hình thức khoán sản phẩm cho từng công đoạn. Trên cơ sở đó, mỗi lao động có thu nhập từ 200-400 ngàn đồng/ngày.
Theo Hội Nông dân xã Tây Hòa, công ty do ông Sáu làm Chủ tịch HĐQT đã giải quyết việc làm ổn định, có thu nhập khá cho hàng trăm lao động, trong đó hầu hết là nông dân nghèo, người dân tộc Chơro… Không những chỉ lo làm giàu cho mình, trong 5 năm qua, ông Sáu đã hỗ trợ cho 50 hộ nghèo với số tiền 250 triệu đồng, 35 ngàn cây giống các loại, 200 con giống để các hộ nghèo khác có điều kiện sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra, ông Sáu còn nhận nuôi 5 cháu mồ côi, cơ nhỡ và tư vấn kinh nghiệm sản xuất cho nhiều hộ nghèo. Nhiều hộ nhờ tiếp thu kinh nghiệm sản xuất của ông đã vươn lên khá, giàu, như: hộ ông Chín, ông Phước, ông Nghĩa…
Ông Hồ Sáu là Chủ tịch Hội Nông dân xã nhiều năm liền và ông mới vừa nghỉ vì tuổi cao. Với cương vị là thủ lĩnh của nông dân tại một xã, ông Sáu đã hướng dẫn, giúp đỡ hội viên nông dân xây dựng phong trào ngày càng phát triển. Hội cơ sở do ông Sáu lãnh đạo trong 10 năm liền được Hội cấp trên công nhận là đơn vị vững mạnh xuất sắc...
Cao Thuyên