Tổng sản lượng trái cây của Đồng Nai đạt 500 ngàn tấn/năm với nhiều loại đặc sản, như: xoài, sầu riêng, chôm chôm, các loại trái có múi… đủ điều kiện vào các hệ thống siêu thị lớn, như: BigC, Metro, Co.opMart... Nhưng tại những nơi này, hầu như vắng bóng trái cây xuất xứ từ Đồng Nai.
Tổng sản lượng trái cây của Đồng Nai đạt 500 ngàn tấn/năm với nhiều loại đặc sản, như: xoài, sầu riêng, chôm chôm, các loại trái có múi… đủ điều kiện vào các hệ thống siêu thị lớn, như: BigC, Metro, Co.opMart... Nhưng tại những nơi này, hầu như vắng bóng trái cây xuất xứ từ Đồng Nai.
Một thực tế là tại các siêu thị hiện nay, trái cây ngoại đang chiếm một tỷ lệ không thua gì trái cây nội địa. Trái cây nội có theo từng mùa, trong khi hàng ngoại được bày bán quanh năm nên dù không ồ ạt xuất hiện nhưng vẫn chiếm doanh thu khá cao so mặt bằng chung. Mặt khác, trái cây ngoại ngày càng đa dạng về chủng loại, từ các sản phẩm cao cấp như nho Mỹ, kiwi, táo Nhật, cam Mỹ đến các loại trái thông dụng hơn như táo-lê-cam-quýt Trung Quốc... So với trái cây nội địa, hàng nhập nhìn bắt mắt, nhiều loại không “đụng hàng” nên dù giá bán khá cao nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận.
* Không đáp ứng yêu cầu?
Chủ doanh nghiệp (DN) tư nhân Nhân Hòa (huyện Vĩnh Cửu), chuyên cung cấp bưởi và rượu bưởi Tân Triều cho biết, DN từng là nhà cung cấp bưởi cho các siêu thị lớn như Metro với sản lượng 4 tấn/tháng nhưng sau một thời gian, ông buộc phải rút lui vì khó đáp ứng những ràng buộc từ siêu thị. Yêu cầu từ siêu thị cung cấp lượng hàng lớn, ổn định trong khi bưởi theo mùa vụ, nhiều đợt không đủ sản lượng cung ứng. Mặt khác, bán cho siêu thị thường cả tháng sau mới được thanh toán. Ngoài ra, rất nhiều yêu cầu về thủ tục, giấy tờ buộc phải có, khi cung cấp hàng cho siêu thị cũng là những khó khăn với nông dân chỉ rành về sản xuất.
Trái cây tại các siêu thị hầu hết từ nơi khác cung cấp. Ảnh: B.Nguyên |
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Khanh, Giám đốc siêu thị Co.opMart Biên Hòa cho biết, hiện chưa có nhà cung cấp trái cây xuất xứ từ Đồng Nai cho siêu thị. Thời gian qua, Co.opMart Biên Hòa thường xuyên tham gia nhiều hội thảo do Sở Công thương tổ chức nhằm tiếp cận các nhà vườn, trang trại, giới thiệu tiêu chuẩn, quy trình để làm nhà cung cấp cho siêu thị. Tuy nhiên đến nay, sản phẩm địa phương bán tại siêu thị chiếm từ 5-10% trên tổng các mặt hàng, chủ yếu là các loại nông sản, như: thịt, trứng, rau tươi, nấm... Theo bà Khanh, nguyên nhân chính là do người trồng vẫn giữ tập quán bán cả vườn nên khoán cho thương lái mọi khâu trong thu hoạch. Còn nếu trở thành nhà cung cấp của siêu thị, họ phải tổ chức các khâu từ thu hoạch, sơ chế, phân loại và vận chuyển sản phẩm đến nơi bán. Ngoài ra, các đối tượng là nhà cung cấp cho siêu thị phải đảm bảo về sản lượng và sự ổn định nguồn hàng.
* Vai trò của hợp tác xã ở đâu?
Ông Nguyễn Văn Toàn (Long Khánh) chia sẻ, nông dân làm ra sản phẩm nhưng giá tiêu thụ lại hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Thời gian qua, mối quan hệ giữa bốn nhà: Nhà nước- Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp khá lỏng lẻo. Vì vậy, nông dân vẫn “tự bơi” là chính, nên luôn phải đối phó với cảnh được mùa mất giá hoặc được giá mất mùa.
Nói về những ràng buộc đối với việc cung cấp trái cây cho siêu thị Big C, Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Hải cho biết, mỗi loại trái cây tiêu thụ tại Big C đều có phiếu kỹ thuật đánh giá về màu sắc, hình thức nhằm quản lý được chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình thu mua, tiêu thụ. Khâu đóng gói sản phẩm không yêu cầu kỹ thuật gì quá cao, cần nhất là giữ được sự tươi ngon cho sản phẩm, đảm bảo độ đồng đều của từng loại trái cây. Chính vì vậy, người nông dân nên tập hợp thành nhóm để giải quyết những vấn đề trên. Điều này phù hợp với mô hình hợp tác xã hiện nay. Tổ chức này sẽ là đơn vị đại diện cho nông dân ký kết hợp đồng với siêu thị, đồng thời là đầu mối liên kết trong vấn đề thu hoạch, chuyên chở, bảo quản, đóng gói, đảm bảo về sản lượng rau quả cung cấp cho siêu thị.
Ông Nguyễn Thành Biên, Hội làm vườn huyện Vĩnh Cửu nhận xét, với nhu cầu tiêu thụ lớn và ổn định, kênh tiêu thụ qua hệ thống siêu thị luôn hấp dẫn nông dân. Tại Tân Triều, nhiều hộ dân đã thành lập DN để có đủ điều kiện trở thành nhà cung cấp bưởi cho siêu thị nhưng đây vẫn là cánh cửa hẹp với trái cây Đồng Nai nói chung, trái bưởi nói riêng. Huyện đã thành lập Hợp tác xã bưởi Tân Triều, trong thời gian tới tổ chức liên kết giữa những người trồng bưởi, đại diện cho hội viên trong vấn đề tìm đầu ra cho cây bưởi, trong đó có kênh tiêu thụ qua các siêu thị.
Bình Nguyên