Hơn 300 doanh nghiệp (DN), chuyên gia, nhà tư vấn chính sách đã cùng gặp gỡ tại Diễn đàn kinh doanh thường niên lần 3 do Báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức ngày 19-4 tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh nhiều khó khăn “bủa vây” hoạt động làm ăn của giới DN.
Hơn 300 doanh nghiệp (DN), chuyên gia, nhà tư vấn chính sách đã cùng gặp gỡ tại Diễn đàn kinh doanh thường niên lần 3 do Báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức ngày 19-4 tại TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh nhiều khó khăn “bủa vây” hoạt động làm ăn của giới DN.
Quang cảnh diễn đàn kinh doanh thường niên lần 3. |
Ông Nguyễn Xuân Minh, quyền Tổng biên tập Báo Sài Gòn Tiếp Thị nêu lên những con số đáng giật mình ngay trong phần phát biểu mào đầu diễn đàn. Đó là, cộng đồng hơn 350 ngàn DN Việt Nam đang chèo chống trước các khó khăn về vốn, thị trường, sức mua suy giảm… khiến 79 ngàn DN phá sản năm 2011 (theo Tổng cục Thống kê). Riêng quý I năm nay, đã có 2.200 DN giải thể và gần 10 ngàn DN đăng ký ngừng hoạt động (báo cáo của Bộ Kế hoạch - đầu tư).
* Khó khăn chạm đáy
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, chỉ rõ nền kinh tế đang trong tình trạng trì trệ, đình đốn ở nhiều lĩnh vực, trên nhiều bình diện. Dẫn chứng rõ nhất là chưa bao giờ Việt Nam thừa điện. Trong quý I-2012, nhập khẩu xăng dầu cũng giảm 20%, và lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam xuất siêu hơn 240 triệu USD trong trạng thái khó có thể nói là vui mừng, bởi nhập khẩu linh kiện máy móc để sản xuất giảm, tiêu dùng giảm… do sản xuất đình đốn. Trên cả nước, sức mua giảm liên tục trong 7 tháng qua, tồn kho của DN tăng liên tục.
Theo nhận định của tiến sĩ Thành, sản xuất - kinh doanh năm nay có thể chạm đáy vào quý II, và tăng trưởng có thể sẽ không đạt được mức 6% như mong muốn. Về trung hạn, Việt Nam đang muốn ổn định lạm phát trong năm nay, song rủi ro được cảnh báo là nếu việc nới lỏng lãi suất không phù hợp thì lạm phát năm sau có thể quay về trạng thái cao như cũ.
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cũng đánh giá từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế quay cuồng giữa giảm phát, lạm phát rồi giảm phát. Quá trình đó đã gây ra những hệ lụy khiến thanh khoản ngân hàng, thanh khoản DN và toàn thị trường thiếu hụt trầm trọng, chi phí các loại tăng lên, tồn kho tăng, sức mua của thị trường giảm sút, do đó, dễ hiểu tại sao số DN phá sản đang ngày càng tăng.
* Băn khoăn tiếp cận vốn
Nêu lên một số kết quả từ cuộc khảo sát của ACB đối với một loạt DN vừa và nhỏ, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, cho rằng đúng là đang tồn tại nhiều vấn đề khi bên cần vốn không tiếp cận được, còn bên muốn cho vay lại không thể cho vay. Theo ông Hải, 30-35% DN vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, 30% cho rằng khó tiếp cận, 30% không hề tiếp cận được.
Kết quả của nghiên cứu này cũng cho biết, những e ngại với lãi suất cao chỉ chiếm 36% lượng DN được hỏi, còn lại lý do chính khiến DN không tiếp cận được vốn là do: không có khả năng tiếp cận, thủ tục khó khăn, rườm rà. Điều này xuất phát từ cả phía DN, ngân hàng lẫn chính sách, trong đó chủ yếu là quan hệ giữa DN và ngân hàng. Về phía DN, ông Hải cho rằng rất nhiều DN thiếu sự minh bạch về thông tin tài chính, không cung cấp thông tin trung thực. Mặt khác, không có định hướng chiến lược kinh doanh rõ ràng, cách quản lý tùy tiện mang tính gia đình, kinh doanh theo ngẫu hứng và cơ hội, và đặc biệt là tùy tiện trong sử dụng đồng tiền. Điều này lý giải tại sao nhiều DN quy mô nhỏ nhưng kinh doanh đầu tư “đủ thứ”, trong khi không chăm chút ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Đối với các ngân hàng, thì điểm yếu nằm ở chỗ nhân viên không đủ kỹ năng, hành xử máy móc, áp dụng một “bộ” tiêu chuẩn cho mọi quy mô DN từ nhỏ đến lớn, thiếu uyển chuyển khi tư duy một cách máy móc rằng DN lớn tốt hơn.
Cũng là vấn đề lãi suất và tiếp cận vốn, ông Huỳnh Bửu Quang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC, khi trả lời một DN đã thừa nhận, hiện đang tồn tại một thị trường lãi suất phi chính thức nằm trong lòng thị trường chính thức. Biểu hiện ở chỗ lãi suất công bố một đằng, “lãi ngầm” một nẻo khiến cả người gửi, người vay đều bối rối và thị trường méo mó. Tuy vậy, ông Quang cho rằng tất cả những biện pháp hành chính đều mang tính tạm thời và Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ có những giải pháp căn cơ trong thời gian tới.
* Dò đá qua sông
Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, tình hình khó khăn hiện tại không giống với năm 2009, bởi bối cảnh và thách thức ở mỗi thời kỳ là khác nhau. Theo đó, đây là giai đoạn cần những tư duy, biện pháp mới để vượt qua khó khăn. Khi nền kinh tế thế giới liên tục có những bất ổn, rủi ro thì bản thân DN phải học làm quen với các cú sốc về thị trường, sốc với cả chính sách và những biến động khác. DN cần tăng cường các công cụ phòng chống rủi ro, không có nghĩa là để tạo thêm lợi nhuận mà là để giảm tính bất định giữa một thị trường đầy biến động. Thông điệp mà ông Thành gửi đến các DN trong giai đoạn này là, DN cần “bươn chải và trưởng thành” qua giai đoạn gian khó nhất.
Trong phần tư vấn của mình, ông Lý Xuân Hải ví von rằng, ở thời điểm hiện tại, DN cần phải “dò đá qua sông”, song trên tay phải có vợt. Tức là, cần đi từng bước chắc chắn, vững chãi, đừng đòi hỏi quá nhiều nhưng cũng không bỏ sót các cơ hội đến với mình.
Cũng đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, DN không được chờ đợi hay xem xét mà phải tranh thủ cơ hội, không được bỏ lỡ. DN kêu khó về vốn, nhưng đồng thời không hiểu được rằng, vốn không chỉ bằng tiền, mà còn là tiềm năng, môi trường, con người, công nghệ… Những khó khăn, thách thức cũng có mặt tốt khi nó đóng vai trò sàng lọc ra những DN thực sự “khỏe mạnh” để tiếp tục con đường dài phía trước. Trong lúc này, nếu vượt qua được thì từng DN sẽ tự rút ra cho mình kinh nghiệm để vươn lên.
Về lãi suất, ông Kiêm cho rằng nếu cần, nên khống chế trần cho vay sẽ hợp lý hơn, về lâu dài, thì cần bỏ trần lãi suất và trả nó về đúng bản chất của thị trường.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Cần thêm chính sách hỗ trợ Có những DN cần vay nhưng điều kiện lại không đủ như thiếu tài sản thế chấp, nợ thuế, nợ quá hạn. Bên cạnh đó, có không ít trường hợp kỳ vọng vào lãi suất cuối năm giảm nữa nên cố chờ. Hiện nay, chính sách về vốn cho sản xuất thì có nhưng người thụ hưởng và kết quả thụ hưởng còn hạn chế. Vấn đề này ngân hàng và DN cần nhanh chóng khắc phục. Về phía ngân hàng, tôi nghĩ cần triển khai nhanh việc rút ngắn lại khoảng cách giữa giảm lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Đối với DN cũng phải cố gắng khắc phục để đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng, thời gian này không nên bỏ qua mọi điều kiện. Cùng với vấn đề lãi suất các chính sách của Nhà nước cũng phải được chỉ đạo kiên quyết, như: chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách hỗ trợ đầu tư, thương mại và cải cách hành chính. Tôi cho rằng, việc giải quyết vốn, lãi suất là một phần nhưng tất cả các chính sách khác sẽ giúp DN vượt khó lúc này nhanh hơn. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương: Sẽ không có gói hỗ trợ vốn mạnh cho doanh nghiệp như năm 2009 Tôi thấy lòng tin vào sự ổn định thị trường đang bắt đầu quay trở lại nhưng nó chưa thực sự mạnh. Lòng tin này rất quan trọng cho lưu thông của dòng tiền. Tiền hiện nay có rất nhiều nhưng vòng quay thì rất chậm , đây là lý do mà nhiều người cảm thấy thiếu tiền. Trong thời kỳ hưng thịnh, vòng quay dòng tiền là 2,5 lần/năm, nhưng từ cuối năm 2011 đến nay vòng quay dòng tiền dưới 1 lần/năm. Chính lòng tin sự ổn định của thị trường sẽ làm vòng quay của dòng tiền tăng lên góp phần vào hồi phục sản xuất - kinh doanh. Khó khăn của năm nay khác hẳn với năm 2009 cả ở góc độ đình đốn sản xuất và góc độ suy giảm thị trường và cả về góc độ nguồn lực của Nhà nước. Bên cạnh đó, chúng ta cần sự ổn định và bắt đầu thay đổi cách thức tăng trưởng. Đây là giai đoạn tái cấu trúc lại nền kinh tế quốc gia. Chúng ta đang tìm mọi biện pháp gỡ khó khăn cho DN nhưng sẽ không có gói hỗ trợ mạnh như năm 2009 . Trong một số trường hợp cũng cần sự trả giá để thay đổi tăng trưởng mà đích của nó là sự ổn định. K.G - V.L |
Vi Lâm - Khắc Giới