Báo Đồng Nai điện tử
En

Lãi suất giảm, doanh nghiệp vẫn thờ ơ

09:04, 18/04/2012

Liên tục công bố giảm lãi suất vay hoặc tung ra các gói lãi suất ưu đãi cho sản xuất - kinh doanh, nhưng nhiều ngân hàng (NH) cho biết, không dễ tìm khách hàng vay trong thời điểm này - khi mà giới DN vẫn đang vất vả chống chọi để tồn tại. Vì vậy, vốn thừa nhưng khách vay lại thiếu.

Thanh khoản các ngân hàng tốt, vốn dồi dào, lãi suất giảm so với trước, song nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ.
Thanh khoản các ngân hàng tốt, vốn dồi dào, lãi suất giảm so với trước, song nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ.

Liên tục công bố giảm lãi suất vay hoặc tung ra các gói lãi suất ưu đãi cho sản xuất - kinh doanh, nhưng nhiều ngân hàng (NH) cho biết, không dễ tìm khách hàng vay trong thời điểm này - khi mà giới DN vẫn đang vất vả chống chọi để tồn tại. Vì vậy, vốn thừa nhưng khách vay lại thiếu.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra quyết định giảm lãi suất huy động xuống còn 12%/năm, nhiều NH đã nhanh chóng công bố giảm lãi suất vay. Theo đó, so với tháng trước, nhiều NH đã giảm lãi vay xuống thêm 1- 2%/năm.

* Đồng loạt giảm lãi vay

Cụ thể, ngay sau khi NHNN công bố giảm lãi suất huy động, một loạt NH lớn, như: BIDV, ABbank, Techcombank, Sacombank, ACB, SHB, Eximbank… đã giảm lãi suất vay trên mặt bằng chung hoặc thông qua các gói kích thích cho vay ở từng nhóm đối tượng cụ thể.

Cùng với nhóm NH lớn, các NH thương mại cổ phần nhỏ cũng nhanh chóng thông báo giảm lãi suất để thu hút khách vay. Chẳng hạn, NH Quân Đội (MB) thông báo giảm lãi suất cho vay bằng tiền đồng với mức giảm 0,5-1% so với trước. Theo đó, lãi suất cho vay được NH này áp dụng đối với khách hàng thuộc lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn theo định hướng ưu tiên của NHNN còn 16-17,5%/năm. Đặc biệt, khách hàng thuộc gói tín dụng xuất khẩu của MB, mức lãi suất cho vay tối thiểu là 15,8%/năm.

Tương tự, từ ngày 16-4, Ngân hàng Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) triển khai chương trình “Ưu đãi lãi suất cho vay” đối với các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh hoặc tiêu dùng cá nhân. Mức giảm lãi suất lên đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Cũng trong ngày 16-4, Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) đã công bố quyết định hạ lãi suất cho vay đối với nhiều nhóm doanh nghiệp. Mức lãi suất tối thiểu được áp dụng là 15%/năm. Được biết, Maritime Bank dành 2 ngàn tỷ đồng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy - hải sản, sản xuất - kinh doanh phân bón, hóa chất, thuốc, hóa dược, thiết bị y tế, cao su, nhựa… với lãi suất ưu đãi (16-18%). Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, lãi suất từ 15%/năm và quy mô cho vay là 5 ngàn tỷ đồng. Các NH khác, như: Eximbank, SHB, ACB… cũng công bố nhiều gói vay lãi suất rẻ dành cho DN vừa và nhỏ, DN sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu… với mức lãi hạ xuống khá đáng kể, từ 1-3%/năm tùy đối tượng.

* Doanh nghiệp không có khả năng hấp thụ vốn?

Tuy nhiên, nhiều chi nhánh NH tại Đồng Nai cho biết, lãi suất hạ, nhưng khách vay không tăng. Giám đốc một chi nhánh NH có vốn nhà nước lớn trên địa bàn bộc bạch, không phải NH “làm khó” DN, mà ngược lại, rất muốn cho vay. Dư nợ 3 tháng đầu năm không tăng nhiều đồng nghĩa với việc lợi nhuận có nguy cơ giảm. Tuy nhiên, tìm khách hàng tốt để cho vay không dễ, mà bản thân các DN cũng rất e dè, còn các DN có vấn đề về “sức khỏe” thì không NH nào dám cho vay vì lo nợ xấu. Do đó, xuất hiện tình trạng vốn không thiếu, lãi suất hạ, song tìm khách hàng vay rất khó khăn.

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội làm ăn năm 2012 không mấy thuận lợi, do đó nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay thêm vốn ngân hàng. (Ảnh minh họa)        Ảnh: V. LÂM
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội làm ăn năm 2012 không mấy thuận lợi, do đó nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay thêm vốn ngân hàng. (Ảnh minh họa) Ảnh: V. LÂM

Ông Đỗ Tấn Hưng, Giám đốc Công ty THHH H.T.H, chuyên sản xuất chăn, drap, gối, nệm tại TP. Biên Hòa nhận xét, lãi suất đã hạ nhiều so với thời gian trước. Hiện tại, có  NH lớn chào lãi suất ngắn hạn cho DN chỉ khoảng 15,5%/năm, song DN dự định chỉ sử dụng vốn trong hạn mức tín dụng đã được cấp từ năm ngoái. Nguyên nhân khiến DN thận trọng dù đã tiếp cận được nguồn vốn rẻ là do cơ hội mở rộng thị trường năm nay không khả quan, thậm chí giảm mạnh so với năm ngoái, trong khi hàng tồn kho tăng mạnh. Theo đó, quan trọng nhất với DN vẫn là cơ hội làm ăn, khi đã có được cơ hội tốt thì lãi suất lên xuống vài %/năm, theo ông Hưng là không quá quan trọng.

Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai nêu quan điểm, những khó khăn của DN thời gian qua đến từ nhiều phía, không nên đổ thừa tất cả cho lãi suất, bởi một DN “khỏe mạnh” phải có cơ cấu nguồn vốn tốt, nếu phụ thuộc 100% vào NH thì đương nhiên, sẽ trở nên “sợ” lãi suất. Theo ông Bình, ở thời điểm này, nhiều NH chào lãi suất thấp, song DN vay không nhiều là do bản thân DN không tìm thấy cơ hội làm ăn, chứ không phải do lãi suất quá cao. “Khó nói chuyện lãi suất cao hay thấp, bởi theo tôi, nếu có cơ hội tốt thì chênh lệch lãi suất vài % không phải là chuyện đáng kể. Nếu DN nhìn thấy thị trường rộng mở, đơn hàng dồi dào, sinh lãi cao… thì lãi suất có cao vài %, DN cũng vẫn vay” - ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, đối với vấn đề hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thì giảm lãi suất chỉ là biện pháp nhất thời. Về lâu dài, cần những cách làm căn cơ hơn thì phía chính sách nhà nước, cũng như bản thân DN phải sớm xem xét lại cơ cấu nguồn vốn để bớt phụ thuộc nguồn vốn từ phía NH.

Lãi suất giảm, dư nợ vẫn giảm

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho rằng, tuy lãi suất vay liên tục giảm trong 3 tháng đầu năm, song những khó khăn tồn tại từ trước về thị trường đã làm “sức khỏe” nhiều DN suy yếu, dẫn đến 2 điều: Thứ nhất, DN muốn vay nhưng khó tiếp cận vốn rẻ vì không đủ điều kiện, dù bản thân NH cũng muốn cho vay. Thứ 2, DN không nhìn thấy cơ hội làm ăn sinh lãi trong năm nay, do đó ngại ngần vay thêm, dù đủ điều kiện. Chính vì vậy, dư nợ quý I-2012 trên địa bàn Đồng Nai chỉ tăng hơn 2%, thấp hơn nhiều so với quý I các năm trước, dù cao hơn bình quân chung cả nước (dư nợ quý I cả nước âm gần 2%).

Theo ông Tuấn, thanh khoản các NH tốt, nguồn vốn dồi dào, lãi suất hạ…, song tìm khách vay không dễ bởi nhiều DN hiện tại đang trong tình trạng hàng không bán được, tồn kho cao, thị trường thu hẹp… nên nhu cầu vay vốn ít.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vi Lâm

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều