Với những hộ phát hiện có dùng chất cấm trong chăn nuôi, mức phạt tối đa là 25 triệu đồng. Nhiều người cho rằng mức phạt này còn nhẹ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT).
Ông Phan Minh Báu, |
Với những hộ phát hiện có dùng chất cấm trong chăn nuôi, mức phạt tối đa là 25 triệu đồng. Nhiều người cho rằng mức phạt này còn nhẹ. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT). Ông cho biết:
- Sau gần một tháng kiểm tra nhiều hộ chăn nuôi, lực lượng thú y của tỉnh đã phát hiện 11 hộ nuôi heo có dùng chất cấm. Thanh tra Sở NN-PTNT đã tiến hành xử phạt hành chính. Theo quy định, số tiền xử phạt tối đa với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là 5 triệu đồng/hộ và chăn nuôi trang trại là 25 triệu đồng/hộ.
* Thưa ông, dư luận cho rằng mức xử phạt các hộ có dùng chất cấm trong chăn nuôi heo hiện nay còn quá thấp, cần phải tăng thêm hình phạt mới đủ sức răn đe?
- Theo tôi, vấn đề không phải ở chỗ cứ xử phạt nặng thì người chăn nuôi sẽ từ bỏ việc dùng chất cấm. Việc xử phạt chỉ là cái ngọn, còn giải pháp lâu dài là các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người chăn nuôi hiểu được những tác hại trong việc dùng chất cấm để họ tự nguyện nói không với chất cấm. Hiện Sở NN-PTNT đã chỉ đạo ngành khuyến nông trong chương trình chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, lồng ghép thêm nội dung tuyên truyền nói không với chất cấm. Ngoài ra, Sở còn tổ chức đường dây nóng để người dân cùng tham gia phát hiện các trường hợp kinh doanh, sử dụng chất cấm.
Tuy nhiên, để việc quản lý và xử phạt những cơ sở cố tình sử dụng chất cấm được chặt chẽ, Sở có đề xuất Bộ NN-PTNT hoàn thiện các chính sách trong quản lý chăn nuôi. Cụ thể, Thông tư 54/2010/TT- BNNPTNT ngày 15-9-2010 của Bộ NN-PTNT về việc quy định kiểm tra, giám sát các chất thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi còn nhiều điểm chưa rõ ràng, khiến các tỉnh gặp khó khăn trong xử lý.
* Đồng Nai dự tính tăng cường kiểm tra, kiểm soát để đến tháng 5-2012, cơ bản không còn cơ sở kinh doanh và sử dụng chất cấm. Theo ông, điều này có thành hiện thực?
- Thực tế số hộ có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo ở Đồng Nai chỉ khoảng 3% và đa số rơi vào những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Thời gian qua, với phản ứng mạnh mẽ từ người tiêu dùng và sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng đã làm cho tình hình chăn nuôi trong tỉnh tốt hơn. Những cơ sở có kinh doanh và những hộ có sử dụng chất cấm lo ngại khi bị phát hiện ngoài xử phạt hành chính, họ sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy, sau này công việc kinh doanh cũng như chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, thông tin sử dụng chất cấm vừa qua đã làm người chăn nuôi thua lỗ 600-800 ngàn đồng/tạ heo hơi là bài học đắt giá cho những hộ đang và có ý định chăn nuôi không đàng hoàng. Tỉnh đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra lĩnh vực chăn nuôi; sản xuất, kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi nhằm kịp thời phát hiện các cơ sở vi phạm để xử lý làm gương. Ngoài ra, các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa cũng tổ chức các đoàn kiểm tra trên 3 lĩnh vực này. Với sự liên kết, vào cuộc của các cơ quan chức năng tỉnh và địa phương, tôi nghĩ trong hơn 1 tháng nữa Đồng Nai sẽ cơ bản không còn cơ sở, hộ buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
* Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)