Báo Đồng Nai điện tử
En

Du lịch sinh thái cộng đồng: Hướng phát triển rừng bền vững

07:03, 05/03/2012

Đồng Nai là một trong ít địa phương có tiềm năng to lớn về tài nguyên rừng. Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên và Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai ngày 29-6-2011. Do đó, phát triển rừng bền vững, gắn với công tác bảo tồn, đa dạng sinh học và văn hóa là mục tiêu cần hướng tới...

Đồng Nai là một trong ít địa phương có tiềm năng to lớn về tài nguyên rừng. Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên và Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai ngày 29-6-2011. Do đó, phát triển rừng bền vững, gắn với công tác bảo tồn, đa dạng sinh học và văn hóa là mục tiêu cần hướng tới...

* phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đệm

Được sự ủng hộ của Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), Đan Mạch đã xây dựng dự án phát triển du lịch sinh thái VQG Cát Tiên trên địa bàn 3 xã: Tà Lài, Đắk Lua và Nam Cát Tiên thuộc huyện Tân Phú. Đây là mô hình phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) đầu tiên của WWF về sự hợp tác giữa cộng đồng với các doanh nghiệp, đảm bảo được tính phát triển bền vững, đặc biệt là chia sẻ lợi ích rộng rãi cho cộng đồng.

Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tà Lài.
Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tà Lài.

DLCĐ khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa, tạo cơ hội cho du khách tìm hiểu, nâng cao nhận thức về sự phong phú, đặc sắc và vai trò của rừng nhiệt đới. Ở xã Tà Lài, lợi thế nổi bật là khu vực nằm áp sát VQG Cát Tiên và là khu vực giàu tiềm năng văn hóa của các dân tộc Mạ và S’Tiêng (ấp 4) và Tày (ấp 7); có di tích lịch sử nhà ngục Tà Lài, với cảnh quan thiên nhiên đẹp. Văn hóa dân gian đặc trưng là múa hát cồng chiêng (Mạ, S’Tiêng), múa sạp, đàn tính, hát then (Tày). Các lễ hội truyền thống như lễ đâm trâu, lễ cúng Giàng, lễ lồng tổng, lễ tung còn. Sản phẩm du lịch ở Tà Lài là dịch vụ lưu trú, đi bộ trong VQG Cát Tiên, ẩm thực, thưởng thức văn hóa, văn nghệ truyền thống, mua sắm hàng thổ cẩm..., đã tạo sự hấp dẫn cho nhiều du khách trong và ngoài nước. Dự án đã hỗ trợ xây dựng Nhà đón tiếp du khách du lịch Tà Lài bên hồ Vàm Hô, theo kiểu kiến trúc nhà dài truyền thống của người Mạ, cùng với các công trình phụ, không gian yên tĩnh, thoáng mát, có thể lưu trú cho 30 du khách. Tổ hợp tác du lịch cộng đồng ở Tà Lài đã được UBND xã Tà Lài công nhận để có tư cách pháp nhân trong việc tổ chức kinh doanh du lịch ở địa phương. Công ty Viet Adventure là doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ lữ hành đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổ hợp tác này. Công ty sẽ đảm trách việc đào tạo các kỹ năng du lịch cho cộng đồng, xây dựng kế hoạch đầu tư, marketing, đưa khách đến hàng năm, với lãi ròng dự kiến được phân chia 50/50.

* Duy trì mô hình du lịch cộng đồng

Ngoài Tà Lài, xã Đắk Lua cũng được chọn để xây dựng mô hình DLCĐ. Đây là xã vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh Đồng Nai có địa thế tương đối bằng phẳng, nằm giáp ranh với VQG Cát Tiên và khu di chỉ khảo cổ học Cát Tiên, có các cánh đồng lúa rộng lớn, đường đi lại thuận lợi. Dự án đã phối hợp với Ban quản lý DLCĐ xã Đắk Lua và Công ty Inno Việt chọn được 4 hộ để phát triển mô hình homestay. Trong thời gian ban đầu, do số lượng khách chưa nhiều, dự án đã hỗ trợ một số kinh phí cho 2 hộ để sửa chữa cơ sở lưu trú và mua sắm các vật dụng giúp cho mô hình sớm được hoạt động. Sản phẩm du lịch là lưu trú, ẩm thực, đi xe đạp trong xã, dạy du khách làm vườn, nấu ăn.  Công ty du lịch Inno Viet đã ký hợp đồng với 2 hộ và có hướng hợp tác kinh doanh lâu dài tại đây.

Lớp học kỹ năng du lịch cộng đồng.
Lớp học kỹ năng du lịch cộng đồng.

Ngày 27-2-2012, Tổ chức WWF Hà Nội và VQG Cát Tiên đã tổng kết dự án phát triển du lịch sinh thái. Qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm có ý nghĩa. Thực tế, mô hình DLCĐ còn khá mới đối với tỉnh Đồng Nai. Chính vì vậy, để phát triển DLCĐ bền vững, chính quyền địa phương cần tiếp tục giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, từ đó người dân mới có thể hướng dẫn khách du lịch hiểu biết đầy đủ về văn hóa địa phương. Việc quy hoạch tổng thể phát triển thêm các khu DLCĐ của tỉnh Đồng Nai cũng rất cần thiết. Đồng thời cần tạo một cơ chế thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để thu hút du khách và các nhà doanh nghiệp, các công ty hỗ trợ phát triển DLCĐ. Mặt khác, đa dạng hóa các nguồn tài chính đầu tư cho DLCĐ nhằm tạo điều kiện tìm kiếm liên doanh, liên kết với các đơn vị có kinh nghiệm về phát triển DLCĐ, đảm bảo đôi bên cùng có lợi; giúp cho Ban quản lý DLCĐ các xã và Tổ hợp tác Tà Lài, Đắk Lua có đủ thời gian học tập cách làm ăn mới.

Mục tiêu của dự án phát triển DLCĐ nhằm tạo sinh kế cho người dân địa phương, gắn với các hoạt động du lịch sinh thái, mở ra cơ hội việc làm để tăng thu nhập cho người lao động bằng việc cung cấp các dịch vụ du lịch tại chỗ. Người dân địa phương được hưởng lợi ích trực tiếp từ DLCĐ, từ đó hạn chế xâm hại vào tài nguyên rừng.

Hữu Khánh

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều