Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Phát triển để hạn chế nhập siêu

07:02, 08/02/2012

Là địa phương có tỷ lệ nhập siêu hàng năm trên dưới 1 tỷ USD mà phần lớn là nguyên liệu, máy móc sản xuất, nên giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được Đồng Nai đánh giá là một trong những giải pháp hàng đầu nhằm giảm nhập siêu...

Là địa phương có tỷ lệ nhập siêu hàng năm trên dưới 1 tỷ USD mà phần lớn là nguyên liệu, máy móc sản xuất, nên giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được Đồng Nai đánh giá là một trong những giải pháp hàng đầu nhằm giảm nhập siêu...

Một trong những yếu tố chính làm tăng tỷ lệ nhập siêu và giảm sức hút từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài chính là do CNHT phát triển chậm. Với nhiều ngành có kim ngạch xuất khẩu hàng năm lớn, như: điện - điện tử, may mặc, giày da, cơ khí chế tạo máy…, các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai hàng năm “hấp thu” một lượng lớn linh kiện máy móc, nguyên phụ liệu lớn từ nước ngoài.

* Công nghiệp hỗ trợ ở Đồng Nai đã có từ lâu

Với đặc thù là tỉnh có chiến lược thu hút đầu tư từ rất sớm, Đồng Nai hiện đang đứng đầu các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về tỷ lệ nhập siêu hàng năm (chủ yếu là ở khối DN FDI), bởi nguồn nguyên phụ liệu nhập siêu không chỉ cung ứng cho các DN trong tỉnh mà còn cho cả những DN trong vùng.

Đánh giá của Sở Công thương cho biết, Đồng Nai đã có ngành CNHT từ lâu. Khối DN hoạt động trong ngành này có cả DN trong nước lẫn FDI. Theo đó, CNHT Đồng Nai phát triển theo 2 dạng: Thứ nhất: khi DN có vốn FDI lớn vào Đồng Nai, họ đồng thời kéo theo những DN nhỏ khác đi cùng, từ đó hình thành chuỗi cung ứng linh kiện để phục vụ sản xuất, lắp ráp. Thứ hai: bản thân các DN trong nước, đặc biệt là DN nhỏ và vừa nhận thức được nhu cầu thị trường trong chiến lược sản xuất kinh doanh lâu dài nên quyết định tham gia.

Dệt may là một trong những ngành phải nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn nhất hiện nay, do CNHT ngành này chưa phát triển đồng bộ. Trong ảnh: May xuất khẩu tại Công ty CP may Đồng Tiến (TP. Biên Hòa). Ảnh: V. LÂM
Dệt may là một trong những ngành phải nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn nhất hiện nay, do CNHT ngành này chưa phát triển đồng bộ. Trong ảnh: May xuất khẩu tại Công ty CP may Đồng Tiến (TP. Biên Hòa). Ảnh: V. LÂM

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1,2 ngàn DN, trong đó một nửa hoạt động sản xuất theo những ngành nghề: dệt may, da và các sản phẩm liên quan; hóa chất và các sản phẩm hóa chất, cao su và plastic; kim loại đúc sẵn; điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; xe có động cơ… Lượng DN tham gia vào  ngành CNHT chiếm gần 49% trên tổng số dự án, trong đó doanh nghiệp trong nước gồm 69 dự án (hơn 12%). Riêng số DN hoạt động trong các ngành: dệt, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất chiếm đa số. Đáng kể là ngành dệt đang thu hút lượng vốn đầu tư cao nhất.

Mặc dù được xác định là đã ra đời từ lâu, nhưng cũng như nhiều tỉnh, thành khác, CNHT của Đồng Nai phát triển manh mún, thiếu tập trung. Điều này biểu hiện rõ nhất ở chỗ, Đồng Nai vẫn phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu, phụ liệu từ đơn giản đến phức tạp. Qua đó, tỷ lệ nhập siêu hàng năm luôn xấp xỉ 1 tỷ USD.  

* Công nghệ hỗ trợ còn yếu và thiếu…

Đợt khảo sát mới nhất của Sở Công thương Đồng Nai vào cuối năm 2011 tại nhiều DN trong nước lẫn DN FDI chuyên sản xuất, lắp ráp và cả các DN hoạt động lâu năm trong ngành CNHT cho thấy rõ điều này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, đại diện Công ty KAIFA Việt Nam chuyên gia công và sản xuất phuộc nhún xe gắn máy các loại tại KCN Hố Nai (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) nhận xét, CNHT tại Đồng Nai chưa phát triển mạnh nên ở một số lĩnh vực như: xi mạ, dập định hình…, DN phải liên kết với một số DN tại Bình Dương hoặc TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên vật liệu phải nhập từ nước ngoài về, như: nhôm, sắt…

Cụ thể, Công ty cổ phần Đô Thành Đồng Nai (huyện Long Thành) - DN chuyên lắp ráp xe tải nhãn hiệu Hyundai (Hàn Quốc), mới đi vào hoạt động gần đây thì ngoài những thuận lợi về mặt vị trí địa lý, vận chuyển…, DN phải đối mặt với không ít khó khăn. Đó là thiếu thốn nguồn cung ở nhóm linh kiện được cho là không quá phức tạp như: kính ô tô, sơn, các loại thép bình thường, nhíp xe… từ ngành CNHT trong nước. Chính vì vậy, kiến nghị đầu tiên của DN là tạo môi trường, chính sách tốt để CNHT trong nước phát triển để DN lắp ráp ô tô không phải nhập khẩu những loại linh kiện, chi tiết đơn giản mà trong nước có thể sản xuất. Tương tự, Công ty Spifire Controls Vietnam (KCN Amata - Biên Hòa) - công ty 100% vốn Hoa Kỳ chuyên lắp ráp mạch điện tử điều khiển xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ cho biết, phụ tùng, linh kiện của DN được mua cả trong lẫn ngoài nước. Trong đó, các loại đơn giản, như: vỏ nhựa, bao bì, chi tiết cơ khí... là hàng trong nước và linh kiện điện tử phải nhập từ Đài Loan, Trung Quốc, Singapore... Do vậy, DN rất muốn nội địa hóa hoàn toàn sản phẩm của mình. Song, điểm yếu của các DN cung ứng trong nước là không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thiết bị điện. Bên cạnh đó, mức giá chào hàng cao, chưa có các nhà máy sản xuất linh kiện, như: điện trở, tụ điện... Ngoài ra, những kiến nghị quan trọng của DN đề nghị Nhà nước nên tạo điều kiện tập trung phát triển CNHT cho ngành điện - điện tử. Đánh giá của Công ty TNHH một thành viên An Thành Phát thuộc Công ty CP Trường Hải (KCN Biên Hòa 2) tại đợt khảo sát này cho rằng, mặc dù đứng đầu trong các dây chuyền lắp ráp ô tô trong nước về tỷ lệ nội địa hóa, nhưng thực tế ngành CNHT cho sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam còn quá yếu, thiếu đồng bộ, rải đều từ nhóm cơ khí chế tạo, hóa chất, điện tử, cao su... Do đó, hầu hết các linh kiện, phụ tùng ngành ô tô hiện vẫn phải nhập khẩu ở nhiều chi tiết trong nước chưa thể sản xuất hoặc sản xuất được nhưng chất lượng chưa đảm bảo.

Vi Lâm

 

 

 

 

Tin xem nhiều