Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời của sản phẩm thủ công mang phong cách mới

10:04, 06/04/2012

Đồng Nai có thế mạnh về những nghề thủ công mỹ nghệ như: gốm, gỗ mỹ nghệ, mây tre đan... Vài năm gần đây, trên thị trường xuất hiện thêm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có phong cách mới, lạ, dần khẳng định được vị trí trên thị trường, như: tranh gốm, tranh gạo, tranh đá quý...

Đồng Nai có thế mạnh về những nghề thủ công mỹ nghệ như: gốm, gỗ mỹ nghệ, mây tre đan... Vài năm gần đây, trên thị trường xuất hiện thêm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có phong cách mới, lạ, dần khẳng định được vị trí trên thị trường, như: tranh gốm, tranh gạo, tranh đá quý...

Có thể nói tranh ghép gốm là một trong những sản phẩm thủ công độc đáo và khá mới mẻ của ngành thủ công mỹ nghệ ở Biên Hòa, Đồng Nai.

* Cạnh tranh bằng sự độc đáo

Theo đại diện của Công ty TNHH MTV Mosa (TP. Biên Hòa), tranh ghép gốm Mosa kế thừa kỹ thuật cổ châu Âu, kinh nghiệm của người Hoa, sự khéo léo của người Việt, men truyền thống Biên Hòa, cùng với một số kỹ thuật mới là một dòng sản phẩm sẽ tạo nên sự khác biệt, bổ sung, phát triển nghề truyền thống gốm Biên Hòa.  

Tranh gạo sáng tác ở Đồng Nai. Ảnh: H. Giang
Tranh gạo sáng tác ở Đồng Nai. Ảnh: H. Giang

Tranh được lắp ghép từ hàng trăm, hàng ngàn mảnh gốm nhỏ nhiều sắc màu, qua bàn tay tỉ mỉ của nghệ nhân hình thành nên những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Từng mảnh gốm hình tam giác, đa giác ghép lại với nhau thể hiện một cách sống động hình ảnh phong cảnh hay thần thái của chân dung con người với một sự khỏe khoắn và độc đáo.

Với bộ sưu tập khoảng 1.500 màu men và vẫn còn tiếp tục được mở rộng, tranh gốm Mosa của Biên Hòa là cả một “vũ điệu màu sắc” với nét quyến rũ rất riêng. Màu men rất thắm và thách thức được với thời gian. “Tranh gốm có thể truyền từ đời này đến đời kia mà vẫn vẹn nguyên sắc màu” - ông Nguyễn Hoàng Sang, nghệ nhân làm tranh gốm của Mosa chia sẻ.

Tranh gạo cũng là một nghề thủ công khá trẻ của Đồng Nai, phổ biến trên thị trường khoảng 3 năm nay. Sản phẩm lạ, độc đáo là ưu thế cạnh tranh mà các cơ sở làm tranh gạo đã khai thác tốt để tìm được chỗ đứng trên thị trường hàng trang trí muôn màu, muôn vẻ hiện nay. Không ngừng cải tiến về chất liệu, mẫu mã cũng là thế mạnh cạnh tranh của mặt hàng thủ công này. Hiện nay, một số cơ sở tranh gạo có ứng dụng mới là sử dụng thêm nguyên liệu hạt đậu cho dòng tranh gợi tả. Sự kết hợp giữa đậu và gạo góp phần đa dạng thêm sắc màu cho dòng tranh gạo trở nên lạ mà vẫn không làm mất đi gam màu trầm truyền thống của dòng tranh này.

Tại cuộc thi Sáng tạo hàng thủ công mỹ nghệ Đồng Nai năm 2011, tác phẩm “Bình gốm tranh gạo” của cơ sở tranh gạo Thái Hoàng (TP. Biên Hòa) đoạt giải nhất cho thấy sự sáng tạo của một ngành thủ công còn rất trẻ này.

* Hướng đến thị trường xuất khẩu

Đại diện của Công ty TNHH MTV Mosa chia sẻ, ngay năm đầu tiên thành lập doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu tranh gốm. Dòng tranh này được thế giới rất ưa chuộng nên tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Nó được ứng dụng cả trong trang trí nội, ngoại thất từ những công trình xây dựng mang phong cách cổ điển đến hiện đại. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, doanh nghiệp vừa nhận đặt hàng theo yêu cầu của khách, vừa đầu tư đội ngũ sáng tạo mẫu mã riêng. Với trị giá xuất khẩu khoảng 7 triệu đồng/m2, ngành hàng này đang và sẽ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho ngành thủ công mỹ nghệ của Đồng Nai.

Anh Phạm Văn Khiếu, chủ cửa hàng tranh đá quý Khiếu Hiệp nằm trên đường Phạm Văn Thuận, TP. Biên Hòa cho biết, dòng tranh đá quý có mặt tại thị trường Đồng Nai khoảng 5 năm nay và ngày càng được ưa chuộng. Với giá bán từ cả triệu đến vài chục triệu đồng/bức tranh tùy chất liệu đá và độ phức tạp của hình ảnh nên khách mua chủ yếu là các doanh nghiệp, trong đó không ít là Việt kiều và người nước ngoài. Dòng tranh này cũng đã xuất khẩu rất tốt ra các thị trường, như: Trung Quốc, Nhật, châu Âu. Năm nay, đơn vị đang triển khai việc ký kết hợp đồng xuất khẩu tranh đá quý qua thị trường Mỹ.

Khai thác tốt ưu thế về sự độc đáo ở chất liệu, kỹ thuật làm thủ công, những dòng sản phẩm này luôn làm mới bằng sự đa dạng hóa, lạ về mẫu mã với nét đặc sắc riêng, không chỉ đáp ứng thị hiếu người Việt mà còn tiếp cận được thị trường xuất khẩu, giới thiệu nét đẹp của văn hóa Việt với bạn bè thế giới.

Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều