Từ một người nấu đường thuê, đến nay ông Huỳnh Công Minh (ngụ xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) đã trở thành chủ cơ sở sản xuất đường táng (ĐT).
Ông Minh đang kiểm tra mẻ đường vừa mới ra lò Ảnh: V. NAM |
Từ một người nấu đường thuê, đến nay ông Huỳnh Công Minh (ngụ xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) đã trở thành chủ cơ sở sản xuất đường tán (ĐT).
Qua biết bao thăng trầm, các lò nấu đường ngày trước ở xã Bình Lợi hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng lò thủ công của ông Minh đến nay vẫn tồn tại và đi xa hơn, là đã hợp đồng để sản xuất đường tán (miếng) cho ngành công nghiệp, điều không mấy cơ sở khác làm được.
* Đường cũng... “đắng”
Việc hàng ngày của ông Minh là mỗi sáng, ông đi một vòng thăm các ruộng mía. Khi thì đến đám mía mới trồng, lúc tới chỗ đang thu hoạch, sau đó về lò sản xuất làm việc cùng công nhân. Với trên 30 năm làm nghề, ông Minh chỉ cần nhìn vào đám mía là biết sẽ cho đường tốt hay không.
Từ năm 2000 trở về trước, các lò đường thủ công ở đây phát triển nhanh. Khi đó nguồn lao động nông thôn đông đúc, cơ sở bánh kẹo nhỏ còn nhiều nên sức tiêu thụ ĐT từ các lò thủ công khá mạnh. Sau này, khi các nhà máy đường ồ ạt tăng công suất, người tiêu dùng chuyển sang sử dụng đường cát khiến cho loại ĐT gặp nhiều khó khăn. Có những năm, vì giá quá thấp nên gia đình ông Minh trữ trong nhà tới 20 tấn đường. Chờ mãi giá cũng không lên, đến thời điểm chuẩn bị mùa ép mía mới, ông đành ngậm đắng bán xả hàng. Những đợt lỗ như thế không phải là ít. Nhận định về thị trường năm nay, ông Minh lạc quan cho rằng tình hình rồi sẽ được cải thiện. Ông cho hay, dù chuyện làm ăn được lúc này, mất lúc khác nhưng ông chưa bao giờ có ý định chuyển nghề, vì đã xác định nghề nấu ĐT sẽ có năm “ngọt”, năm... “đắng”.
Hiện tại, diện tích trồng mía của ông Minh lên đến 40 hécta, trong đó 15 hécta mía gia đình trồng và 25 hécta mua thêm, tăng hơn vụ đường năm ngoái 5 hécta.
* Và… “ngọt” lịm
Năm 2007, lò đường của ông Minh đã gặp may, bởi gia đình ông không còn phải bán ĐT ra thị trường nữa mà đã hợp đồng cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp (DN) sản xuất nước giải khát.
Theo ông Minh, các công ty chế biến thực phẩm không sử dụng đường trắng nên đường sản xuất từ lò thủ công được ưa chuộng vì đảm bảo được tính nguyên chất từ cây mía nấu thành. Kể từ ngày làm ăn với DN, ông Minh phải thay đổi hàng loạt thủ tục cho phù hợp, như: đăng ký cơ sở sản xuất, chất lượng và sản lượng ổn định, đảm bảo cả nguồn đường khi không phải mùa mía. Quá trình cung cấp sản phẩm cho DN Nhật Bản, 6 tháng một lần, cơ sở ông lại phải đưa mẫu ĐT đến Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Trung tâm 3) để kiểm tra sản phẩm. “DN Nhật Bản kỹ lắm, sản phẩm cung cấp cho họ phải thật sự an toàn. Mỗi lô hàng đều được kiểm tra chất lượng khá kỹ. Ngày trước bao bì gói đường sao cũng được, giờ phải dùng loại đúng quy cách, bên trong là bao ny-lông còn ngoài là bao giấy” - ông Minh nói.
Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng cơ sở của ông Minh ép trên 3 ngàn tấn mía và cung cấp cho khách hàng khoảng 30 tấn ĐT.
Vân Nam