Đồng Nai hiện có khoảng hơn 400 ngàn công nhân đang làm việc tại 30 khu công nghiệp (KCN) và 43 cụm công nghiệp (CCN). Trong số này, người lao động (NLĐ) từ địa phương khác đến chiếm khoảng 60% và số đang làm việc tại các KCN, CCN có nhu cầu về chỗ ở là gần 70%...
Những dãy nhà trọ ở phường Trung Dũng. Ảnh: T.N |
Đồng Nai hiện có khoảng hơn 400 ngàn công nhân đang làm việc tại 30 khu công nghiệp (KCN) và 43 cụm công nghiệp (CCN). Trong số này, người lao động (NLĐ) từ địa phương khác đến chiếm khoảng 60% và số đang làm việc tại các KCN, CCN có nhu cầu về chỗ ở là gần 70%...
Dự báo, nhu cầu cần NLĐ làm việc trong các KCN, CCN từ nay đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 120 ngàn người. Qua đó, sẽ có khoảng trên 80 ngàn người nữa cần chỗ ở.
* Thực trạng…
Thực tế, phần lớn NLĐ ngoài tỉnh đến Đồng Nai làm việc đều phải ở thuê trong các nhà trọ tư nhân. Tại những nơi này, diện tích ở và các tiện nghi sinh hoạt hầu như đều không đáp ứng những quy định. Đáng kể là nhiều phòng trọ chật hẹp, có phòng chỉ từ 10 m2 nhưng 3-4 người ở chung. Mặt khác, giá thuê phòng cao, tiện nghi thiếu thốn, cùng nhiều bất tiện như nấu nướng, phòng vệ sinh, giờ giấc, tiếp khách… đều bị chủ nhà khống chế. Đó là chưa kể những phát sinh khác như tiền điện, nước không phải nhà trọ nào cũng lấy đúng giá. Trong khi đó, đa phần NLĐ tại các KCN đều xa nhà, thu nhập có mức độ nên không còn chọn lựa nào khác là phải tìm đến những nơi cho thuê phòng giá rẻ, hoặc cùng góp tiền thuê một chỗ ở chung nhằm giảm chi phí. Từ chỗ sinh hoạt hàng ngày không đảm bảo, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe NLĐ, đồng thời phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến an ninh trật tự.
Một nghịch lý lâu nay chưa tháo gỡ được là nhu cầu về nhà ở cho công nhân đang thiếu thì tại một số khu vực, các doanh nghiệp xây nhà cho NLĐ thuê lại… ế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, cơ bản là vì giá bán hay cho thuê cao gấp nhiều lần nhà trọ tư nhân. Đáng kể là trong 18/72 dự án xây nhà ở cho công nhân trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành (Biên Hòa 5 DA, Long Thành 7 DA, Trảng Bom 3 DA, Nhơn Trạch 3 DA), đưa vào sử dụng có khả năng bố trí cho 20 ngàn người, nhưng đến nay số người đến ở rất ít. Nhận định về khả năng đáp ứng nhà ở cho công nhân, nhiều NLĐ trong các KCN, CCN đều cho rằng lâu nay, DN đầu tư xây dựng nhà thường chỉ quan tâm đến tiện nghi cao để bán hoặc cho thuê theo giá kinh doanh. Điều này chưa hợp lý, bởi NLĐ dù muốn cũng không đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu cho chính mình.
* Giải pháp nào tháo gỡ vướng mắc?
Có thể nói, đời sống của công nhân trong các KCN đều còn nhiều khó khăn, nhất là đối với người xa quê. Vì vậy, nếu xây dựng một mô hình nhà ở cho công nhân giá thấp bán trả góp hay cho thuê thì NLĐ mới có được căn nhà đàng hoàng. Do đó, việc tìm ra các giải pháp tích cực, hỗ trợ hợp lý về nơi ở cho NLĐ trong tình hình hiện nay, đòi hỏi Nhà nước và các DN cùng quan tâm.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm ký túc xá công nhân của tập đoàn Phong Thái (KCN Sông Mây) |
Nhằm giải quyết những bức xúc về nhà ở cho NLĐ trong các KCN, sinh viên và người thu nhập thấp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/2009/NQ-CP, ngày 20-4-2009, về một số cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở dành cho các đối tượng nêu trên. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện, đã phát sinh không ít vướng mắc, khó khăn nhất là về vốn và quỹ đất... Trước thực trạng này, Đồng Nai kiến nghị các bộ, ngành trung ương thành lập một tổ chức tín dụng riêng để thực hiện cho vay đối với các dự án an sinh xã hội, như: nhà ở cho công nhân, sinh viên, người thu nhập thấp theo chính sách và ưu đãi đặc biệt: giảm lãi suất, giảm thủ tục hành chính, tăng thời hạn vay vốn... |
Thời gian qua, một số công ty kinh doanh hạ tầng KCN đều có dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân, gắn kết với các công trình dịch vụ theo tiến độ phát triển của các KCN từng giai đoạn. Song, tiến độ triển khai rất chậm. Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, mô hình xây dựng nhà ở công nhân trong KCN, kèm theo nhà giữ trẻ, cơ sở y tế là giải pháp khả thi. Vì NLĐ ổn định chỗ ở, quãng đường đi lại làm việc gần; DN quản lý được NLĐ, công nhân có điều kiện chăm sóc con cái, được khám chữa bệnh kịp thời… là những thuận tiện để NLĐ gắn bó hơn với DN. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, có hai vướng mắc cần tháo gỡ. Đó là vốn và quỹ đất. Bởi theo quy định, không được phép xây dựng nhà ở công nhân trong các KCN. Bên cạnh đó, chính sách về phát triển nhà ở cho NLĐ thì có nhưng điều kiện để vay ngân hàng khá khắc nghiệt nên DN không dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Đây chính là những tồn tại mà UBND tỉnh đang kiến nghị các bộ, ngành trung ương xem xét điều chỉnh. Theo ông Lâm, chỉ tiêu đến năm 2015 có khoảng 50% số công nhân tại các KCN trên địa bàn tỉnh được giải quyết chỗ ở, song đến nay mới chỉ đáp ứng được 7%; 43% còn lại với khoảng 160 ngàn chỗ ở là điều rất khó thực hiện trong vòng 3 năm tới. Hơn nữa, để đạt được mục tiêu này, cần phải có 6 ngàn tỷ đồng và 1 triệu m2 đất thì mới có thể giải quyết được nhu cầu. Mặt khác, thị trường bất động sản trong mấy năm qua đóng băng nên việc thu hút DN tham gia đầu tư nhà ở công nhân rất khó khăn. Trong đó có nguyên nhân: còn thiếu chế tài cần thiết để buộc DN kinh doanh hạ tầng KCN phải có trách nhiệm hơn đối với NLĐ.
T.Nguyên