Rời quê, anh chọn Đồng Nai là nơi dừng chân để lập nghiệp. Với lòng nhiệt thành của người lính từng trải qua nhiều gian nan, thử thách, anh đã biến vùng đất hoang sơ thành trang trại mỗi năm có lời bạc tỷ.
Rời quê, anh chọn Đồng Nai là nơi dừng chân để lập nghiệp. Với lòng nhiệt thành của người lính từng trải qua nhiều gian nan, thử thách, anh đã biến vùng đất hoang sơ thành trang trại mỗi năm có lời bạc tỷ.
Năm 1982, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Nguyễn Công Châu đã rời quê Nghệ An vào Đồng Nai sinh sống. Vùng đất anh chọn để an cư là ấp 1, xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu).
* Không ngại khó, ngại khổ
Với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và khí chất của người lính Cụ Hồ, khi đặt chân đến vùng đất Phú Lý, anh Châu đã xin vào lâm trường làm việc. Ngày ấy, lương công nhân ba cọc ba đồng, khó khăn, thiếu thốn đủ bề nên ngoài giờ làm việc ở lâm trường, anh Châu lại tranh thủ làm rẫy để tăng thêm thu nhập. Lúc đầu, anh làm rẫy chủ yếu do bức thiết của cuộc sống, nhưng sau vài năm gắn bó với mảnh đất vùng cao này, anh đâm ra nặng lòng. Vì thế, tích lũy được chút vốn nào, anh Châu đều dồn vào mua đất và dồn điền đổi thửa với mong muốn thành lập một trang trại lớn. Cách đây hơn 3 năm, khi đã tích lũy được gần 30 hécta đất, anh Châu đã xin nghỉ hưu ở lâm trường để về chuyên tâm làm trang trại.
Anh Nguyễn Công Châu ở ấp 1, xã Phú Lý bên ruộng mía. ẢNH: H.G |
Trước đây, anh đã thử sức với một số loại cây trồng, song luôn gặp cảnh được mùa thì rớt giá, mất mùa được giá. Bên cạnh đó, Phú Lý là vùng sâu, đi lại khó khăn nên nông sản bán ra thường thấp hơn 2-3 giá so với nhiều vùng khác trong tỉnh. Đôi khi, gặp thời điểm thu hoạch rộ, nông sản làm ra không bán được hàng. Sau nhiều ngày tìm hiểu thị trường, cuối cùng anh Châu quyết định đầu tư vào trồng mía. Cây trồng này đem lại lợi nhuận không cao như một số cây trồng khác, nhưng bù lại đầu ra được các nhà máy mía đường trong tỉnh bao tiêu, không lo bị thua lỗ và ế hàng.
Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm và áp dụng khoa học vào trong khâu trồng, chăm sóc cây mía đẩy năng suất lên cao, mỗi năm anh Châu thu được từ trang trại trồng mía xấp xỉ 1 tỷ đồng. Với trang trại quy mô như hiện nay, anh Châu có trong tay tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng.
* Giúp nhau cùng làm giàu
Khi trang trại đã đi vào hoạt động quy củ, đem lại nguồn lợi lớn, anh Châu liền nghĩ tới việc giúp bà con trong ấp cùng làm giàu. Thấy nhiều bà con trong ấp trồng mía có diện tích ít, khó hợp đồng bán mía với nhà máy, anh Châu đã đứng ra liên kết các hộ này lại và ký hợp đồng thay họ để có đầu ra ổn định. Nhờ cách làm này mà nhiều hộ nông dân nghèo trong xã tìm được mối tiêu thụ và nhận được vốn hỗ trợ trồng mía, giảm bớt tình trạng “đói” vốn đầu tư.[links(right)]
Tuy nhiên, vốn hỗ trợ của các nhà máy mía đường thường chia làm nhiều đợt và đôi khi không đúng thời vụ nên một số hộ nông dân nghèo vẫn rơi vào cảnh thiếu vốn. Cây mía cũng như các cây trồng khác nếu không được chăm sóc đúng thời vụ thì năng suất, chất lượng sẽ giảm. Trước thực trạng trên, anh Châu lại một lần nữa đứng ra giúp bà con trong xã bằng cách ứng vốn trước cho họ mua phân bón, vật tư chăm sóc cây trồng đúng thời điểm, còn anh sẽ nhận lại vốn từ nhà máy.
Cuối vụ, anh Châu nhận mía giúp các hộ này bán theo giá hợp đồng với nhà máy và chỉ nhận phí 10 ngàn đồng/tấn mía. Nhờ có vốn kịp thời, hơn 50 hộ nghèo, đồng bào dân tộc trong xã kịp thời chăm sóc đẩy năng suất cây mía tăng thêm 5-8 tấn/hécta. Anh Châu cho biết: “Để ký được hợp đồng bán mía và ứng vốn đầu tư của nhà máy cho các hộ, tôi phải đem sổ đỏ nhà đất của mình thế chấp. Ngoài ứng trước phần vốn và nhà máy sẽ hỗ trợ, với những hộ có nhu cầu cần thêm vốn, tôi đều vay giúp theo lãi suất ngân hàng và không đòi hỏi phải thế chấp”.
Hiện nay, diện tích mía các hộ nông dân ủy thác anh ký hợp đồng bán cho nhà máy lên đến gần 200 hécta. Một số người bạn thấy anh làm vậy đã ví von rằng anh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nghe những lời này anh chỉ cười và trả lời: “Có vốn, chăm sóc đúng thời điểm năng suất cây mía cao, bà con có thêm lợi nhuận 4-8 triệu đồng/hécta, tôi cũng được lợi vài trăm ngàn đồng/hécta. Ngoài ra, nhiều bà con trồng mía liên kết lại tạo thành vùng nguyên liệu lớn thì đầu ra của tôi và bà con sẽ càng ổn định hơn” .
Hương Giang