Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, đồng bào dân tộc S’Tiêng từ tỉnh Bình Phước về xã Tân Hiệp, huyện Long Thành sống rải rác trong nương rẫy, theo ven triền suối.
Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, đồng bào dân tộc S’Tiêng từ tỉnh Bình Phước về xã Tân Hiệp, huyện Long Thành sống rải rác trong nương rẫy, theo ven triền suối. Khi ấy cuộc sống của bà con rất khó khăn, vất vả, đường sá đi lại khó khăn, nhà cửa tạm bợ, không điện sinh hoạt, trẻ em không được tới trường. Thu nhập của bà con khi đó phụ thuộc chủ yếu vào trồng bắp, mì, lúa... theo phương thức canh tác lạc hậu, năng suất thấp.
Trước tình hình đó, Trạm Khuyến nông và Trạm Bảo vệ thực vật Long Thành đã cùng chính quyền xã Tân Hiệp tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo giới thiệu kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc ở đây. Dần dần, bà con đã nhận thấy cứ theo lối cũ không thể cải thiện được cuộc sống nên một số hộ đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức sản xuất. Anh Điểu Phua là người đi đầu cho sự chuyển đổi mô hình sản xuất.
Năm 1997, Điểu Phua từ tỉnh Bình Phước về Tân Hiệp sinh sống cùng gia đình bên vợ theo phong tục mẫu hệ của người S’Tiêng. Thấy gia đình bên vợ có nhiều đất canh tác mà vẫn nằm trong diện hộ nghèo, nên anh Phua đã tư vấn cho gia đình vợ chuyển hơn 3 hécta đất sang trồng cây cao su, kết hợp nuôi heo, giữ lại 8 hécta đất trồng mì và lúa từ 1 vụ lên 2 vụ/năm theo hướng dẫn kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện.
Lấy ngắn nuôi dài, khi lứa cao su đầu tiên sau 6 năm bắt đầu cho thu hoạch, anh Phua tiếp tục chuyển đổi những diện tích còn lại sang trồng cao su đan xen với cây mì và nuôi thêm bò sinh sản. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình anh Phua ngày càng nâng cao, cuộc sống trở nên dư dả. Anh Điểu Phua cho biết: “Trước đây gia đình tôi có tới 11 hécta đất mà một năm thu về cao lắm chỉ được 9-10 triệu đồng. Từ khi chuyển đổi sang trồng cao su và nuôi bò, hàng năm gia đình tôi có thu nhập tăng lên gấp nhiều lần”.
Đến nay, mô hình trồng cao su đan xen với cây mì và nuôi bò sinh sản đã mang lại cho nhiều hộ đồng bào S’Tiêng mỗi năm hàng chục triệu đồng, thậm chí là hàng trăm triệu đồng. Hộ nào nuôi ít nhất là 3 con bò, nhiều nhất lên đến 20 con và còn có vài hécta cao su, mì.
Cuối năm 2009, huyện Long Thành đã tiến hành xây dựng 40 căn nhà mới theo khuôn mẫu đã định hình sẵn trong khu định cư cho đồng bào dân tộc S’Tiêng xã Tân Hiệp. Mỗi căn nhà trị giá 67 triệu đồng với diện tích 40m2, bao gồm: nhà ở, nhà vệ sinh; có điện, nước, đảm bảo cho một hộ có 4 người sống thoải mái. Chính nhờ an cư đã thúc đẩy bà con dân tộc đầu tư nhiều hơn cho chăn nuôi, trồng trọt.
Thay thế cho những ngôi nhà lụp xụp, dột nát nằm rải rác trong nương rẫy, ven theo triền suối xưa kia là một làng định canh, định cư cho 55 hộ đồng bào S’Tiêng có nhiều tiện nghi. Cách đây 20 năm, Tân Hiệp có hơn 30 hộ đồng bào S’Tiêng nghèo đến nay chỉ còn 7 hộ nghèo và trong năm 2012 phấn đấu giảm xuống chỉ còn 3 hộ nghèo.
Chí Tài