Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể xem nhẹ chất lượng trái cây

07:04, 16/04/2012

Hiện nay, các loại rau, trái cây xuất khẩu của nước ta ra nước ngoài ngày càng bị siết chặt về chất lượng. Đồng Nai có sản lượng rau, trái cây lớn, trong đó một số loại đã được xuất khẩu.

 

Hiện nay, các loại rau, trái cây xuất khẩu của nước ta ra nước ngoài ngày càng bị siết chặt về chất lượng. Đồng Nai có sản lượng rau, trái cây lớn, trong đó một số loại đã được xuất khẩu.

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã đình chỉ không cho một số doanh nghiệp xuất khẩu 15 mặt hàng rau, trái cây vào thị trường EU vì sợ nếu thêm 3 lô hàng nữa bị phát hiện không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì rau quả, trái cây Việt Nam sẽ bị cấm cửa vào thị trường này vĩnh viễn. Qua sự việc trên cho thấy chất lượng đang trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu trong sản xuất rau, trái cây.

* Cần phải siết chặt

Với gần 48 ngàn hécta cây ăn trái, 13 ngàn hécta rau mỗi năm, nông dân trong tỉnh cung cấp ra thị trường gần 500 ngàn tấn trái cây và trên 200 ngàn tấn rau các loại. Trong đó, một số loại rau, trái cây đã được xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Nhật và nhiều nước khác. Hiện vẫn còn nhiều loại trái cây của tỉnh rất có tiềm năng xuất khẩu, như: chuối, chôm chôm, mít, sầu riêng, bơ…

Sầu riêng Đồng Nai đã được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU.  Trong ảnh: Công ty Phát triển Công nghệ sinh học Dona-techno (TX. Long Khánh) chuẩn bị sầu riêng để xuất khẩu. Ảnh: H. Giang
Sầu riêng Đồng Nai đã được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU. Trong ảnh: Công ty Phát triển Công nghệ sinh học Dona-techno (TX. Long Khánh) chuẩn bị sầu riêng để xuất khẩu. Ảnh: H. Giang

Trong thời gian qua, không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước có ý định ký hợp đồng mua trái cây Đồng Nai để xuất khẩu, song chỉ mua được số lượng nhỏ, hoặc không mua được theo nhu cầu. Bởi vì , mỗi nhà vườn làm theo một quy trình khác nhau, dẫn đến sản phẩm làm ra không đồng đều về chất lượng và mẫu mã. Điều này đã khiến nông dân Đồng Nai đánh mất nhiều cơ hội có thể xuất khẩu hàng với số lượng lớn, giá cao.

Đồng Nai tuy có diện tích rau, trái cây lớn, nhưng diện tích được cấp chứng nhận GAP (thực hành nông nghiệp tốt) rất ít.  Hiện chỉ có Hợp tác xã (HTX) xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), HTX  bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), HTX rau Trảng Dài (TP. Biên Hòa) được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP với tổng diện tích hơn 20 hécta.

Tiến sĩ Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam cho biết: “Rau, trái cây của Việt Nam cũng như Đồng Nai có nhiều cơ hội để vào thị trường Mỹ và EU, Nhật Bản. Tuy nhiên, muốn được thị trường này chấp nhận, từ nông dân đến doanh nghiệp xuất khẩu phải đặt chất lượng lên hàng đầu và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đảm bảo sản phẩm sạch. Đồng thời, phía cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra chặt các loại rau, trái cây trước khi xuất khẩu, nếu phát hiện vi phạm về chất lượng phải xử lý nghiêm và cấm xuất khẩu để tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. 

* Hướng đến sản xuất sạch

Hiện nay, ngành nông nghiệp cả nước đang hướng đến sản xuất an toàn. Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1572 ra ngày 24-6-2011 về chương trình “Phát triển sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau quả an toàn, giai đoạn 2011-2015”. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với các địa phương xây dựng chương trình GAP cho các đơn vị kinh tế tập thể. Theo ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh đang tiến hành hỗ trợ 5 HTX sản xuất rau, trái cây thực hiện quy trình GAP để tạo ra những vùng rau, trái cây an toàn có thể xuất khẩu.

Nhu cầu nhập khẩu rau, trái cây của thị trường EU, Mỹ, Nhật rất lớn, song đòi hỏi khá khắt khe về chất lượng. Theo một số chuyên gia kinh tế, thị trường EU, Mỹ, Nhật khá hấp dẫn với các nước xuất khẩu rau, trái cây và nông sản. Do đó, nếu rau, trái cây của Việt Nam đảm bảo chất lượng để vào thị trường EU, Mỹ, nông dân sẽ có đầu ra ổn định với giá cao.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản Đồng Nai cho biết: “Khoảng 2-3 năm lại đây, nhiều nông dân trong tỉnh đã áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, chất lượng rau, trái cây từng bước được cải thiện. Thời gian tới, chi cục sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để nông dân nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của sản xuất an toàn. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chất lượng rau, trái cây và các loại nông - lâm - thủy sản”.

Thực tế, không chỉ rau, trái cây xuất khẩu vào thị trường EU, Mỹ… đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng. Hiện nay, người tiêu dùng trong nước đang hướng đến các sản phẩm sạch và an toàn. 

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều