Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm lối ra trong khó khăn

08:02, 19/02/2012

Vào thời buổi làm ăn khó khăn, ông Nguyễn Quang Hộ, Chủ nhiệm HTX Thăng Long (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) lại quyết định đầu tư mạnh cho sản xuất. Theo ông, nếu biết chớp thời cơ vào lúc này, thì đầu tư càng hiệu quả.

 

Vào thời buổi làm ăn khó khăn, ông Nguyễn Quang Hộ, Chủ nhiệm HTX Thăng Long (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) lại quyết định đầu tư mạnh cho sản xuất. Theo ông, nếu biết chớp thời cơ vào lúc này, thì đầu tư càng hiệu quả.

Suốt mấy ngày liền, ông Hộ thường xuyên túc trực bên chiếc máy ép gạch vừa được đầu tư thêm để tăng công suất. Những viên gạch đầu tiên sản xuất ra lò được ông săm soi rất kỹ, chưa vừa ý là ông yêu cầu dừng máy để điều chỉnh lại. Ông Hộ chia sẻ: “ Khi thị trường khó khăn như hiện nay thì chất lượng sản phẩm càng phải được chú ý, nếu không sẽ mất khách”. 

Ông Hộ giới thiệu hệ thống băng chuyền tải gạch từ nhà máy đến sân phơi, giảm bớt công vận chuyển.  Ảnh: V. NAM
Ông Hộ giới thiệu hệ thống băng chuyền tải gạch từ nhà máy đến sân phơi, giảm bớt công vận chuyển. Ảnh: V. NAM

Năm 2011, lạm phát tác động đến ngành xây dựng, nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất gạch phải giảm công suất vì sản phẩm không tiêu thụ được, nhưng gạch của HTX Thăng Long vẫn cứ ra lò đều đều. Lò gạch Hoffman có công suất 32 ngàn viên/ngày luôn đỏ lửa. Để có được điều này, ông Hộ đã phải tính toán khá kỹ các phương án sản xuất. “Tìm công nhân làm gạch bây giờ khó lắm nên tôi cố gắng  mọi cách  tạo việc làm ổn định cho anh em để mọi người yên tâm làm việc. Tôi đưa ra phương án giảm lãi tối đa để duy trì sản xuất. Các công trình lớn đều bị dừng, lúc này tôi không nhắm vào các DN xây dựng lớn mà phải chuyển sang bán sản phẩm cho xây dựng dân dụng. Mỗi viên gạch của HTX bán ra luôn thấp hơn so với các nơi khác, nhờ vậy tiêu thụ đảm bảo” - ông Hộ tâm sự.

Ông khai thác khá triệt để các lợi thế của mình để cạnh tranh. Do nơi sản xuất gạch của HTX gần mỏ đá nên nguồn đất nguyên liệu mua được rẻ (lớp đất sét bóc bề mặt để khai thác đá), ngoài ra việc vận chuyển nguyên liệu gần cũng giảm được chi phí. Không chỉ vậy, ông còn đầu tư máy móc cho các khâu sản xuất góp phần vào hạ giá thành sản phẩm. Đến giữa năm 2011, ông Hộ cho đầu tư thêm một lò Hoffman nữa và một hệ thống sân phơi khá bài bản, do vậy kể cả khi trời mưa, sản xuất cũng không bị ảnh hưởng. Việc bỏ ra gần 2 tỷ đồng vốn đầu tư giữa lúc làm ăn khó khăn cũng là một quyết định táo bạo của ông. Chủ nhiệm HTX Thăng Long đã có lý khi cho rằng vào lúc này vật liệu đều rẻ, đầu tư là hợp lý nhất. Toàn bộ công trình đầu tư mới đã tiết kiệm được hơn 20% so với dự kiến trước đó. Hiện nay, trung bình mỗi ngày HTX Thăng Long xuất lò trên 60 ngàn viên gạch, gấp đôi sản lượng so với đầu năm 2011. Thị trường tiêu thụ gạch đầu năm 2012 cũng “ấm” hơn so với cuối năm ngoái.

Ông Hộ cho biết : “Giá gạch hiện nay vẫn chưa thể tăng được nhưng bán chạy hơn đó cũng là tín hiệu tốt. Toàn bộ vốn đầu tư ở đây là tự có , không sử dụng vốn vay ngân hàng nên đỡ chịu áp lực về lãi vay, nhờ vậy giá gạch xuống thấp vẫn trụ được”.

Từ một người làm gạch thủ công, năm 2002 ông Hộ tham gia vào một HTX sản xuất vật liệu xây dựng cho đến năm 2010 thì đứng ra thành lập HTX Thăng Long chuyên sản xuất gạch nung. Doanh thu của HTX hiện hơn 1 tỷ đồng/tháng với 3 sản phẩm chính là  gạch ống 4 lỗ, gạch đinh và gạch đờ-mi (bằng 1/2 viên gạch ống 4 lỗ). Công nhân sản xuất hiện có 34 người với mức lương thấp nhất 3 triệu đồng/người/ tháng và được HTX lo chỗ ăn ở , không phải mất tiền thuê nhà trọ.

Vân Nam

Tin xem nhiều