Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Đột phá bắt đầu từ đâu?

09:04, 23/04/2012

Việc chọn ra những điểm đột phá để xây dựng nông thôn mới (NTM) là điều rất quan trọng. Chính từ những đột phá ấy sẽ giúp nông dân tích cực hơn trong việc đóng góp nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất cho địa phương.

Việc chọn ra những điểm đột phá để xây dựng nông thôn mới (NTM) là điều rất quan trọng. Chính từ những đột phá ấy sẽ giúp nông dân tích cực hơn trong việc đóng góp nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất cho địa phương.

Hiệu quả từ phát triển kinh tế vẫn là cốt lõi mà các xã, huyện nhắm đến. Có những nơi thực hiện khá hiệu quả công tác đầu tư ban đầu nhằm tạo ra bước đột phá đáng kể cho phát triển kinh tế, trong đó huyện Định Quán là một điển hình.

* Chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn

Đến xã Suối Nho, huyện Định Quán vào những ngày giữa mùa khô này, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy những cánh đồng rau xanh mát mắt. Người dân đi mua hàng bây giờ trên những chiếc xe ô tô tải thay cho xe máy. Chủ tịch UBND xã Suối Nho Vũ Văn Chiến cho biết, khoảng 2 năm nay nhiều nông dân của xã đã chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất mang tính hàng hóa lớn. Diện tích trồng rau của các hộ đã tính bằng hécta  trở  lên, không còn tính bằng sào như trước nữa.

Anh Hoàng Đình Hậu ở  xã Suối Nho, huyện Định Quán mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích  trồng bầu lên 1,2 hécta.        Ảnh: V. Nam
Anh Hoàng Đình Hậu ở xã Suối Nho, huyện Định Quán mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng bầu lên 1,2 hécta. Ảnh: V. Nam

Quả thực, khi ghé thăm cánh đồng thuộc tổ 11, ấp 3 ở Suối Nho mới thấy điều ông Chủ tịch UBND xã nói không phải là cường điệu. Anh Hoàng Đình Hậu, nông dân trồng bầu, cho hay anh đã trồng nhiều năm rồi nhưng chỉ với diện tích nhỏ và thuê đất ở các huyện khác để trồng. Năm ngoái, khi nơi đây được Nhà nước hỗ trợ đường điện, anh bắt đầu tăng diện tích sản xuất. Vụ này anh trồng 1,2 hécta bầu đã thu hoạch được hơn 50 tấn trái, thu 150 triệu đồng. Trừ chi phí hơn 60 triệu đồng, vụ bầu này anh Hậu có lãi gần 90 triệu đồng. Lứa bầu cũ chưa tàn, anh Hậu đã cày hơn 1 hécta đất mới chuẩn bị cho vụ bầu tiếp theo. Gia đình chỉ có gần 1 hécta đất, anh đã mạnh dạn thuê thêm hơn 1 hécta nữa để sản xuất. “Sử dụng điện để tưới mỗi ngày, tôi giảm được 450 ngàn đồng so với tưới máy dầu. Tính ra một vụ tiết kiệm được khoảng 30 triệu đồng. Chỉ giảm tiền từ chênh lệch giữa tưới bằng điện và dầu thôi, tôi cũng giảm được một nửa chi phí đầu tư rồi, nhờ vậy mới dám tăng diện tích trồng bầu” - anh Hậu nói.

Ông Vũ Viết Oanh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp, cho biết cánh đồng tổ 11 này rộng  trên 30 hécta vào mùa khô những năm trước chỉ sản xuất khoảng 5 hécta,  đa số đất bị bỏ hoang. Từ năm 2010, huyện Định Quán đầu tư đường điện kéo ra đồng thì toàn bộ diện tích đã được gieo trồng kín. Cây trồng cũng rất đa dạng: bầu, khổ qua, dưa leo, đậu Hà Lan và một số hộ ít kỹ thuật thì trồng bắp. Có thu nhập tốt, đời sống của nông dân ở đây cũng thay đổi rõ rệt. Những căn nhà xập xệ được xây dựng lại khang trang. 

Không chỉ có cánh đồng ở đây mà các cánh đồng khác như ấp 5, ấp Chợ cũng được nhiều nông dân chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn hơn rất nhiều. Theo đánh giá của UBND xã Suối Nho, sau 1 năm xã triển khai xây dựng NTM thu nhập bình quân mỗi hécta đất sản xuất đạt 94 triệu đồng, tăng 45 triệu đồng/hécta so với năm 2010.

* Đột phá trên những cánh đồng

Không chỉ ở Suối Nho mà nhiều cánh đồng khác của huyện Định Quán đã được “đánh thức” tiềm năng bằng việc kéo đường điện ra đồng cho nông dân sản xuất. Là một huyện thuần nông, UBND huyện Định Quán xác định để triển khai xây dựng NTM vững chắc không gì bằng việc phải có cơ chế đầu tư mồi nhằm tạo ra sự đột phá trong sản xuất, bắt đầu từ những cánh đồng.

Mục đích của huyện Định Quán thể hiện khá rõ trong việc xây dựng NTM là tạo ra sự đột phá bằng cách tăng thu nhập cho nông dân để rồi từ đó phát huy nội lực xây dựng NTM. Quan điểm này cũng được ông Tô Thành Buông, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ủy viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh rất đồng tình. Ông Buông cho rằng, xây dựng NTM cần rất nhiều vốn cho hạ tầng kỹ thuật, như: đường giao thông, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế... Nguồn vốn đó có sự đóng góp của nhân dân cùng với vốn ngân sách để xây dựng. Vì vậy, nếu nông dân có được thu nhập tốt thì nội lực ở đó sẽ mạnh và khả năng huy động nguồn vốn phát triển sẽ dễ dàng hơn. Chính vì thế việc tạo ra các đột phá cho sản xuất là điều rất quan trọng trong xây dựng NTM.

 

Phó chủ tịch UBND huyện Trần Nam Biên chia sẻ: “Các cánh đồng của Định Quán không có lợi thế về thủy lợi như nhiều nơi khác, vì vậy huyện phải triển khai phương án đầu tư đường điện ra đồng để tạo điều kiện cho nông dân khoan giếng lấy nước tưới sản xuất. Không làm theo cách này sẽ không thể tạo ra bước phát triển đột phá cho sản xuất”.

Để đưa điện ra đồng, UBND huyện Định Quán phải tổ chức khá nhiều cuộc họp và nhiều lần đến “gõ cửa” Sở Tài chính, Sở Công thương để được hướng dẫn cách làm cho đúng với quy định. Vướng mắc xoay quanh việc các công trình điện do ngành điện đầu tư rồi thu lại vốn thông qua bán điện. Thế nhưng, ở những cánh đồng này sản lượng điện tiêu thụ ít, chi phí đầu tư quá lớn nên ngành điện không thể thực hiện. Còn UBND huyện đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách xong thì phải bàn giao lại cho ngành điện và việc thu hồi lại vốn càng không thể. Đây chính là vướng mắc khiến dự án gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, sau khi cân nhắc kỹ thấy đây là điều cần thiết bởi nó mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho nông dân UBND huyện quyết định đầu tư.

Đến nay, tổng diện tích tưới của Định Quán lên đến gần 10.500 hécta, trong đó nước tưới từ hệ thống thủy lợi chưa đến 1.100 hécta, còn lại hơn 9.300 hécta phần lớn được tưới bằng giếng khoan sử dụng điện. Tổng vốn đầu tư cho các công trình kéo điện ra đồng gần 30 tỷ đồng. Một nguồn kinh phí không nhỏ nhưng đã giúp nông dân ở đây tăng thêm bình quân 50 triệu đồng/hécta/năm. Như thế hàng năm, các cánh đồng được đầu tư đường điện đã tăng thu nhập cho nông dân cả trăm tỷ đồng.

Hương Giang - Vân Nam

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều