Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng Việt chưa “phủ sóng” chợ

08:02, 20/02/2012

Làm sao để hàng Việt Nam “phủ sóng” tốt ở chợ truyền thống - kênh mua sắm rộng rãi hiện tại của người tiêu dùng Việt Nam - đang là câu hỏi mà cả doanh nghiệp (DN) lẫn các nhà quản lý đều quan tâm. Nhiều DN vẫn ngại tiếng “hàng chợ” dù rất muốn mở rộng thị phần. Đây là chủ đề được rất nhiều DN, nhà quản lý, nhà phân phối… chia sẻ tại tọa đàm “Đưa hàng Việt vào chợ truyền thống” diễn ra vào trung tuần tháng 2 tại TP. Vũng Tàu do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.

Làm sao để hàng Việt Nam “phủ sóng” tốt ở chợ truyền thống - kênh mua sắm rộng rãi hiện tại của người tiêu dùng Việt Nam - đang là câu hỏi mà cả doanh nghiệp (DN) lẫn các nhà quản lý đều quan tâm. Nhiều DN vẫn ngại tiếng “hàng chợ” dù rất muốn mở rộng thị phần. Đây là chủ đề được rất nhiều DN, nhà quản lý, nhà phân phối… chia sẻ tại tọa đàm “Đưa hàng Việt vào chợ truyền thống” diễn ra vào trung tuần tháng 2 tại TP. Vũng Tàu do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.

Nghiên cứu mới nhất của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) về hàng Việt Nam tại các chợ cho thấy một thực tế chung là hàng Việt tại chợ không hiếm, song chưa được người tiêu dùng “nhớ mặt, đặt tên”. Hiện tại, hàng Việt ở nhiều ngành hàng tại các chợ truyền thống đa số vẫn... vô danh.

* Hàng chợ vô danh ?

Nghiên cứu của BSA thực hiện trên nhiều ngành nghề kinh doanh tại các chợ truyền thống đã chỉ ra rằng, chỉ có thực phẩm là hàng Việt chiếm trên 90% cơ cấu hàng hóa, còn lại các ngành hàng khác, tỷ lệ này là không cao. Cụ thể, đối với nhóm hàng mỹ phẩm, hàng Việt chiếm khoảng 40 - 50%; đồ dùng gia đình trên 50%; đồ chơi chỉ khoảng 5%... Riêng hàng vải vóc và quần áo thời trang thì đến người bán cũng không nắm rõ xuất xứ hàng hóa của mình nên hiện chưa phân định được tỷ lệ % cụ thể.

Hàng thời trang ở chợ hiện có rất ít thương hiệu Việt uy tín. Ảnh: V. LÂM
Hàng thời trang ở chợ hiện có rất ít thương hiệu Việt uy tín. Ảnh: V. LÂM

Về chất lượng và độ cạnh tranh, theo nhận xét của người bán và chỉ xét riêng đối với các loại hàng hóa 100% Việt Nam - tức sản xuất hoàn toàn ở Việt Nam và mang thương hiệu Việt (tạm gọi là hàng thuần Việt) - có thể thấy một số điểm yếu sau: cam kết uy tín còn thấp (ban đầu hàng tốt, sau đó chất lượng giảm dần), lợi nhuận và chiết khấu thấp hơn so với hàng liên doanh và hàng ngoại, giao hàng thiếu ổn định, hỗ trợ quảng cáo ít, mỏng về khuyến mãi và các hoạt động hỗ trợ người bán hàng...

Ngoài các ý kiến về cách bán hàng Việt vào chợ, ý kiến của lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh Bình Dương, Long An, TP. Hồ Chí Minh còn cho rằng, cần cải thiện cơ sở vật chất, hạ tầng và quan trọng nhất là thói quen buôn bán của tiểu thương, vì đây chính là một trong những rào cản lớn nhất khiến hàng chợ “mất giá”. Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng giám đốc của Tập đoàn Dệt may Vinatex cũng cho rằng, chỉ khi chợ truyền thống trở nên sạch đẹp, tiểu thương giảm “nói thách” và thái độ phục vụ khách hàng hòa nhã hơn thì hàng Việt Nam mới trụ lại lâu bền.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA kiêm Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao nhận xét, hiện tại tâm lý người tiêu dùng không còn quá sính ngoại và họ chấp nhận mua hàng Việt có thương hiệu tại chợ, song không phải dễ tìm vì rất nhiều loại hàng Việt vẫn được bày bán ở chợ, nhưng không có thương hiệu rõ ràng. Đơn cử ở hàng may mặc, một là không có nhãn hiệu dù là hàng trong nước, hai là “núp bóng” dưới mác hàng Thái Lan, Hồng Kông... là điều dễ thấy.

* Làm sao bỏ mặc cảm “hàng chợ” ?

Một số DN khi được hỏi đều cho rằng, chợ truyền thống luôn là thị trường hấp dẫn, song một thực tế là hàng hóa ở đa số chợ hiện nay khá “bát nháo” với đủ loại xuất xứ và chất lượng không đảm bảo. Do đó xuất hiện tâm lý sợ mang tiếng là “hàng chợ” ở các DN đã có tiếng tăm về hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng may mặc, tiêu dùng... Bà Kim Hạnh thừa nhận đây là thực tế đang diễn ra khi bà trao đổi với lãnh đạo nhiều DN Việt Nam nổi tiếng. Chính vì ngại điều đó, nên nhiều mặt hàng thời trang chất lượng, có thương hiệu hầu như đều phân phối thông qua hệ thống cửa hàng riêng, dù vẫn ít ỏi so với tiềm lực sản xuất. Vậy có cách nào để hàng Việt Nam uy tín vẫn vào được chợ?

Về điều này, một chuyên gia của BSA cho rằng, nếu sợ “mác” hàng chợ, DN có thể nghĩ đến việc phát triển một nhánh hàng hóa dành riêng cho chợ truyền thống với giá cả và cách phân phối hợp lý, bên cạnh các nhãn hàng đã tạo dựng được tên tuổi của mình. Bởi nếu bỏ qua kênh này, sân chơi đương nhiên sẽ thuộc về hàng nhập giá rẻ - vốn là “đối thủ” mạnh nhất hiện nay của hàng Việt Nam.

Điều này cũng được ông Bùi Đình Thắng - Phó tổng giám đốc Công ty cân Nhơn Hòa đồng tình. Bản thân ông Thắng cũng cho rằng, với cách quản lý hàng hóa hiện tại ở chợ truyền thống thì việc DN sợ “mang tiếng” cũng là hợp lý, song vẫn không nên bỏ lửng thị trường này. “Hàng vào chợ nhất thiết phải có thế mạnh về giá, bán hàng bằng hóa đơn rõ ràng để kiểm soát số lượng hàng và chất lượng đảm bảo” - ông Thắng hiến kế. Cũng theo đó, sắp tới Nhơn Hòa sẽ đẩy mạnh phân phối hàng vào kênh này.

Dấu hiệu nhận biết hàng Việt chưa rõ ràng

Nghiên cứu của BSA cũng cho thấy, tại nhiều chợ truyền thống, hàng Việt Nam được đánh giá cao và tin tưởng hơn so với hàng nhập giá rẻ. Tuy nhiên, khi hỏi dấu hiệu nào để họ nhận biết được hàng Việt thì hầu hết người tiêu dùng đều bối rối. Họ chỉ dựa vào một số yếu tố theo cảm nghĩ là hàng Việt; kinh nghiệm; tên nhãn hiệu; có tiếng Việt trên bao bì; theo lời người bán… Hàng Việt hiện tại được người tiêu dùng quan niệm là hàng sản xuất tại Việt Nam (kể cả các sản phẩm của các công ty đa quốc gia mang thương hiệu ngoại). Xét ở mặt này, hàng thuần Việt (100% gốc Việt) rất ít có mặt ở chợ truyền thống, hoặc không thể nhận diện. Ngay cả các DN được chứng nhận là hàng VN chất lượng cao thì logo và cách nhận diện cũng chưa thực rõ ràng. Chính vì vậy, trong phần kiến nghị, BSA cũng đề nghị DN, truyền thông nên chú trọng đề cập, giới thiệu hàng thuần Việt nhiều hơn.

Gia Hân

Vi Lâm

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều