Là người sớm nhìn thấy lợi ích kinh tế từ việc trồng rừng, ông Nguyễn Văn Cảnh (còn gọi là Cần) ở ấp 2, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc đã nhanh chóng đi mua đất để trồng rừng. Đến nay, ông trở thành chủ rừng lớn ở huyện miền núi này.
Là người sớm nhìn thấy lợi ích kinh tế từ việc trồng rừng, ông Nguyễn Văn Cảnh (còn gọi là Cần) ở ấp 2, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc đã nhanh chóng đi mua đất để trồng rừng. Đến nay, ông trở thành chủ rừng lớn ở huyện miền núi này.
Mỗi năm những cánh rừng của ông Cần cung cấp cho các nhà máy giấy, xưởng cưa hàng ngàn mét khối gỗ. Hiệu quả kinh tế từ các cánh rừng của ông mang lại khá ổn định.
* Từ chủ trại bò...
Những năm 1990 khi thấy vùng đất Xuân Hưng còn hoang hóa nhiều, ông Cần đã nảy ra ý tưởng đưa bò đến đây nuôi vỗ béo nhằm phục vụ cho lò mổ của mình ở Biên Hòa. Đến năm 1993, ông khăn gói về đây, đem theo 50 con bò gầy ốm. Vùng đất trù phú này đã giúp đàn bò của ông phát triển tốt và sinh lợi lớn. Đến năm 1997, số bò lên đến 1 ngàn con, ông trở thành chủ trại bò lớn nhất của Xuân Lộc vào thời điểm bấy giờ.
Ông Cần bên một bãi gỗ khai thác chuẩn bị giao cho khách hàng. Ảnh: V.NAM |
Ông Cần tâm sự: “Tôi biết cách vỗ béo bò nên cả đàn phát triển rất tốt. Mấy năm gần đây, tôi tập trung cho một số lĩnh vực khác nên chỉ duy trì nuôi 300 con/năm. Bây giờ cỏ hoang ít, phải bổ sung thêm thực phẩm nên chi phí cao hơn trước”. Khoảng tháng tư hàng năm, ông Cần bắt đầu đi mua bò gầy ở trong huyện và tỉnh Bình Thuận về nuôi, tới gần Tết thì bán. Với 300 con bò, hàng năm cho ông thu nhập gần 3 tỷ đồng.
* ... Đến ông chủ rừng
Khi trại bò chạm đích 1 ngàn con, nguồn vốn tích lũy cũng kha khá, ông Cần nghĩ đến việc đầu tư vào đất để phát triển trồng trọt cho ổn định. Ông Cần kể: “Đất trước đây rẻ lắm, tôi cứ đổi mỗi con bò sinh sản là lấy 1 hécta đất (giá đất khoảng 3,5 triệu đồng/hécta). Sau đó giá đất tăng hơn một chút thì 2 con bò được một hécta. Trong vài năm, tôi đã mua được 100 hécta. Tôi nghĩ, nếu trồng cây ăn trái đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, quản lý không nổi sẽ bị lỗ, chỉ trồng rừng là an toàn hơn cả”.
Trước năm 2000, giá gỗ còn rẻ vì nhu cầu sử dụng gỗ rừng trồng chưa nhiều như hiện nay, bởi vậy cũng ít người nghĩ tới trồng rừng ngoài các nhà máy. Ông Cần gần như là người tiên phong trong việc phát triển rừng trồng ở đây. Thời gian đầu ông trồng bạch đàn, tràm bông vàng và xà cừ. Sau này ông chuyển sang những loại cây rừng có hiệu quả hơn là tràm hom và keo lai. Đến nay, tổng diện tích đất của ông có trên 200 hécta, trong đó 150 hécta rừng. Tuổi rừng ở đây khá đa dạng, từ mới trồng cho đến trên 12 năm tuổi. Ông Cần trồng rừng khá bài bản. Ban đầu ông trồng rất dày, khoảng 5 ngàn cây/hécta, bốn năm sau thì khai thác tỉa 50%. Loại gỗ lúc này bán cho các nhà máy làm nguyên liệu giấy. Tiếp tục, cách nhau hai năm sau ông lại khai thác một lần và cho đến năm thứ 12 thì khai thác hết. Gỗ từ năm thứ 8 trở đi được chia làm 3 phần để bán với giá khác nhau. Phần cành và ngọn cây bán cho nhà máy giấy; phần thân phía trên bán cho các công ty sản xuất bao bì, palet và phần thân dưới thì cung cấp cho các cơ sở cưa xẻ để lấy gỗ chế biến hàng mộc xuất khẩu. Doanh thu bán gỗ hàng năm của ông Cần cũng trên dưới 3 tỷ đồng.
Vốn là người “tham” đất, ông Cần lại vừa mua thêm 20 hécta nữa, trị giá 8 tỷ đồng để tiếp tục phát triển rừng.
Vân Nam