Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó tiếp cận vốn rẻ

08:04, 08/04/2012

Ngoài nguồn vốn thường xuyên chính thức, hiện có khá nhiều dòng vốn được cho là rẻ đang được các ngân hàng (NH) công bố với mức lãi thấp hơn bình quân chung. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) không dễ tiếp cận các nguồn vốn này, dù bản thân các NH cũng muốn giải ngân.

Ngoài nguồn vốn thường xuyên chính thức, hiện có khá nhiều dòng vốn được cho là rẻ đang được các ngân hàng (NH) công bố với mức lãi thấp hơn bình quân chung. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) không dễ tiếp cận các nguồn vốn này, dù bản thân các NH cũng muốn giải ngân.

Những hạn chế về đối tượng, thủ tục đã làm hạn chế bớt nguồn vốn trung - dài hạn giá rẻ cho doanh nghiệp (ảnh minh họa).          Ảnh: V. LÂM
Những hạn chế về đối tượng, thủ tục đã làm hạn chế bớt nguồn vốn trung - dài hạn giá rẻ cho doanh nghiệp (ảnh minh họa). Ảnh: V. LÂM

Các nguồn vốn được cho là hấp dẫn đó bao gồm: vốn dành cho việc tái thiết, xây dựng,  vốn tài trợ cho dự án giáo dục, nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ cho một nhóm DN hoặc ngành nghề đặc thù... từ các nguồn tài trợ của Ngân hàng thế giới (WB), vốn ODA, các gói hỗ trợ lãi suất đặc thù mà các NH tự thiết kế và công bố...

* Giải ngân ít

Một trong những nguồn vốn được cho là rẻ hơn bình thường chính là nguồn giải ngân từ vốn vay ODA. Những năm trước, vì nhiều lý do, nguồn vốn ODA chỉ được giải ngân cho một số đối tượng hạn chế. Tuy nhiên, vài năm gần đây, đối tượng tiếp cận nguồn vốn này đã được Chính phủ mở rộng. Song, lượng DN tiếp cận và vay được dạng vốn này vẫn rất hạn chế. Lý do là những nguồn vốn này đều phải thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại. Khó khăn chính là ở điểm khúc mắc này, bởi DN muốn tiếp cận được nguồn vốn phải tuân theo nhiều cơ chế của NH như phải có các tài sản đảm bảo (như bất động sản, hay những tài sản có tính thanh khoản cao) cùng nhiều thủ tục, yêu cầu khắt khe khác kèm theo.

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NH Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, thì lượng vốn giải ngân thực tế từ tất cả các nguồn vốn giá rẻ nói trên ở địa bàn Đồng Nai hiện tại không nhiều. Thậm chí, một số lĩnh vực dù có nguồn vốn hỗ trợ, song không giải ngân được cho DN nào vì yêu cầu đối tượng khó khăn hoặc thủ tục rườm rà. Chẳng hạn, trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, vốn từ các nguồn hỗ trợ là khá nhiều như cho vay vốn hỗ trợ tài chính DN nông thôn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hỗ trợ tài chính vi mô Tây Ban Nha, hỗ trợ cho vay khu vực tư nhân dành cho hệ thống Quỹ tín dụng nhà nước, chương trình cho vay DN nhỏ và vừa của NH Tái Thiết của Đức... Theo đó, các nguồn vốn này khá dồi dào, song trong vòng 5 năm từ 2006 đến cuối 2011, toàn tỉnh chỉ giải ngân được gần 60 tỷ đồng - con số rất nhỏ so với nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

* Khó vay?

Thực tế, lãi suất (chủ yếu là trung - dài hạn) từ các nguồn vốn nói trên tương đối ổn định và thấp hơn so với lãi suất thị trường hiện nay, đặc biệt là so với lãi vay trung - dài hạn ở một số NH cổ phần nhỏ. Tuy nhiên, do chưa được triển khai nhiều nên hiệu quả từ các nguồn này chưa cao. Đánh giá về điều này, giám đốc một chi nhánh NH lớn tại Đồng Nai cho rằng, giải ngân vốn rẻ chậm là do cả 2 phía: NH và DN. Về phía NH, theo giám đốc này, vẫn tồn tại quan niệm rằng các khoản vốn hỗ trợ này giống một “nhiệm vụ chính trị” nhiều hơn là kinh doanh, bên cạnh đó, đối tượng cho vay thu hẹp, thủ tục khá phiền hà… nên bản thân NH cũng không mặn mà trong việc giới thiệu các nguồn này đến DN. Về phía DN, thứ nhất là do thiếu thông tin, thứ hai là khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe của nhiều DN bị hạn chế.

Ông Hoàng Mạnh Long, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Biên Hòa cho biết, hiện Vietcombank Biên Hòa có 2 nguồn vốn dạng tài trợ với lãi suất khá rẻ, khoảng 17%/năm (trung - dài hạn) là nguồn vốn được cấp từ WB dành cho các dự án tái tạo năng lượng, như: thủy điện, biogas, điện gió… và nguồn vốn ODA cho các dự án nhỏ với thời gian đầu tư lên đến 10 năm. Song, cho đến nay, mới chỉ có nguồn vốn ODA đã thực hiện được 3 dự án và hiện đang tiếp tục làm hồ sơ cho 1 DN, còn nguồn vốn từ WB vẫn chưa triển khai được cho DN nào ở Đồng Nai.

Đại diện Ngân hàng SeaBank chi nhánh Đồng Nai cũng cho biết, SeaBank đang được giao triển khai cho vay vốn từ nguồn viện trợ ODA, thời gian tới sẽ triển khai ở Đồng Nai. Theo ông Hải, bản thân NH rất muốn thúc đẩy việc giải ngân các nguồn vốn này, song còn tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của nguồn vốn này khi thực hiện. Do đó chưa chắc DN có dễ tiếp cận nguồn vốn này hay không, nhất là DN nhỏ.

Vi Lâm

 

 

 

Tin xem nhiều