Năm 2012, tình hình kinh tế thế giới nhìn chung vẫn được đánh giá là “khó khăn, bất ổn”, do đó chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai năm 2012 đặt ra không cao so với mọi năm, khoảng 850 triệu USD. Tuy nhiên, kết quả thu hút vốn FDI trong 4 tháng đầu năm 2012 có nhiều bất ngờ.
Năm 2012, tình hình kinh tế thế giới nhìn chung vẫn được đánh giá là “khó khăn, bất ổn”, do đó chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai năm 2012 đặt ra không cao so với mọi năm, khoảng 850 triệu USD. Tuy nhiên, kết quả thu hút vốn FDI trong 4 tháng đầu năm 2012 có nhiều bất ngờ.
Từ ngày 8 đến 16-4, Đồng Nai đã tổ chức Đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Tập đoàn Sojitz ký biên bản thỏa thuận. Ảnh: H. THANH |
Cụ thể, đến hết tháng 4-2012, các KCN tại Đồng Nai đã thu hút được 775 triệu USD vốn FDI (bao gồm dự án mới và dự án tăng vốn). Trong đó, có 15 dự án được cấp mới với tổng vốn trên 530 triệu USD và 21 dự án tăng vốn với trên 240 triệu USD, cao hơn nhiều so với con số 9 dự án cấp mới và 17 dự án tăng vốn của cùng kỳ năm ngoái.
* Nhiều bất ngờ
Cho đến nay, thu hút FDI vào các KCN ở Đồng Nai đã đạt trên 90% kế hoạch so với chỉ tiêu của tỉnh đặt ra cho năm 2012 là 850 triệu USD. Đánh giá của Ban quản lý các KCN Đồng Nai (Diza) cho thấy, lượng vốn FDI thu hút được trong 4 tháng qua cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011 (đến giữa tháng 4 - 2011, các KCN chỉ thu hút được hơn 130 triệu USD vốn FDI). Đây được xem là mức tăng ngoài dự kiến, bởi theo nhận định tình hình thu hút vốn FDI năm 2012 sẽ khó khả quan do kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.
Trong 4 tháng qua, dự án lớn nhất là dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 441 triệu USD của Công ty TNHH sản xuất Toàn Cầu Lixil Việt Nam (Nhật Bản). Lixil được biết đến là tập đoàn lớn của Nhật Bản chuyên sản xuất sản phẩm phục vụ trong ngành xây dựng, như: gạch men, gốm sứ xây dựng, vật liệu trang trí nội ngoại thất... Tập đoàn Lixil được hợp nhất từ 5 công ty của Nhật là: Tostem Corporation, Inax Corporation, Shin Nikkei Co., Ltd., Toyo Exterior Co., Ltd. và Sunwave Corporation.
NHÀ ĐẦU TƯ ĐÁNH GIÁ CAO MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ ĐỒNG NAI Tập đoàn thực phẩm lớn của Nhật Bản House Food Corporation hôm 16-4 đã khởi công dự án nhà máy sản xuất thực phẩm của mình tại KCN Amata. Đây là dự án đầu tiên của House Food tại Đông Nam Á, có tổng vốn đầu tư 14 triệu USD, dự kiến đưa vào sản xuất từ tháng 3-2012. Tại lễ khởi công, ông Hiroshi Urakami, Chủ tịch tập đoàn cho biết, dự án ở Việt Nam sẽ mở đầu cho kế hoạch mở rộng sản xuất ra nhiều nước khác của House Food. Theo ông Hiroshi, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá rất cao môi trường đầu tư tại Đồng Nai và điều này khiến House Food tự tin đầu tư vào đây. House Food sẽ chú trọng đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại nhất mà tập đoàn hiện có. Tương tự, ngày 25-4, Công ty Suzuki khởi công nhà máy sản xuất ô tô có tổng số vốn đầu tư 280 tỷ đồng (khoảng 13 triệu USD), để lắp ráp các dòng ô tô chở người và xe tải cỡ nhỏ với sản lượng 5.000 chiếc/năm. Lãnh đạo Tập đoàn Suzuki cho biết, họ rất tin tưởng khi đầu tư nhà máy ở Đồng Nai bởi chính quyền hỗ trợ tốt, giao thông thuận lợi... Dự kiến, nhà máy mới đưa vào sản xuất từ năm 2013 và trong tương lai gần, Suzuki sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa xe ô tô lên 50%, đồng thời nhà máy mới tại Đồng Nai sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng phụ tùng xe hơi cho các nhà máy ô tô khác trong Tập đoàn Suzuki đóng tại nhiều nước khác. V.L |
Theo giấy phép đầu tư, Lixil sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích 55 hécta tại KCN Long Đức có diện tích hơn 281 hécta - một KCN mới tại xã Long Đức, huyện Long Thành.
Trước đó, trong tháng 3, công ty sản xuất nước giải khát và thực phẩm Pepsi Co cũng đã khai trương nhà máy sản xuất nước giải khát mới có diện tích hơn 10 hécta ở KCN Amata. Tập đoàn nước giải khát đa quốc gia này đã đầu tư khoảng 45 triệu USD cho nhà máy mới với công suất thiết kế khoảng 180 triệu lít/năm.
Ngoài ra, còn có các dự án quy mô khá lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hà Lan… như dự án của Công ty cổ phần Quang Hưng Plus (liên doanh Việt - Nhật) có vốn 10 triệu USD, dự án của Công ty TNHH thực phẩm House Việt Nam (Nhật Bản) có vốn 14 triệu USD, dự án của Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm Viễn Dương (Cộng hòa Seychelles) có vốn 5 triệu USD…
* Năng động gọi vốn
Nhận xét về nguyên nhân vốn đầu tư nước ngoài vẫn tìm đến các KCN Đồng Nai dù tình hình kinh tế thế giới chưa có gì “sáng sủa”, bà Nguyễn Phương Lan, Phó ban quản lý các KCN Đồng Nai, cho rằng về khách quan, kinh tế thế giới đã khó khăn mấy năm qua, hoạt động đầu tư của DN nước ngoài cũng đã chựng lại khá lâu và giai đoạn này, họ nghĩ đến việc tái đầu tư mở rộng, đặc biệt với nhiều quốc gia châu Á như Nhật hay Hàn Quốc… Về phía chủ quan, bà Lan cho rằng Đồng Nai ngày càng làm tốt hơn công tác xúc tiến đầu tư và cung cấp thông tin, thể hiện qua sự chủ động, linh hoạt thông qua các hoạt động xúc tiến trực tiếp trong và ngoài nước. Mới đây nhất, chuyến đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản của tỉnh cũng gặt hái khá nhiều thành công.
Theo Diza, thời điểm này và về sau là lúc thay đổi quyết liệt về quan điểm xúc tiến đầu tư và định hướng thu hút vốn FDI của tỉnh. Theo đó, đối tượng lựa chọn để xúc tiến đầu tư trong các năm tới sẽ là các DN thuộc các nước và vùng lãnh thổ tiềm năng như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, các nước công nghiệp mới (NICs)… Mặt khác, cũng có sự thay đổi trong cơ cấu các ngành nghề kêu gọi đầu tư. Đồng Nai sẽ không đặt mục tiêu kêu gọi các dự án có vốn lớn nhằm “lấp đầy” các KCN mà chú trọng vào chất lượng dự án, ưu tiên các ngành nghề thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật cao, điện - điện tử, công nghiệp hỗ trợ…
Vi Lâm