Báo Đồng Nai điện tử
En

Tân Phú chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm

08:02, 19/02/2012

Tính đến cuối tuần qua, dịch cúm gia cầm đang bùng phát tại 11 tỉnh, thành phố trong nước, vì thế công tác phòng chống dịch cho đàn gia cầm đã trở nên cấp bách. Tại huyện Tân Phú, Ban chỉ đạo phòng chống dịch hại vật nuôi đã chỉ đạo các địa phương tích cực phòng ngừa, đồng thời tổ chức phun thuốc tiêu độc, sát trùng các điểm chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra.

 

Tính đến cuối tuần qua, dịch cúm gia cầm đang bùng phát tại 11 tỉnh, thành phố trong nước, vì thế công tác phòng chống dịch cho đàn gia cầm đã trở nên cấp bách. Tại huyện Tân Phú, Ban chỉ đạo phòng chống dịch hại vật nuôi đã chỉ đạo các địa phương tích cực phòng ngừa, đồng thời tổ chức phun thuốc tiêu độc, sát trùng các điểm chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra.

Ngay sau khi nghe thông tin dịch cúm gia cầm đang bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh, thành, tuần qua anh Lê Quang Sơn ở ấp 4, xã Phú Điền, đã dùng lưới khoanh nhốt đàn vịt và mua lúa về cho ăn, không thả chạy đồng như trước, đồng thời tiêm ngừa vaccine để phòng dịch bệnh.

* Người chăn nuôi không lơ là

Đàn vịt của anh Lê Quang Sơn có khoảng 2.500 con với trọng lượng từ 2,3 -2,5kg/con và chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là xuất bán. Dự tính, với giá bán tại địa phương 40 ngàn đồng/kg, anh Sơn sẽ thu về trên 200 triệu đồng. Anh Sơn cho biết: “Tôi nuôi vịt đã trên 30 năm nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm phòng trừ dịch. Khi mua vịt con về ươm từ 15 - 20 ngày phải chích vaccine trị bệnh dịch tả, sau đó trong vòng 1 tháng, chích vaccine tụ huyết trùng. Gần đến ngày bán phải chích thuốc phòng dịch thêm một lần nữa và cách ly từ 10 - 14 ngày mới được xuất chuồng. Nói chung, nếu nuôi vịt được phòng dịch bệnh tốt sẽ ngăn ngừa được rủi ro”.

Tiêm vaccine phòng cúm gia cầm cho đàn vịt của anh  Lê Quang Sơn ở ấp 4, xã Phú Điền. Ảnh: M.TÂM
Tiêm vaccine phòng cúm gia cầm cho đàn vịt của anh Lê Quang Sơn ở ấp 4, xã Phú Điền. Ảnh: M.TÂM

Còn với anh Tống Thành Công,  ấp Thanh Thọ 3, xã Phú Lâm, có đàn vịt đẻ hơn 1.000 con, là nguồn thu chính của gia đình anh. Do vậy việc phòng ngừa luôn được anh tuân thủ nghiêm ngặt từ chọn giống đến nuôi. Nhờ đó, đàn vịt đẻ hầu như không bị bệnh, sản lượng trứng luôn đạt trên 90%. Là chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi của xã, anh Công hiểu rõ tầm quan trọng của công tác phòng dịch nên anh thường xuyên theo dõi tin tức trên báo, đài để trao đổi với các thành viên trong CLB. Anh Công cho biết: “Ngày nào tôi cũng theo dõi tin tức trên đài, báo. Ngay sau khi các tỉnh miền Tây phát sinh dịch cúm gia cầm, tôi đã họp với các thành viên trong CLB bàn cách phòng ngừa. Cụ thể phải xịt thuốc chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh nguồn thức ăn và uống cho gia cầm. Trong trường hợp có phát hiện bất thường trong đàn vịt thì phải báo cho chủ nhiệm CLB biết để xử lý kịp thời và phòng ngừa cho các đàn vịt khác”.

* Phòng chống dịch đồng bộ

Theo thống kê của UBND huyện Tân Phú,  trên địa bàn huyện có trên 800 ngàn con gia cầm đang được nuôi. Trong đó có 5 trang trại nuôi tập trung (Phú Thanh 4 trang trại và Phú Xuân 1 trang trại) với tổng đàn gà trên 350 ngàn con và gần 500 ngàn con gia cầm khác được chăn nuôi nhỏ lẻ. Để hạn chế dịch bệnh xảy ra, các ngành chức năng trong huyện đang tập trung vào công tác phòng dịch, vận động người nuôi tăng cường vệ sinh chuồng trại, phun xịt thuốc tiêu độc, khử trùng.

Phó trưởng trạm thú y huyện Tân Phú Trần Huy Hoàng cho biết: “ Vào thời điểm gần Tết Nguyên đán vừa qua, trạm đã lấy mẫu xét nghiệm gia cầm ở một số xã: Phú Điền, Trà Cổ, Phú Lộc, Thanh Sơn , Phú Thanh và hai điểm buôn bán gia cầm tại chợ Phương Lâm và chợ Trà Cổ. Kết quả là âm tính.”.

Anh Trần Huy Hoàng, Phó trưởng trạm thú y huyện, nói: “Từ trước Tết Nguyên đán cho đến nay, Chi cục thú y và Ban chỉ đạo phòng chống dịch hại vật nuôi huyện đã liên tục chỉ đạo việc tổ chức phòng ngừa. Chúng tôi đã có những biện pháp phòng chống dịch trên gia súc và gia cầm. Năm qua, Bộ NN&PTNN không yêu cầu  phải tiêm phòng cúm trên gia cầm nhưng chúng tôi cũng đã tiến hành phun xịt tiêu độc. Trong năm 2011,  chúng tôi đã có 3 đợt tiêu độc với tổng số lượng thuốc 1.595 lít cho 18 xã, thị trấn; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ và kiểm dịch vận chuyển gia súc, gia cầm đi qua địa bàn huyện.

 Cũng theo anh Hoàng, trước tình hình dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố, Tân Phú đã có phương án cho tổ chức tiêm phòng trên tất cả đàn gia cầm. Huyện cũng đã có kế hoạch dự trù thuốc sát trùng của năm 2012 để cấp phát tiếp cho tất cả xã, thị trấn để phun xịt tiêu độc nhằm phòng chống dịch cúm gia cầm hiện nay”.

Yến Nhi - Minh Tâm

 

 

 

Tin xem nhiều