Những ngày gần đây, nhiều ngân hàng (NH) đã đề xuất thu thêm một số loại phí trong dịch vụ thẻ ATM, trong đó có phí rút tiền và phí chuyển khoản. Liệu đề xuất trên có hợp lý không khi mà chất lượng dịch vụ ATM chưa được xem là tương xứng?
Những ngày gần đây, nhiều ngân hàng (NH) đã đề xuất thu thêm một số loại phí trong dịch vụ thẻ ATM, trong đó có phí rút tiền và phí chuyển khoản. Liệu đề xuất trên có hợp lý không khi mà chất lượng dịch vụ ATM chưa được xem là tương xứng?
Công nhân chờ rút tiền tại các máy ATM tại siêu thị BigC vào kỳ nhận lương. Ảnh: V. LÂM |
Hiện tại, không có một biểu mẫu hay danh mục quy định chung về các mức phí cụ thể mà các NH được thu đối với dịch vụ thẻ ATM. Vì vậy, tùy vào từng NH, hiện tại dịch vụ này có hàng loạt mức phí khác nhau, như: phát hành thẻ, thường niên, chuyển khoản, cấp lại số pin, in sao kê, trả thẻ bị nuốt… Tuy vậy, nhiều NH vẫn cho rằng, dịch vụ ATM hiện không đem lại lợi nhuận, thậm chí còn lỗ.
* Lỗ hay lãi với ATM?
Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Agribank Đồng Nai, cho rằng hoạt động cung ứng dịch vụ thẻ cần có sự đầu tư ban đầu lớn. Máy ATM là sản phẩm công nghệ, hầu hết đều nhập khẩu, chi phí đầu tư ban đầu cao, chi phí xây dựng cabin lắp đặt máy, tiền thuê mặt bằng, máy lạnh, camera giám sát, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, hệ thống báo động tự động, lương nhân viên vận hành ATM, kiểm đếm tiền, lương bảo vệ, tiền điện, tiền thuê đường truyền,… “Cần nói rõ là chi phí để duy trì 1 máy ATM hoạt động là rất lớn, không phải NH nào cũng dám mạnh dạn đầu tư cho phát triển hệ thống ATM. Trong khi dịch vụ ATM ngân hàng đã đầu tư nhiều năm cho khách hàng sử dụng miễn phí, đến thời điểm này, việc đề xuất thu phí ATM là nhằm chia sẻ chi phí đầu tư của NH vì từ trước đến nay, dịch vụ ATM là dịch vụ hầu như không có thu” - ông Trinh phân tích.
Theo đó, việc thực hiện chia sẻ chi phí giữa khách hàng và NH là điều kiện để khuyến khích các NH, đặc biệt là các NH nhỏ quan tâm hơn đến việc đầu tư phát triển dịch vụ thẻ, nếu càng làm càng lỗ thì dần dần các NH không thể duy trì hệ thống ATM hoặc không đầu tư cho lĩnh vực này vì không có hiệu quả.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, điều này chưa hẳn đúng đối với các NH có lượng thẻ phát hành lớn. Ở nhóm NH này, dịch vụ ATM không hẳn là không mang lại lợi nhuận. Lãnh đạo một NH có lượng phát hành thẻ ATM chiếm phần lớn lượng thẻ phát hành tại Đồng Nai cho biết, số dư tiền gửi trong thẻ ATM của NH này luôn ở mức trên 300 tỷ đồng. NH chỉ phải trả lãi không kỳ hạn cho số tiền này, chênh lệch với lãi huy động bình thường khoảng 9 -10%, do đó, sau khi trừ hết các chi phí, NH vẫn lãi với dịch vụ ATM, tuy chưa nhiều như mong đợi.
Mặt khác, một trong những lợi ích của NH khi tham gia dịch vụ ATM mà các NH ít khi nhắc đến chính là lợi ích từ quảng bá thương hiệu. Với hàng chục, hàng trăm ngàn thẻ ATM phát hành ra thì lợi ích quảng bá từ nó là không thể phủ nhận và cũng cần được các NH tính toán vào nhóm lợi ích của dịch vụ này, chưa kể, đây là dịch vụ cần có để các NH chạy đua thu hút khách hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhóm các NH có mạng lưới phát hành thẻ nhỏ hẹp thường rất ít đầu tư cho dịch vụ thẻ, biểu hiện ở chỗ chỉ đầu tư vài máy ATM. Vì vậy, khách hàng khi muốn sử dụng phải dùng máy của các NH lớn khác, như: Vietcombank, Agribank, ACB...
* Chưa sòng phẳng
Một trong những điều khiến đề xuất thu phí nội mạng thẻ ATM của nhiều NH vấp phải phản ứng dư luận chính là trên thực tế, chất lượng dịch vụ thẻ ATM chưa được như mong đợi. Ngoài ra, theo NH Nhà nước chi nhánh Đồng Nai thì 80-90% người sử dụng thẻ ATM thường xuyên để rút tiền hoặc chuyển khoản đều là những người thu nhập thấp, như: công nhân, viên chức… Chính vì vậy, ở thời điểm kinh tế khó khăn, giá cả tăng, đề xuất thu phí này có vẻ không hợp lý, trong khi các NH đã có lãi từ nhiều hoạt động khác.
Cần có những chính sách, biện pháp nhằm tăng cường hạ tầng và khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, có thể sử dụng thẻ ATM để thanh toán các hàng hóa, dịch vụ tại điểm mua hàng để nâng cao tính tiện ích của loại dịch vụ này. Ngoài ra, NH cũng cần tính toán kỹ, chỉ thu một số loại phí thật sự cần thiết nhằm bù đắp những chi phí để đầu tư và duy trì hoạt động hệ thống ATM và điều này nên diễn ra ở tương lai, khi người dùng thẻ sử dụng được thêm nhiều tiện ích của ATM hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn. |
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NH Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, cũng cho rằng, hiện tại, chất lượng dịch vụ thẻ ATM nhìn chung chưa thực sự tốt, còn nhiều trục trặc từ hệ thống máy, hay lỗi mạng, khi có sự cố thì khiếu nại mất thời gian và phiền phức, các dịch vụ tiện ích kèm theo ít được sử dụng… Chính vì vậy, theo ông Tuấn, đề xuất thu phí cần được xem xét kỹ và có lộ trình rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, thời điểm áp dụng phải được cân nhắc, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tiêu dùng giảm sút, mà đối tượng chịu tác động lớn nhất của thu phí ATM lúc này chính là công nhân viên chức, người lao động có thu nhập không cao.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, việc thực hiện thu phí cần có sự cân bằng lợi ích giữa NH và khách hàng sử dụng thẻ, tức là xét đến sự “sòng phẳng” trong lợi ích giữa hai bên. Trên thực tế, do đối tượng chủ yếu là người có thu nhập thấp, nên đa số người sử dụng thẻ ATM hiện tại không có lợi ích gì nhiều từ dịch vụ này, ngoài việc “nhờ” NH giữ hộ một số tiền không lớn trong một thời gian nhất định, sau đó thường được rút ra ngay để chi dùng, trong khi các NH đã thu khá nhiều loại phí từ dịch vụ này.
Vi Lâm