Khoảng 10 ngày nữa là đến thời điểm giao mùa và đầu tháng 5 bắt đầu vào mùa mưa . Năm nay, ngay cuối mùa khô đã xảy ra cơn bão gây thiệt hại lớn cho Đồng Nai. Nhiều người dân lo lắng trong mùa mưa tới...
Khoảng 10 ngày nữa là đến thời điểm giao mùa và đầu tháng 5 bắt đầu vào mùa mưa . Năm nay, ngay cuối mùa khô đã xảy ra cơn bão gây thiệt hại lớn cho Đồng Nai. Nhiều người dân lo lắng trong mùa mưa tới...
Theo một số người lớn tuổi sinh sống ở TP. Biên Hòa thì 60 năm rồi mới lại xảy ra cơn bão gây hậu quả nặng nề như vậy. Trước đây vào năm 1952, mưa bão cũng đã gây ngập toàn TP. Biên Hòa. Có những khu vực trong thành phố ngập sâu 2-3 mét nước. Tuy nhiên, thời điểm đó ngập lụt xảy ra vào đúng mùa mưa, còn năm nay mưa bão đã xảy ra trong mùa khô, điều rất hiếm khi xảy ra. Không ít người đặt ra câu hỏi, liệu bão lụt có lặp lại sau 60 năm?
* Mùa khô cũng bão lụt
Mùa khô năm 2011-2012 chính thức bắt đầu từ cuối tháng 11-2011. Khác với những năm trước, mùa khô năm nay có mưa trái mùa nhiều hơn và ngay tháng cao điểm mùa khô đã xảy ra áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và bão. Cụ thể từ ngày 17 đến 21-2, cơn ATNĐ đầu tiên đã xuất hiện trên biển Đông và di chuyển vào đất liền ở khu vực phía Nam nước ta gây mưa lớn trái mùa trên diện rộng. Một số khu vực trong tỉnh, như: Biên Hòa, Trảng Bom, Thống Nhất đã bị ngập úng cục bộ do mưa quá lớn.
TP. Biên Hòa khắc phục hậu quả sau cơn bão số 1. Ảnh: H. GIANG |
Bất thường nhất là vào ngày 26-3, ATNĐ lại xuất hiện trên biển Đông và đến ngày 29-3 mạnh lên thành bão số 1. Sau đó bão số 1 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc. Đến chiều ngày 1-4 bão đổ bộ vào đất liền trên khu vực các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre và suy yếu thành ATNĐ. Sau khi vào đất liền, bão số 1 đã gây mưa rào, dông và lốc ở Đồng Nai làm thiệt hại lớn đến người và tài sản. Cơn bão đã đi qua hơn 10 ngày, song các địa phương trong tỉnh vẫn chưa thống kê và ước lượng hết được thiệt hại của người dân. Với gần 2.300 căn nhà bị sập, tốc mái, trên 3 ngàn hécta cây trồng bị ngập úng, đổ gãy, nhiều phòng học, chuồng trại chăn nuôi bị sập, tốc mái… thì thiệt hại là rất lớn.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mọi năm vào cao điểm của mùa khô từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 4 ít khi xảy ra mưa trái mùa lớn, song năm nay cao điểm của mùa khô vẫn xảy ra nhiều cơn mưa trái mùa lớn kèm dông, lốc xoáy gây ngập lụt cục bộ ở một số vùng và ảnh hưởng không nhỏ cho cây trồng, vật nuôi.
* Phập phồng mùa mưa
Dự báo mùa khô 2011-2012 sẽ kết thúc vào giữa tháng 4-2012 và sau đó là thời điểm giao mùa, sang đầu tháng 5 sẽ chính thức bắt đầu mùa mưa. Mùa mưa năm nay khả năng sẽ đến trễ khoảng một tuần so với năm 2011 và kết thúc vào giữa tháng 11-2012. Trong mùa mưa sẽ có nhiều cơn mưa lớn và lượng mưa có thể lớn hơn trung bình nhiều năm. Số cơn bão, ATNĐ ảnh hưởng tới Việt Nam khoảng 5-6 cơn.
Ông Bùi Hữu Huệ, Phó giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, cho biết: “Mùa mưa năm 2012 sẽ diễn biến phức tạp, do đó người dân trong tỉnh phải luôn đề phòng để hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Vào thời kỳ chuyển mùa và đầu mùa mưa sẽ thường xảy ra các cơn mưa lớn kèm lốc xoáy, dông và sét. Đặc biệt chú ý những cơn bão, ATNĐ cuối mùa vào khoảng tháng 11,12”.
Ngoài ra, trong mùa mưa khi thấy các cơn mưa lớn, ATNĐ và bão, người dân ở các vùng cao, gần sông suối phải đề phòng lũ quét và sạt lở đất.
Lũ đầu mùa năm nay có thể xảy ra vào cuối tháng 6, còn lũ chính vụ sẽ xuất hiện vào tháng 9 và tháng 10. Trong các tháng có lũ, lưu lượng nước về hồ Trị An ở mức trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ tại Tà Lài huyện Tân Phú (thượng nguồn sông Đồng Nai) trong mùa mưa dự báo lên đến báo động 2, nhỏ hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện vào tháng 9. Mực nước cao nhất ở Biên Hòa (sông Đồng Nai) xuất hiện vào tháng 10, 11 và lớn hơn cùng thời kỳ năm 2011...
Hương Giang