Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải pháp nào “cứu” ngành chăn nuôi heo?

09:03, 23/03/2012

Ngày 22-3, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã làm việc với một số sở ngành, địa phương trong tỉnh để đưa ra các giải pháp nhằm quản lý chặt việc sử dụng chất cấm (SDCC) trong chăn nuôi, đồng thời bảo vệ  quá trình kinh doanh của người nuôi heo chân chính...

Ngày 22-3, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã làm việc với một số sở ngành, địa phương trong tỉnh để đưa ra các giải pháp nhằm quản lý chặt việc sử dụng chất cấm (SDCC) trong chăn nuôi, đồng thời bảo vệ  quá trình kinh doanh của người nuôi heo chân chính...

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc SDCC trong chăn nuôi heo (CNH). Do lo ngại dùng phải thịt heo SDCC sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, người tiêu dùng đã quay lưng lại với thịt heo khiến giá heo hơi trong tỉnh rớt 10 ngàn đồng/kg. Giá heo giảm mạnh, đẩy người CNH chân chính vào cảnh thua lỗ nặng.    

* Trả lại công bằng...

Đồng Nai có tổng đàn heo lớn nhất cả nước với gần 1,2 triệu con, mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 16 ngàn tấn thịt. Trong đó, 60% thịt heo được cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh và một vài tỉnh lân cận. Vì vậy, thông tin người chăn nuôi có SDCC khiến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh khá hoang mang. Thực tế, số hộ SDCC trong CNH chỉ là số ít, và đa số nằm trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Còn các trang trại lớn hầu hết dùng con giống có chất lượng, không cần đến chất cấm tạo nạc. Mặt khác, các trang trại CNH ở Đồng Nai đã phải mất một thời gian dài gây dựng thương hiệu nên không dễ dàng để đánh mất.

Các trang trại chăn nuôi có thương hiệu thường không dùng chất cấm.
Các trang trại chăn nuôi có thương hiệu thường không dùng chất cấm. Trong ảnh: Chăn nuôi heo ở Công ty CP chăn nuôi Phú Sơn. Ảnh: H. Giang

Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định, sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc SDCC trong CNH, Sở có phối hợp với một số cơ quan chức năng kiểm tra định lượng lại các mẫu thịt phát hiện dương tính thì chỉ khoảng 3% mẫu có SDCC. Điều này khẳng định việc sử dụng chất cấm trong nuôi heo không nhiều. Vì vậy, người tiêu dùng không nên hoảng sợ đến độ phải tẩy chay thịt heo. Theo ông Báu, hiện CNH là ngành mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp, cung cấp gần 70% nhu cầu tiêu dùng thịt của xã hội. Chính vì vậy, một khi người tiêu dùng từ chối sử dụng thịt heo, cũng đồng nghĩa với việc ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề và gián tiếp gây ra tình trạng căng thẳng trong xã hội về nhu cầu cung cấp thực phẩm thiết yếu.

Theo đại diện Công an tỉnh đề xuất, thời gian tới ngành nông nghiệp tiến hành kiểm tra nếu phát hiện cơ sở nào SDCC thì yêu cầu công an vào cuộc từ đầu để xác minh, điều tra nguồn gốc và thu thập chứng cứ xử lý. Việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, sản xuất thức ăn chăn nuôi phải làm nhanh và ráo riết để trả lại công bằng cho những hộ CNH chân chính và cứu ngành chăn nuôi của Đồng Nai.

* Các địa phương cùng vào cuộc

Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, trên địa bàn chưa phát hiện cơ sở nào kinh doanh hoặc SDCC trong chăn nuôi. Tuy nhiên, thời gian tới huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, trường hợp phát hiện cơ sở nào buôn bán, SDCC sẽ áp dụng chế tài ở mức cao nhất. Ngoài ra, huyện sẽ tiến hành rút giấy phép kinh doanh các cửa hàng thuốc thú y xếp loại C. Các địa phương khác cùng đề xuất, Sở NN- PTNT nên phối hợp với các địa phương kiểm tra đột xuất các cơ sở nghi SDCC để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được các địa phương xem trọng, song tất cả đều thống nhất là vừa tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu để nói không với chất cấm, vừa phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý triệt để những cơ sở, hộ nuôi nhỏ lẻ cố tình vi phạm.

Hiện nay, mức xử lý các trường hợp sử dụng, buôn bán chất cấm trong chăn nuôi còn quá nhẹ. Cụ thể, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dùng chất cấm sẽ bị phạt hành chính từ 1-5 triệu đồng/hộ; trang trại vi phạm bị phạt 5-25 triệu đồng và cơ sở buôn bán bị phạt 30-40 triệu đồng. Nhiều địa phương đề xuất, khi phát hiện trường hợp kinh doanh dùng chất cấm trong chăn nuôi nên chuyển qua xử lý hình sự. Tuy nhiên, một số loại thuốc Bộ NN - PTNT cấm dùng nhưng không đề xuất bổ sung vào mục chất cấm dùng đối với xử lý hình sự nên không thể áp dụng hình thức này. Do đó, nhiều sở, ngành đề nghị thời gian tới, Bộ NN - PTNT nên bổ sung chất cấm sử dụng trong chăn nuôi vào danh mục xử lý hình sự. Bởi chỉ có mức chế tài mạnh, chắc chắn các cơ sở buôn bán cũng như nông dân sẽ không dám SDCC trong chăn nuôi.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát: Xử lý nghiêm khắc những trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi!

Cũng trong sáng 22-3, tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát đã đối thoại trực tuyến với nhân dân về những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Đã có hơn 50 ý kiến của dân được gửi đến bộ trưởng. Trả lời câu hỏi, việc phát hiện một số trường hợp sử dụng chất cấm để nuôi heo, khiến toàn ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng do người tiêu dùng quay lưng với thịt heo, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Chúng tôi đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các địa phương làm rõ tình hình về mức độ sai phạm để công bố rộng rãi cho nhân dân biết việc vi phạm xảy ra ở đâu, tại trại chăn nuôi nào để người tiêu dùng biết và tránh. Đặc biệt, một số địa phương có phát hiện sử dụng chất cấm như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường việc kiểm soát và xử lý một cách nghiêm khắc nhất những người cố tình vi phạm…”.

Đ.D

Hương Giang

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều