Trong thời điểm kinh tế thế giới khó khăn, thì Bangkok - thủ đô Thái Lan là nơi có thể “móc túi” người tiêu dùng dễ dàng nhất. Và quả thực, nếu không cẩn thận, nụ cười tươi rói của cô bán hàng ở Bangkok, dù ở trung tâm mua sắm lớn như Siam Paragon, MBK hay ở các khu chợ trời - đều có thể khiến khách du lịch “cháy túi” như chơi.
Trong thời điểm kinh tế thế giới khó khăn, thì Bangkok - thủ đô Thái Lan là nơi có thể “móc túi” người tiêu dùng dễ dàng nhất. Và quả thực, nếu không cẩn thận, nụ cười tươi rói của cô bán hàng ở Bangkok, dù ở trung tâm mua sắm lớn như Siam Paragon, MBK hay ở các khu chợ trời - đều có thể khiến khách du lịch “cháy túi” như chơi.
Khách hàng châu Á mua sắm tại trung tâm Siam Paragon. |
“Trú” tại khách sạn Pathumwan Princess ngay trung tâm thủ đô Bangkok chỉ trong 3 ngày, tôi đã hiểu vì sao dân du lịch châu Á thích đến Thái Lan ăn uống, mua sắm. Đơn giản là không bao giờ có điểm dừng cho dân ham mua sắm khi từ các khu trung tâm mua sắm lớn đến chợ trời cứ nối tiếp nhau liên tu bất tận.
* Shopping “không giới hạn”
Chỉ cần “thò” chân xuống sảnh khách sạn và nói với anh tiếp tân rằng muốn mua sắm, thì ngay lập tức bạn được chỉ sang phía tay trái và không cần ra khỏi khách sạn. Sau vài chục bước chân, bạn sẽ “lọt” ngay vào một kho hàng hóa khổng lồ của trung tâm MBK với gần chục tầng lầu bán đủ loại hàng hóa, chủ yếu là thời trang, điện máy, mỹ phẩm, nội thất... Nếu có sức đi hết MBK và muốn đi chỗ khác, không cần gọi taxi, chỉ cần đi bộ, bạn cũng có thể đến các khu trung tâm mua sắm khổng lồ như Siam Discovery, Siam Paragon... được gọi chung là khu Siam, chỉ trong 5 phút. Đơn giản là vì Chính phủ Thái Lan đã cho xây các cầu vượt trên không nối liền các cao ốc nói trên để tăng tính tiện lợi, tránh kẹt xe và nhất là làm cho khách du lịch chi tiền cho hàng hóa và dịch vụ của Thái Lan.
Ngoài ra, các dịch vụ khác tại các trung tâm mua sắm ở Bangkok rất tốt, như: nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, dịch vụ ăn uống phục vụ món ăn nhiều nước khác nhau. Tại mỗi tầng của mỗi trung tâm mua sắm, luôn có một quầy “information” hướng dẫn mọi thông tin cho khách hàng: khu vực hàng hóa chuyên biệt, lối đi, dịch vụ taxi, nhà vệ sinh, khu ăn uống... và tiếp nhận cả những lời phàn nàn của khách. Ở nhiều trung tâm như MBK hay Siam, khách mua hàng trên 1.000 bath có hóa đơn sẽ được phát tặng túi đựng hàng miễn phí. Và tại sân bay, khách sẽ được hoàn thuế VAT nếu mua sắm từ 5.000 bath trở lên trong một ngày (khoảng 3,5 triệu đồng), và bạn có thể cộng dồn nhiều hóa đơn lại với nhau để được hoàn thuế. |
Với câu “slogan” nổi tiếng: “Niềm tự hào của Bangkok”, khu mua sắm Siam Paragon được biết đến như khu mua sắm có diện tích lớn nhất (80.000 m2). Siam Paragon nằm trên phố Sukhumvit tại quảng trường Siam BTS Skytrain, với chi phí đầu tư xây dựng hơn 350 triệu USD, hội tụ vô số các thương hiệu cao cấp nhất, như: Giorgio Armani, Emporio Armani, Chanel, Dolce & Gabbana, Chloé, Bottega Veneta, Jimmy Choo, Bulgari, Hermès, Escada, Gucci, Salvatore Ferragamo, Versace... Ở đây, khách hàng quốc tế chiếm gần một nửa tổng số khách đến mua sắm. Vì vậy, có thể dễ dàng bắt gặp các “nam thanh, nữ tú” từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông... tay xách nách mang toàn hàng hiệu, khoác trên người cũng... toàn hàng hiệu và trình diễn thứ “street style” (thời trang đường phố) đầy ấn tượng. Ngoài ra, Siam Paragon cũng có đầy đủ các tầng lầu bán hàng bình dân muôn hình vạn trạng với xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Phát túi đựng hàng miễn phí tại trung tâm MBK. |
Nếu “đã đời” ở các khu chung quanh với hàng chục tầng lầu bày toàn hàng hóa mà vẫn chưa thỏa mãn, chỉ cần di chuyển bằng taxi từ 5 - 10 phút, bạn có thể đến các khu mua sắm khác chung quanh như Ratchaprasong, bao gồm các khu mua sắm như Central World Plaza chuyên trưng bày vô số các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới cùng với các nhãn hiệu đồ gỗ của Thái Lan; Narai Phand chuyên bán hàng thủ công mỹ nghệ lớn nhất Thái Lan. Bên cạnh đó là khu phức hợp Erawan Bangkok, nơi phục vụ rất nhiều món ăn ngon có chọn lọc của nhiều quốc gia trên thế giới. Nơi đây còn có một loạt các cửa hàng thời trang, các tiệm spa và trung tâm thể dục thẩm mỹ.
Ngoài ra, Bangkok còn có các khu mua sắm khác với nhiều đặc trưng riêng, như: Khu Sukhumvit, khu Silom, khu phố Tây Khaosan..., và đặc biệt là chợ cuối tuần Chatuchak, họp vào thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Đây được xem là vua của tất cả các chợ ở Bangkok nói riêng và của cả... thế giới nói chung. Với hơn 15.000 cửa hiệu trải rộng trên diện tích 14hécta, khu chợ bày bán đủ các loại hàng từ hàng thủ công như chiếu tre, đèn, các loại đồ gia dụng đến đồ tuyệt tác trong tôn giáo, áo gió, hàng nghệ thuật, đồ cổ, thú cưng và các loại cây kiểng.
“Chỉ duy nhất giảm giá cho em !”
Ngay trong khu mua sắm lớn MBK, ngoài hệ thống cửa hàng bên ngoài, siêu thị, các đại lý hàng hiệu..., còn có vài khu nhỏ khá chuyên biệt, chủ yếu chuyên bán các mặt hàng do Thái Lan sản xuất. Khách hàng có thể tìm thấy ở đây các loại hàng trang trí như tượng, mặt nạ, phù điêu, tinh dầu, quần áo sản xuất tại Thái Lan..., và cả những gian hàng bán hàng “nhái” được sản xuất tại Thái, khác với hàng dãy cửa hàng cũng bán hàng nhái thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Louis Vuitton, Chanel... nhưng lại “made in China”, tương tự ở Việt Nam. Ngay khi nhìn thấy chúng tôi, anh bán hàng đon đả: “Em là người Philippines hay người Việt Nam ? Chắc là em ở Việt Nam rồi, vì em... rất đẹp”. Và ngay sau đó là: “Anh chỉ giảm giá cho duy nhất mình em, từ 1.700 bath chỉ còn 1.000 bath thôi” !
Nhiều người khen hàng hóa Bangkok phong phú, giá phải chăng, nhanh cập nhật mẫu mới... nên thu hút khách hàng từ nhiều nước. Tuy nhiên, trong 3 ngày “lê la” khắp các trung tâm MBK, Platinum, Siam Discovery, Siam Paragon, chợ cuối tuần..., tôi hiểu rằng, dịch vụ, thái độ bán hàng chính là điểm cộng khiến shopping ở Bangkok thú vị đến nhường ấy. Không kể mấy anh chàng “lẻo mép” ở MBK, khi đi mua sắm ở đây, chưa lúc nào tôi bắt gặp thái độ khó chịu dù là nhỏ nhất của người bán, từ trong các cửa hiệu cao cấp đến bình dân, dù chúng tôi thử đồ chán chê, trả giá lên xuống mãi mà vẫn không mua. Quá lắm, một người bán hàng ở quầy hàng trang sức chỉ cố gắng nài nỉ: “Đây là hàng “hand made” - tự làm bằng tay - nên giá hơi cao, chị không giảm giá được”. Bạn tôi nhận xét: “Ở đây không có sự khác biệt khi bước chân vào quầy hàng Chanel đắt đỏ hay một gian bán hàng chỉ vài trăm bath một món. Khác ở Việt Nam, bước vào Parkson, Diamond hay Vincom - các trung tâm mua sắm lớn ở TP. Hồ Chí Minh - thái độ người bán thường làm khách hàng có cảm giác bị... coi thường !”.
Nếu không có nhiều tiền và muốn mua sắm với giá phải chăng, đặc biệt là mua sỉ thì khu Pratunam là một lựa chọn thích hợp vì nó được biết đến như khu vực bán hàng may mặc lớn nhất tại Bangkok. Bên trong khu này là siêu thị Platinum Mall bán quần áo giá rẻ, áo thun và các loại đồng phục. Đây là điểm mua sắm hấp dẫn đối với giới bán lẻ, giới bình dân vì nhiều mặt hàng có thể giảm giá mạnh khi mua với số lượng lớn. Nhiều người Việt thường đến đây mua hàng với số lượng khá lớn mang về Việt Nam bày bán, vì nếu mua sỉ, giá một chiếc áo thun chất lượng khá tính ra tiền Việt chưa đến 30 ngàn đồng. Tương tự, khu này cón có chợ Pratunam với vô số các quầy hàng bày bán mọi thứ các loại túi xách, kính mát và các loại nữ trang làm bằng tay cho đến các vật phẩm lưu niệm dành cho gia đình. |
Theo tính toán, mỗi khách quốc tế khi đến Thái Lan mua sắm khoảng 500 USD, và Chính phủ nước này đang tìm cách để nâng số tiền này tăng lên trong thời gian tới bằng nhiều chương trình có tính quốc gia. Điều này khiến các quốc gia lân cận phải xem xét lại, đặc biệt là Việt Nam, khi mỗi khách du lịch bỏ ra bình quân chưa đến 100 USD cho mỗi lần lưu lại Việt Nam.
Vi Lâm