Báo Đồng Nai điện tử
En

Vụ bắp đông - xuân: Giá cao, đầu ra thuận lợi

09:04, 27/04/2012

Không như người trồng lúa, vụ đông - xuân này, nông dân trồng bắp trong tỉnh vẫn gặp may vì giá bắp ở mức tương đối cao. Tính ra, trồng bắp thu  lời gấp 3-4 lần trồng lúa.

 

Không như người trồng lúa, vụ đông - xuân này, nông dân trồng bắp trong tỉnh vẫn gặp may vì giá bắp ở mức tương đối cao. Tính ra, trồng bắp thu  lời gấp 3-4 lần trồng lúa.

Vụ đông- xuân 2011-2012, nông dân Đồng Nai trồng gần 9 ngàn hécta bắp. Địa phương có diện tích trồng bắp nhiều là: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán và Tân Phú. Vụ đông- xuân này năng suất bắp bình quân toàn tỉnh đạt gần 7,7 tấn/hécta. Có nhiều nông dân áp dụng kỹ thuật vào khâu trồng, chăm sóc đẩy năng suất đạt trên 10 tấn/hécta.

* Được lợi nhiều bề

Hiện nay, thương lái mua bắp của nông dân trong tỉnh từ  6.000 - 6.200 đồng/kg và đầu ra khá ổn định. So với những hộ trồng lúa,  nông dân trồng bắp vụ đông - xuân khá may mắn vì giá bắp tương đối cao và đầu ra thuận lợi. Trừ chi phí, nông dân trồng bắp lời từ 25 - 30 triệu đồng/hécta, gấp 3-4 lần trồng lúa.

Bắp trồng ở xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom). Ảnh: H. Giang
Bắp trồng ở xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom). Ảnh: H. Giang

Ông Trần Quang, Chủ nhiệm Liên hiệp câu lạc bộ Xuân Tiến, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) cho hay: “Vụ đông - xuân này, giá bắp tuy có giảm nhẹ, nhưng so với trồng lúa còn may mắn hơn nhiều. Với năng suất khoảng 10 tấn/hécta, trừ vốn đầu tư tôi còn lời hơn 30 triệu đồng/hécta. Vụ này nếu trồng lúa chăm sóc tốt, năng suất cao cũng chỉ lời từ 5-8 triệu đồng/hécta”.

Từ đầu năm đến nay, giá lúa giảm hơn 2 ngàn đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2011 và đầu ra tương đối khó khăn. Thế nhưng, giá bắp chỉ giảm 500- 800 đồng/kg, nông dân vẫn còn lời cao.

Một số nông dân trồng bắp ở các huyện Định Quán và Cẩm Mỹ cũng khẳng định, giá bắp vụ này giảm nhẹ, song đầu ra vẫn rất thuận lợi nên nông dân an tâm đầu tư chăm sóc để nâng cao năng suất. Theo các chủ đại lý mua nông sản trong tỉnh, giá bắp hạ là do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Nhưng đầu ra khá hút hàng, do lượng bắp trong nước không đủ cung cấp cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vì thế, thương lái thường vào từng hộ mua cả bắp khô lẫn bắp tươi.

* Phát huy lợi thế

Lợi thế của Đồng Nai là cây trồng cạn, do vậy tỉnh và các địa phương thường xuyên vận động nông dân chuyển đổi các vùng trồng lúa thiếu nước sang trồng bắp, đậu và rau màu. Như vậy, nông dân vừa tiết kiệm được nguồn nước tưới, không lo hạn hán, đồng thời thu nhập của cây bắp, đậu, rau màu thường cao hơn nhiều so với trồng lúa. Vào vụ đông - xuân, một số nơi như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc nông dân chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa sang trồng bắp và đậu. Việc chuyển đổi cây trồng ngoài bớt lo hạn hán, còn giúp nông dân cải tạo, cắt mầm bệnh trong đất, có đầu ra thuận lợi. Hiện nay, lượng bắp sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của các công ty, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, số còn lại các doanh nghiệp phải nhập khẩu.

Nhiều năm nay, nông dân trong tỉnh luôn gặp tình trạng được mùa rớt giá, mất mùa được giá là vì cung, cầu chưa gặp nhau. Nông dân chưa sản xuất theo những gì thị trường cần. Gắn kết nông dân và doanh nghiệp để một bên sản xuất ra bán được nông sản giá cao, ổn định và một bên có vùng nguyên liệu yên tâm sản xuất là yêu cầu bức thiết không thể chậm trễ.

Ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại gà ở ấp Bình Tân, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc), cho biết: “Mỗi năm, tôi phải mua gần 2.500 tấn bắp khô để làm thức ăn cho gà. Thế nhưng, lượng bắp tôi mua được trong tỉnh chỉ vài trăm tấn, số còn lại tôi đành phải nhập khẩu. Nhập khẩu chi phí vận chuyển cao, mất thời gian chờ đợi nên tôi rất muốn liên kết với một số câu lạc bộ, hợp tác xã, đầu tư bao tiêu sản phẩm để có vùng nguyên liệu, chủ động trong sản xuất”.

Vụ đông - xuân này, tổng sản lượng bắp của toàn tỉnh gần 68 ngàn tấn. Ở Đồng Nai tập trung 2/3 số nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn của cả nước nên nhu cầu mua nguyên liệu bắp, đậu nành rất lớn. Theo một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nằm trên địa bàn tỉnh thì lượng bắp mua được trong tỉnh rất ít, đa số phải nhập khẩu. Hiện nay, giá cước vận chuyển tăng cao, nhiều công ty muốn đầu tư có vùng nguyên liệu bắp ngay trong nước để chủ động sản xuất. Đồng thời, các công ty này sẵn sàng hỗ trợ một phần cho nông dân để có vùng nguyên liệu tốt.

Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình (TP. Biên Hòa) khẳng định, hiện nay, công ty rất cần mua lượng lớn bắp và đậu nành để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nếu mua được số lượng lớn bắp, đậu nành ngay tại Đồng Nai, công ty giảm bớt được khá nhiều chi phí nhập khẩu và vận chuyển. Nếu các câu lạc bộ, hợp tác xã có số lượng bắp, đậu nành lớn công ty sẵn sàng ký hợp đồng mua nông sản lâu dài. Và công ty sẽ có những chính sách hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật để có vùng nguyên liệu ổn định.

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều