Báo Đồng Nai điện tử
En

Đối phó với bão lụt

07:04, 20/04/2012

Khoảng 2-3 năm gần đây, xu hướng của bão là đến sớm, hướng đi khó dự báo và cường độ mạnh, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo dự báo, năm nay mưa bão sẽ nhiều hơn nên nguy cơ thiệt hại sẽ rất lớn nếu không có giải pháp đối phó ngay từ  đầu.

Khoảng 2-3 năm gần đây, xu hướng của bão là đến sớm, hướng đi khó dự báo và cường độ mạnh, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo dự báo, năm nay mưa bão sẽ nhiều hơn nên nguy cơ thiệt hại sẽ rất lớn nếu không có giải pháp đối phó ngay từ  đầu.

Năm 2011 có 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 5 cơn bão đổ bộ vào nước ta và ảnh hưởng gián tiếp đến thời tiết ở Đồng Nai. Cụ thể,  mưa, giông lớn trên diện rộng đã làm tốc mái nhiều căn nhà và ngập lụt gần 900 hécta cây trồng, hoa màu, thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Nhưng so với cơn bão số 1 vào đầu tháng 4-2012 thì thiệt hại do bão lụt của năm 2011là rất nhỏ.

* Thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thiệt hại do bão số 1 vừa qua gây ra trong tỉnh gần 1.600 tỷ đồng, gấp 800 lần của năm 2011! Thiệt hại do bão số 1 quá lớn là do người dân lơ là, nghĩ rằng mùa khô bão ít khi đổ bộ vào phía Nam nên chưa chủ động phòng, chống. Tổng hợp của các địa phương, đến ngày 18-4 đã có 2 người chết, 11 người bị thương, 169 căn nhà bị sập, 2.347 căn nhà, phòng học, trang trại, nhà máy bị tốc mái, 627 căn nhà bị mưa lớn gây ngập lụt. Diện tích lúa và các cây trồng bị gãy đổ lên đến 4.100 hécta…

Mưa bão gây ngập đường Hưng Đạo Vương, TP. Biên Hòa.   Ảnh: H. Giang
Mưa bão gây ngập đường Hưng Đạo Vương, TP. Biên Hòa. Ảnh: H. Giang

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhận định: “Do Đồng Nai ít khi xảy ra bão nên công tác chủ động phòng, chống của chính quyền địa phương và người dân còn yếu kém. Đặc biệt là công tác tuyên truyền khi cơn bão sắp đổ bộ vào chưa được chú trọng, dẫn đến bão không lớn mà thiệt hại quá nặng nề. Con số thiệt hại tổng hợp được hiện nay chỉ là bước đầu, mức thiệt hại thật sự có thể còn lớn hơn nhiều”.

Ngày 13-4-2012, UBND tỉnh có Chỉ thị 09 chỉ đạo các huyện, thị, thành trong mùa mưa lũ phải thường xuyên kiểm tra các vùng ven sông, suối hay xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, tổ chức nạo vét, trục vớt các vật cản để thông thoáng dòng chảy và kịp thời có những cảnh báo nguy hiểm cho người dân biết để phòng tránh. Từ cấp tỉnh xuống đến các huyện, thị xã, thành phố và các  xã, phường kiểm tra phương tiện, thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn để khi xảy ra bão, lụt có thể ứng cứu kịp thời. Đặc biệt, trong mùa mưa lũ, người dân chú ý theo dõi tình hình thời tiết để có phòng bị kịp thời.       

 

Với những cây trồng lâu năm bị gãy đổ, thiệt hại khó tính được, vì nếu trồng lại người dân phải mất 3-5 năm sau mới được thu hoạch. Đồng thời, một số loại cây đang vào thời kỳ ra hoa, đậu trái gặp bão năng suất sẽ giảm, cũng khó ước lượng mức thiệt hại chính xác.

* Chủ động đối phó

Ông Nguyễn Phước Huy, Phó giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, cho biết 100 năm nay Đồng Nai chưa xảy ra một cơn bão nào vào mùa khô lại gây thiệt hại lớn như vậy. Cách đây 60 năm, có xảy ra một trận bão lụt lớn nhưng vào mùa mưa. Điều này chứng tỏ biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rất nặng nề đến thời tiết. Dự báo, năm nay số cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam khoảng 5-6 cơn. Hướng đi của bão ngày càng khó dự báo và trong quá trình di chuyển có thể mạnh lên thành các siêu bão. Vì thế, công tác phòng, chống bão lụt để giảm nhẹ thiên tai là rất cần thiết. Hiện nay, đã vào thời điểm chuyển mùa nên khi thấy thời tiết xấu, xảy ra mưa, người dân đề phòng lốc xoáy, dông, sét. Những khu vực gần sông, suối, vùng sâu, vùng xa trong các tháng có mưa lớn, áp thấp hoặc bão chú ý đề phòng lũ quét.

Hiện nay, toàn tỉnh đã chuẩn bị trên 130 ghe, xuồng, thuyền máy, gần 5.500 áo phao, gần 4 ngàn phao cứu sinh và nhiều phương tiện khác để cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra thiên tai, bão lụt. Tuy nhiên, phương châm phòng, chống bão lụt của tỉnh là “4 tại chỗ”, gồm: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Đồng thời, thực hiện tốt “3 sẵn sàng” là, chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.

 

Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho hay: “Năm nay, tỉnh triển khai công tác phòng, chống bão lụt sớm hơn mọi năm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lụt gây ra. Theo đó, các địa phương trong tỉnh hoàn thành kế hoạch phòng chống bão lụt cụ thể trong tháng 4-2012. Rà soát các khu vực nguy hiểm thường xảy ra lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, chủ động di dời người dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân ứng phó, khắc phục hậu quả bão lụt theo phương châm 4 tại chỗ”. 

 Hương Giang

 

 

 

                                                    

 

 

 

 

Tin xem nhiều