Báo Đồng Nai điện tử
En

Khu công nghiệp Long Đức: “Đón chân” các doanh nghiệp Nhật Bản

09:03, 21/03/2012

Khu công nghiệp (KCN) Long Đức được đánh giá là nơi có địa thế đắc địa, lại khởi công xây dựng ngay trước thời điểm UBND tỉnh sang Nhật vào tháng 4 tới nhằm xúc tiến, đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vào Đồng Nai...

Khu công nghiệp (KCN) Long Đức được đánh giá là nơi có địa thế đắc địa, lại khởi công xây dựng ngay trước thời điểm UBND tỉnh sang Nhật vào tháng 4 tới nhằm xúc tiến, đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vào Đồng Nai...

Ngày 19-3, KCN Long Đức được khởi công xây dựng với kết cấu hạ tầng hiện đại, để tạo sự hấp dẫn, thu hút đầu tư, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Điều này phù hợp với chủ trương của Đồng Nai trong việc thu hút nguồn vốn FDI hiện nay.

* Đón đầu các doanh nghiệp...

KCN Long Đức có diện tích 282 hécta nằm ở xã Long Đức (huyện Long Thành), sát dự án quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành, gần đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và quốc lộ 51. Không chỉ thuận tiện về giao thông mà KCN này còn ở tại khu vực có nền đất chắc, giảm được chi phí xử lý nền móng khi xây dựng nhà xưởng.

KCN Long Đức trong ngày khởi công.   Ảnh: K. Giới
KCN Long Đức trong ngày khởi công. Ảnh: K. Giới

KCN Long Đức do Công ty TNHH đầu tư Long Đức làm chủ  đầu tư với tổng số vốn  gần 1.100 tỷ đồng. Đây là công ty hợp doanh giữa ba tập đoàn của Nhật Bản: Sojitz Corporation, Daiwa House Industry, Kobelco Eco-Solution hợp tác với Công ty Donafoods của Đồng Nai. Sojitz là một tập đoàn có nhiều kinh nghiệm về đầu tư xây dựng KCN. Tại Việt Nam, tập đoàn này đã đầu tư KCN Loteco (phường Long Bình, TP. Biên Hòa) khá thành công. Ngoài ra, Sojitz còn được biết đến ở các quốc gia châu Á khác, như: Ấn Độ, Indonesia. Cùng với Sojitz, Daiwa House Industry cũng là một công ty giàu trải nghiệm đối với việc phát triển KCN tại Nhật Bản. Kobelco Eco-Solution được giới chuyên môn đánh giá là “chuyên gia” trong lĩnh vực xử lý nước và môi trường tại đất nước hoa anh đào. Đầu tư vào đây, Kobelco mang tham vọng sẽ đưa những công nghệ hiện đại và giải pháp toàn diện của mình để xử lý môi trường thân thiện cho KCN và các DN đến kinh doanh. Còn Donafoods - một DN lớn của tỉnh tham gia hợp tác với tỷ lệ vốn góp là 12%. Theo kế hoạch, đến tháng 8-2013, KCN Long Đức sẽ hoàn thành.

Với địa thế đẹp, tiềm lực mạnh, KCN Long Đức đang được kỳ vọng sẽ sớm đón đầu các nhà đầu tư. Các ngành nghề tại KCN sẽ có nhiều khả năng thu hút các lĩnh vực, như: vật liệu cao cấp, dược phẩm, chế biến thực phẩm, điện tử, cơ khí, thiết bị trường học, bao bì, đồ trang trí nội thất, sản phẩm gia dụng và đặc biệt ưu tiên cho ngành công nghiệp phụ trợ của các DN đến từ Nhật.

* Thu hút làn sóng đầu tư

Ông UEHARA  Atsushi, Giám đốc Công ty đầu tư Long Đức cho biết, hiện nay nhiều DN ở Nhật đang tìm ra nước ngoài đầu tư nhằm tránh rủi ro. “Những nguyên nhân như: đồng yên tăng giá cao so với các ngoại tệ khác, đặc biệt là động đất và sóng thần năm 2011, cùng với nhiều thiên tai khác ở Nhật đã tạo ra làn sóng để DN Nhật Bản tìm đến nước ngoài đầu tư. Là nhà đầu tư, chúng tôi phải nắm được những tình huống có lợi và chuẩn bị hạ tầng để đón đầu cơ hội này. Ở đây, chúng tôi sẽ bố trí người Nhật thường trực tại KCN để chào mời các DN từ Nhật, cũng như lắng nghe các ý kiến của họ. Đây là điều rất quan trọng đối với các nhà đầu tư Nhật ra nước ngoài làm ăn...” - ông UEHARA  Atsushi nói. Theo giám đốc Atsushi, hạ tầng KCN Long Đức được nhà đầu tư tính toán khá kỹ. Ngoài những danh mục công trình thông thường: đường, điện, xử lý môi trường, cây xanh... thì chủ đầu tư còn quan tâm đến hạ tầng công nghệ thông tin, có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng cao, đồng thời tạo sự cạnh tranh tốt cho DN. Nhà xưởng và khu lưu vận trong KCN sẽ sớm được hình thành, để cho các DN nhanh chóng đi vào sản xuất. Một điểm không kém phần quan trọng, đó là nhà hàng, cửa hàng tiện ích phục vụ nhân viên làm việc tại KCN.

Mặc dù mới được động thổ, nhưng KCN Long Đức đã có hai DN của Nhật là Lixil và Belmon đến thuê 60 hécta đất. Riêng Lixil, thực hiện dự án đầu tư trên diện tích 55 hécta với số vốn đăng ký 441 triệu USD, dự kiến sẽ được cấp phép vào tháng 4 tới. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đang thương lượng với một số DN Nhật Bản đến thuê khoảng 40 hécta đất trong KCN để xây dựng nhà máy sản xuất. 

* Ông Hida Harumitsu, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh: Mong muốn doanh nghiệp trở thành kiểu mẫu về kinh doanh

“Mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng đến thời điểm tháng 2 năm nay, hội viên của Hiệp hội các DN Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục tăng, đạt khoảng 560 DN. Điều này chứng tỏ mối quan hệ giao lưu kinh tế giữa hai nước đang tiếp tục phát triển. Cảng Cái Mép - Thị Vải nằm ở phía Nam, khi đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành và sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng, Đồng Nai là địa phương có địa thế đầu mối tập trung sản xuất công nghiệp, gắn kết với giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không rất thuận lợi. Sau KCN Loteco, và lần này là KCN Long Đức, tôi tin tưởng các DN chúng tôi sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và trở thành một kiểu mẫu thực hành kinh doanh tốt của Nhật tại Việt Nam”.

* Ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư: KCN Long Đức là dự án tiên phong để thu hút làn sóng đầu tư từ Nhật

“Xét trên tiêu chí vốn đầu tư thực hiện, thì trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Nhật Bản luôn là quốc gia đứng đầu. Bộ  Kế hoạch và đầu tư đánh giá cao việc chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và những cam kết của các DN Nhật Bản. KCN Long Đức được xem là dự án tiên phong cho một làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản tới Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung, như mong muốn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản cuối năm 2011...”.

* Ông Võ Thanh Lập, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh: Nhật Bản là quốc gia có kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ

“Các DN Nhật khi khảo sát địa điểm đầu tư, họ làm khá kỹ, thời gian chuẩn bị lâu. Do đó, khi triển khai thực hiện rất chắc chắn. Mức độ thành công của các dự án khá cao. Trong đợt khảo sát, xúc tiến đầu tư vào tháng 4 tới tại Nhật, mong muốn của lãnh đạo tỉnh là kêu gọi các tập đoàn có công nghệ cao đến với Đồng Nai. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chú trọng đến lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Bởi Nhật Bản là quốc gia có kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ rất tốt”.

Khắc Giới

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều