Báo Đồng Nai điện tử
En

Chợ Tân Hiệp - Cần sự đồng thuận của tiểu thương để sớm ổn định kinh doanh

09:03, 30/03/2012

Sự việc khiếu nại, khiếu kiện của bà con tiểu thương chợ Tân Hiệp - Biên Hòa đã xảy ra từ nhiều tháng nay. UBND TP. Biên Hòa đã có nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc với tiểu thương để trả lời, giải đáp và đề xuất phương án “khắc phục” nhưng chưa đạt được sự đồng thuận cao.

Sự việc khiếu nại, khiếu kiện của bà con tiểu thương chợ Tân Hiệp - Biên Hòa đã xảy ra từ nhiều tháng nay. UBND TP. Biên Hòa đã có nhiều lần gặp gỡ, tiếp xúc với tiểu thương để trả lời, giải đáp và đề xuất phương án “khắc phục” nhưng chưa đạt được sự đồng thuận cao. Ngày 28-3, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cùng lãnh đạo TP. Biên Hòa đã có cuộc đối thoại trực tiếp với bà con tiểu thương. Ngay sau cuộc đối thoại này, ông Trịnh Tuấn Liêm, quyền Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa đã có cuộc trả lời phỏng vấn của Báo Đồng Nai.

Trung tâm thương mại Tân Hiệp được xây dựng gần như hoàn chỉnh nhưng vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Ảnh: K. Giới
Trung tâm thương mại Tân Hiệp được xây dựng gần như hoàn chỉnh nhưng vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Ảnh: K. Giới

* Phóng viên: Thưa ông, vì sao có tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài của bà con chợ Tân Hiệp?

- Ông Trịnh Tuấn Liêm: Khi công bố phương án Dự án xây dựng trung tâm thương mại (TTTM) gồm 5 tầng và 1 tầng hầm kết hợp với chợ truyền thống Tân Hiệp, UBND thành phố có cam kết sau khi di dời qua chợ tạm sẽ tái bố trí bà con tiểu thương về chỗ cũ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án thì gặp một số khó khăn như: rơi vào thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới, đồng thời chủ đầu tư cũng nhận thấy việc bố trí TTTM và chợ truyền thống cùng chung một khối là không thích hợp cho công tác quản lý sau này, vì chợ truyền thống sau khi hoàn thành vẫn do đơn vị  nhà nước quản lý. Bên cạnh đó, nếu để chợ truyền thống cùng kinh doanh chung mặt bằng với TTTM thì chi phí hoạt động và chi phí kinh doanh của tiểu thương sẽ phát sinh lớn, khó có thể đảm bảo hiệu quả kinh doanh.  Do vậy, chủ đầu tư đã kiến nghị điều chỉnh dự án, tách bạch TTTM và chợ truyền thống. Chủ đầu tư đã xin chia dự án thành 2 giai đoạn (giai đoạn 1: TTTM gồm 1 tầng lầu, 1 trệt và 1 tầng hầm; chợ truyền thống gồm 1 tầng hầm, 1 trệt và 2 lầu; giai đoạn 2 sẽ thực hiện theo đúng giấy phép xây dựng). Thành phố cũng nhận thấy việc điều chỉnh thiết kế dự án tách chợ truyền thống ra khỏi TTTM sẽ giảm được nhiều chi phí cho tiểu thương về điện, nước và chi phí vận hành hệ thống xử lý nước thải nên đã đề nghị lên tỉnh xem xét cho điều chỉnh thiết kế dự án. Ngày 21-4-2010, UBND thành phố đã có văn bản gửi tỉnh xin điều chỉnh dự án và ngày 8-2-2011, Sở Xây dựng đã cấp phép chấp thuận theo phương án điều chỉnh.

Vào khoảng tháng 10-2011, khi công trình TTTM sắp hoàn thành thì bà con tiểu thương mới biết dự án không còn như trước, vị trí xây dựng chợ truyền thống không đúng như cam kết ban đầu nên đã phản ứng yêu cầu phải bố trí lại mặt bằng buôn bán như trước đây, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện trong nhiều tháng qua.

* Vậy sự thay đổi thiết kế dự án có ảnh hưởng đến tiểu thương ra sao?

- Sự thay đổi thiết kế này dẫn đến có khoảng 30% hộ tiểu thương với 241 sạp lồng chợ phải bố trí mặt bằng kinh doanh trên tầng lầu, thay vì ở tầng trệt. Mặt tiền của chợ truyền thống trước đây hướng ra đường Đồng Khởi nay hướng về đường Nguyễn Ái Quốc và một số hộ không có được địa điểm thuận lợi như trước đây.

* Việc điều chỉnh thiết kế này có công khai và được sự đồng thuận của bà con tiểu thương chợ Tân Hiệp, thưa ông?

- Chủ trương của tỉnh chấp nhận cho thay đổi phương án sắp xếp kinh doanh trên cơ sở cũng phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tiểu thương ổn định kinh doanh và phải có sự đồng thuận cao của bà con. Rất tiếc, điều này đã không được thực hiện. Nguyên nhân là do giữa thành phố cùng các sở, ngành của tỉnh và chủ đầu tư đã không có sự phối hợp chặt chẽ, phân công rõ ràng nên đã không kịp thời thông tin, công khai phương án điều chỉnh và tổ chức lấy ý  kiến của bà con tiểu thương về việc điều chỉnh thiết kế dự án trước khi xây dựng. Tại cuộc đối thoại với bà con tiểu thương vào sáng ngày 28-3 vừa qua, thay mặt UBND TP. Biên Hòa, tôi đã nhận thiếu sót với bà con tiểu thương về vấn đề này.

* Thành phố xử lý các kiến nghị của tiểu thương ra sao?

Cho đến nay đã có 235 hộ trong tổng số 427 hộ đã đồng thuận di dời từ chợ tạm về chợ mới và đã có 104 hộ nhận tiền hỗ trợ di dời. Chủ đầu tư là Công ty Tôn Trung Sơn cũng đã thỏa thuận mua lại được 60 sạp, điểm kinh doanh của tiểu thương.

- Từ cuối năm 2011 cho đến nay, tỉnh đã có nhiều cuộc họp chỉ đạo các sở, ngành chức năng, TP. Biên Hòa và chủ đầu tư lựa chọn phương án sắp xếp đảm bảo lợi ích kinh doanh cho bà con tiểu thương. Do thiết kế kỹ thuật của TTTM hiện nay đã được xây dựng gần như hoàn chỉnh, do vậy việc thay đổi TTTM là rất khó khăn. Phương án tích cực nhất đã được các sở, ngành của tỉnh, UBND thành phố và chủ đầu tư đưa ra là các sạp và ki-ốt được bố trí toàn bộ tại tầng trệt chợ truyền thống, đảm bảo đủ mặt bằng cho 574 điểm của 427 hộ tiểu thương, 3 mặt của TTTM được bố trí 3 dãy ki-ốt dọc theo các tuyến đường Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi và khu phố chợ. Bên trong nhà lồng chợ điều chỉnh giảm một số ki-ốt để tăng số lượng sạp lồng chính và tạo thêm nhiều lối ra vào... UBND thành phố cũng có các chính sách hỗ trợ kinh phí di dời 5 triệu đồng/điểm kinh doanh cho tiểu thương từ chợ tạm về chợ mới;  hỗ trợ toàn bộ tiền thuế hàng tháng cho các hộ kinh doanh có hợp đồng dài hạn trong thời gian 5 năm và cộng thêm thời gian hợp đồng thuê quyền sử dụng sạp 5 năm; miễn tiền thu hoa chi, miễn tiền thu phí giữ xe khách hàng trong thời hạn 5 năm...

* Xung quanh câu chuyện chợ Tân Hiệp, thành phố có rút ra bài học gì, thưa ông?

- Qua vụ việc này, đã cho chúng tôi một bài học, đó là phải nghiêm túc thực hiện tính công khai, minh bạch và dân chủ ở cơ sở. Thành phố cũng như tỉnh rất lo nếu việc này cứ để nhùng nhằng, kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích kinh doanh của bà con tiểu thương và ảnh hưởng đến công tác quản lý an ninh trật tự trên địa bàn. Do vậy, thành phố rất mong bà con tiểu thương tích cực phối hợp, hợp tác cùng thành phố và tỉnh để có phương án ổn thỏa, sớm sắp xếp ổn định chỗ buôn bán để đảm bảo lợi ích kinh doanh cho bà con.

* Xin cám ơn ông.

Xuân Phú (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều