Thị trường xuất khẩu khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) phải giảm sản xuất vì không có đơn hàng. Trong tình thế hiện nay, không ít DN vẫn cố gắng bươn chải để tìm giải pháp thay vì chờ đợi nền kinh tế phục hồi.
Thị trường xuất khẩu khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) phải giảm sản xuất vì không có đơn hàng. Trong tình thế hiện nay, không ít DN vẫn cố gắng bươn chải để tìm giải pháp thay vì chờ đợi nền kinh tế phục hồi.
Công ty cổ phần cao su màu đang tìm hướng tiếp cận thị trường còn nhiều tiềm năng ở Trung Đông. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Ảnh: V. NAM |
Chị Nguyễn Thu Phương, Phó giám đốc Công ty chế biến gỗ Tiến Thành ở huyện Trảng Bom cho biết, cuối năm 2011, DN đã phải “chia tay” với thị trường châu Âu bởi không bán được hàng. Nhiều người trong công ty lo lắng, bởi đây là thị trường chính.
* Không thụ động chờ thời
Không chịu ngồi yên, ban giám đốc công ty đã “tung” người tỏa đi tìm kiếm các thị trường khác. Kết quả thu về khả quan, vì hai thị trường mới Nga và Hàn Quốc đã là cứu cánh cho DN. Chị Phương kể: “Cuối năm ngoái, tôi được cử đi châu Âu để đánh giá khả năng bán hàng. Khi sang đó thấy sức mua giảm quá mạnh. Các nhà nhập khẩu đưa tôi đến xem những kho hàng còn chất ngổn ngang sản phẩm không tiêu thụ được. Khi trở về, DN quyết định phải cố gắng đi mở thị trường khác thay thế cho thị trường truyền thống. Trước đây, chúng tôi thấy châu Âu rơi vào khủng hoảng nợ công vẫn hy vọng sẽ sớm vượt qua, nhưng rồi càng ngày càng khó khăn hơn. Cuối năm 2010 và đầu năm 2011 tại các nước, như: Đức, Pháp, Ý, lượng hàng bán ra bị sụt giảm mạnh, đến cuối năm ngoái thì cũng rơi vào khó khăn”.
Hai thị trường mới của Tiến Thành cũng không dễ dàng. Mặc dù có được hợp đồng nhưng DN cũng nơm nớp lo, bởi cách thanh toán tiền hàng không như các đối tác châu Âu nên tỷ lệ rủi ro khá cao. Để duy trì sản xuất, DN vẫn chấp nhận chơi trò “may rủi”. Đến nay, Tiến Thành phục hồi sản xuất đạt 80% so với cùng kỳ năm 2011 và có trong tay đơn hàng sản xuất đến hết quý II.
Cũng trong lĩnh vực chế biến gỗ, DN tư nhân Minh Tiến ở phường Tân Biên, TP. Biên Hòa khá may mắn khi được các nhà nhập khẩu Nhật Bản ký hợp đồng đặt sản xuất bàn ghế trong nhà. Giám đốc Đỗ Văn Hùng cho hay, hợp đồng ký với khách hàng Nhật giúp DN duy trì tương đối ổn định việc làm cho công nhân được đến đầu quý IV năm nay. Vào giữa năm 2011, DN tư nhân Minh Tiến cũng “ngậm trái đắng” một lô hàng xuất qua thị trường Mỹ không thanh toán được tiền do DN nhập khẩu đã bỏ hàng. Tìm về châu Á, anh Hùng đã đàm phán thành công với các đối tác Nhật Bản giúp DN không bị gián đoạn sản xuất.
Ở lĩnh vực giày dép xuất khẩu, chị Phạm Thị Uyên Thi, Phó giám đốc Công ty cổ phần cao su màu (Casum), cũng cho biết qua nhiều lần đi tìm thị trường, vừa qua DN đã xuất được hàng sang Mỹ thay vì chỉ xuất qua châu Âu như trước đây. Nhờ có thêm thị trường này mà DN vẫn duy trì được sản xuất tương đối ổn định. Việc phát triển thêm được thị trường mới giúp Casum tránh khỏi đình đốn sản xuất khi châu Âu đang rơi vào vòng xoáy khó khăn. Hiện Casum chuẩn bị mở thêm thị trường Trung Đông. Theo đánh giá của chị Thi, Trung Đông còn khá nhiều tiềm năng nên DN đang nhắm tới phát triển ở thị trường này. Ngoài ra, về lâu dài Casum cũng sẽ triển khai cả thị trường nội địa.
* Thị trường còn rộng mở
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ nhiệm CLB các nhà xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho rằng sản phẩm công nghiệp, như: may mặc, chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ, giày dép, gốm sứ của các DN vừa và nhỏ trong tỉnh chủ yếu tập trung xuất khẩu vào châu Âu và Mỹ. Đây là hai thị trường được xem là truyền thống. Tại đây, các DN Việt Nam phải đua với “người khổng lồ” Trung Quốc rất gay gắt. Các nhà sản xuất Trung Quốc có ưu thế mạnh về máy móc và công nghệ nên sản phẩm của họ có giá rất cạnh tranh.
Cũng theo ông Tuấn, một số thị trường tại châu Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, hay các nước vùng Đông Nam Á, hoặc các nước Trung Đông còn nhiều tiềm năng. Ông Tuấn nói: “Trong lúc kinh tế bình thường thì thị trường xuất khẩu vào các nước châu Á không sôi động bằng Mỹ hay châu Âu. Tuy nhiên, tính ổn định ở thị trường châu Á khá cao. Qua tìm hiểu với các thám tán thương mại, tôi thấy nhiều nước châu Á vẫn có những cơ hội cho DN xuất khẩu”.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, mỗi DN đều có những phương án riêng của mình để duy trì được hoạt động. Và việc chủ động tìm kiếm thị trường để có đơn hàng sản xuất vẫn được DN quan tâm hàng đầu.
Vân Nam