Ủ phân hữu cơ vi sinh từ những phế phẩm bỏ đi trong nông nghiệp, như: rơm, rạ đã giúp cho bà con nông dân không những tiết kiệm chi phí mua phân hóa học mà còn giúp cải tạo đất, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng và hạn chế tác động xấu đến môi trường.
Ủ phân hữu cơ vi sinh từ những phế phẩm bỏ đi trong nông nghiệp, như: rơm, rạ đã giúp cho bà con nông dân không những tiết kiệm chi phí mua phân hóa học mà còn giúp cải tạo đất, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng và hạn chế tác động xấu đến môi trường. Đây là mô hình lần đầu tiên được áp dụng trên địa bàn Sông Thao - xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Trảng Bom.
Người tiên phong đi đầu áp dụng mô hình này là ông Nguyễn Văn Út ở ấp Thuận An. Nguyên liệu chính được sử dụng là rơm và rạ mà trước đây ông thường đốt bỏ sau mỗi vụ thu hoạch lúa. Từ 6 sào lúa sau khi thu hoạch, ông gom rơm, rạ phế phẩm chất thành đống rồi tưới nước để có độ ẩm nhất định. Khi phế phẩm rơm, rạ mềm, ông trộm với khoảng 10% phân gia súc, gia cầm và dùng chế phẩm sinh học UPC (tức chế phẩm ủ phân chuồng vi sinh cho nhanh mục) có bổ sung thêm nấm Trichoderma, tưới đều trên đống rạ. Hoàn thành công đoạn pha trộn, ông dùng bạt phủ kín và không quên để 1 ống thông hơi để châm nước giữ độ ẩm cho rơm, rạ trong thời gian chuyển hóa. Sau từ 55 - 60 ngày thì số rơm, rạ sẽ hoai mục hoàn toàn và trở thành phân hữu cơ vi sinh.
Ông Nguyễn Văn Út cho biết: “Cách thức ủ phân này rất đơn giản, không nặng nhọc gì lại được lợi khá nhiều. 6 sào lúa cho rơm, rạ làm ra khoảng 7 tấn phân hữu cơ. Hiện nay, phân vi sinh có giá 2 ngàn đồng/kg, trừ chi phí cũng còn lời được 10 triệu đồng”.
Ưu điểm của phân hữu cơ vi sinh là sau khi ủ sẽ tiêu diệt các nguồn bệnh tàn dư. Phân hữu cơ vi sinh có thể đem bón cho đất trước khi gieo trồng sẽ làm tăng lượng hữu cơ bổ sung cho đất, nâng cao độ phì nhiêu của đất, làm cho đất tơi, xốp, giảm bớt khoản chi mua phân hóa học. Mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh xóa đi tập tục đốt rơm, rạ tại cánh đồng, gây khói bụi, ô nhiễm môi trường.
Xã Sông Thao có trên 500 hộ trồng lúa với tổng diện tích 448 hécta. Từ hiệu quả của mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh của ông Út, xã đang tiếp tục vận động, nhân rộng ra các hộ nông dân để nâng cao hiệu quả từ cây lúa, góp phần giảm nghèo trên địa bàn xã.
Văn Khang