Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Đất bạc màu vẫn làm ra tiền tỷ

09:04, 29/04/2012

Trong chiến tranh, ông nổi tiếng là một người lính gan dạ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông ra quân về lập nghiệp. Chỉ còn lại bàn tay trái lành lặn nhưng ông vẫn phấn đấu trở thành một chủ trang trại, giàu có.

 

Trong chiến tranh, ông nổi tiếng là một người lính gan dạ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông ra quân về lập nghiệp. Chỉ còn lại bàn tay trái lành lặn nhưng ông vẫn phấn đấu trở thành một chủ trang trại, giàu có.

Ông là Đoàn Trung Ngọc ở ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), thương binh trong kháng chiến chống Mỹ.

* Một thời để nhớ

Vào một ngày cuối tháng 4-2012, chúng tôi tìm đến nhà ông Ngọc ở ấp Hưng Bình. Đó là một ngôi nhà khang trang nằm giữa khu vườn rộng thênh thang trồng toàn thanh long. Sau cơn mưa, cả khu vườn như được tắm gội, khoác một màu áo mới tươi non mát mắt. Thanh long từng hàng thẳng tắp, đang vào thời kỳ cho trái xum xuê, khiến người đặt chân vào đây dễ có cảm giác chủ nhân của trang trại phải là một người chăm làm, tỉ mỉ. Rót ly nước mời khách xong, ông quay qua chỉ khu vườn nói: “Có được cơ ngơi này, vợ chồng tôi phải bao phen đổ mồ hôi, sôi nước mắt”.

Ông Đoàn Trung Ngọc trong vườn thanh long ruột đỏ của mình. Ảnh: H. GIANG
Ông Đoàn Trung Ngọc trong vườn thanh long ruột đỏ của mình. Ảnh: H. GIANG

Với giọng trầm trầm ông kể:  “Năm 1960, tôi cùng gia đình từ Bình Dương về đất Hưng Thịnh sinh sống. Lúc đầu gia đình tôi phải sống ẩn dật, nay ấp này, mai ấp khác để tránh sự truy đuổi của kẻ thù, vì cha tôi hoạt động cách mạng. Năm 1970, khi vừa trưởng thành, tôi thoát ly đi bộ đội, được bổ sung vào Đoàn đặc công E 113.  Biết tôi nắm rõ địa bàn Hưng Thịnh, Hưng Lộc, cấp trên cử về nằm vùng hoạt động bí mật ngay tại Hưng Thịnh. Tháng 10-1974, trong một lần đặt mìn đánh chốt địch trên quốc lộ 1A thuộc địa phận xã Hưng Lộc để mở đường vận chuyển lương thực, vũ khí cho bộ đội chủ lực chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn, tôi bị địch phát hiện, truy đuổi bắn bị thương, mất bàn tay phải. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhận thấy mình chỉ còn lại một bàn tay trái, rất khó phục vụ tốt cho quân đội, tôi đã xin ra quân.  Tôi chọn ấp Hưng Bình làm nơi an cư”.

Khi hai vợ chồng ông Ngọc về đây chỉ có tay trắng, nhờ người thân giúp đỡ, vợ chồng ông mua được mảnh vườn  2.000m2 và cất căn nhà lá để sinh sống. Mới đầu, đất ít, thiếu vốn, vợ chồng ông trồng rau, có được bao nhiêu tiền lời ông dành dụm để mua đất mở rộng vườn tược với mong ước sẽ biến khu vực đất đồi hoang cằn, bạc màu này thành trang trại trù phú.

* Ước mơ thành hiện thực

Vùng đất Hưng Bình cao, dốc và cằn cỗi nên người dân ở đây phần lớn là trồng mía và rau một vụ. Nhưng khi kinh tế trong gia đình đã ổn định, có của ăn, của để, ông đã cải tạo đất để trồng cà phê. Khi cà phê vừa đến thời điểm già cỗi cũng là lúc giá cà phê giảm mạnh, ông chặt bỏ cà phê thay vào đó là vườn chôm chôm và sầu riêng. Sau vài năm trúng vụ trái cây, ông mua thêm được 2 hécta đất, nâng diện tích trang trại lên 4,5 hécta.

Để trữ nước trong mùa khô, ông đã đào ao, vừa có nước tưới cho cây vừa tận dụng nuôi cá. Sau một lần đến thăm người quen thấy họ nuôi cá giống lời gấp 4-5 lần cá thịt, ông đã học hỏi kinh nghiệm và chuyển qua làm cá giống. Mỗi năm từ vườn cây ăn trái và ao cá, ông thu lợi trên 300 triệu đồng. Trong ông luôn nung nấu ý chí làm giàu, vì vậy hễ nghe nói trong hay ngoài tỉnh có mô hình sản xuất cho thu nhập cao là ông khăn gói tìm đến, học hỏi kinh nghiệm.

Cách đây hơn 3 năm, sau nhiều lần cân nhắc ông đã quyết tâm chuyển đổi dần vườn cây ăn trái sang trồng thanh long ruột đỏ. Khi thấy ông có ý định bỏ vườn cây ăn trái, bạn bè nhiều người đều khuyên không nên mạo hiểm nhưng ông vẫn làm. Để trồng được 1 hécta  thanh long, ông phải đầu tư 800 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ hơn một năm sau cây thanh long ruột đỏ đã bắt đầu cho trái, năm thứ hai đã cho thu hơn 10 tấn trái/hécta và năm thứ ba năng suất tăng gấp 4 lần. Với giá bán bình quân khoảng 30 ngàn đồng/kg, sau 3 năm ông đã thu hồi được vốn và lời hơn 700 triệu đồng/hécta.

Ông Ngọc nói: “Tất cả vườn trái cây của tôi giờ đã được thay bằng thanh long ruột đỏ và 2,5 hécta trồng sau nay bắt đầu cho trái. Riêng 1 hécta thanh long trồng trước, năm nay vào năm thứ tư năng suất ước đạt trên 50 tấn/hécta, nếu giá bán ổn định như hiện nay, tôi cầm chắc khoản lời hơn 1 tỷ đồng”. Hiện thanh long ruột đỏ của ông được một công ty ở Bình Thuận bao tiêu nên đầu ra khá thuận lợi.

Chia tay ông trong buổi chiều muộn, đi qua vườn thanh long rộng thênh thang, hứa hẹn một khoản lợi nhuận lớn mỗi năm của ông Ngọc, chúng tôi cũng lâng lâng niềm vui cùng ông trong những ngày cả nước rộn ràng kỷ niệm 37 năm ngày thống nhất đất nước...

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều