Chỉ trong hơn 1 tháng, giá gas bán lẻ đã tăng thêm tổng cộng 74 ngàn đồng/bình loại 12 kg, tương đương mỗi kg gas bán lẻ tăng trên 6 ngàn đồng so với cuối năm 2011. Là loại nguyên liệu mang tính “nền tảng” của nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh, việc giá gas tăng quá mạnh khiến cả doanh nghiệp (DN) lẫn người tiêu dung đều gặp khó khăn...
Chỉ trong hơn 1 tháng, giá gas bán lẻ đã tăng thêm tổng cộng 74 ngàn đồng/bình loại 12 kg, tương đương mỗi kg gas bán lẻ tăng trên 6 ngàn đồng so với cuối năm 2011. Là loại nguyên liệu mang tính “nền tảng” của nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh, việc giá gas tăng quá mạnh khiến cả doanh nghiệp (DN) lẫn người tiêu dung đều gặp khó khăn...
Với lý do thuế nhập khẩu tăng, giá gas nguyên liệu trên thế giới tăng, nhiều hãng gas trong nước đã điều chỉnh giá bán lẻ một cách rất “kịp thời” khi đầu tháng 1-2012, loại hàng này đã tăng liên tục 2 lần với tổng mức 32 ngàn đồng/bình 12 kg. Đến đầu tháng 2, gas lại tiếp tục tăng thêm 42 ngàn đồng/bình 12 kg, khoảng trên 10% so với giá cũ. Trong khi đó, theo nhận định của cơ quan chức năng, với giá tăng như hiện nay thì nạn gas giả nhiều khả năng có nguy cơ bùng phát.
* Người tiêu dùng bức xúc
Hiện tại, một bình gas 12 kg trên thị trường - tùy vào thương hiệu hiện có giá từ 430 - 470 ngàn đồng/bình. Đây sẽ là khoản chi không nhỏ đối với người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Chị Năm Cúc, nhà ở KP3, phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa tính toán: “Chỉ trong hơn 1 tháng, giá gas lên 3 lần và hiện đã gần 500 ngàn đồng/bình. Gia đình tôi bán đồ ăn sáng, mỗi tháng dùng hết khoảng 3 bình gas loại 12kg, với mức tăng này, mỗi tháng tôi phải mất thêm gần 250 ngàn đồng tiền gas. Từ đó, giá đồ ăn chắc cũng phải tính lên thì mới có thể có lãi!”.
Gas là mặt hàng thiết yếu đối với nhiều gia đình nhưng gần đây liên tục tăng giá. Ảnh: V. LÂM |
Nhiều bà nội trợ khi được hỏi đều bức xúc, khi trung bình mỗi tháng một gia đình sử dụng hết khoảng 1 bình gas cho nhu cầu nấu nướng hàng ngày. So với thời điểm đầu năm 2011 thì giá gas loại bình 12kg đã tăng trên 30%. Nếu cộng thêm hàng loạt các khoản chi tiêu khác gần đây cũng tăng như: điện, sữa, thực phẩm, dịch vụ ăn uống... thì mức chi phí của người tiêu dùng là khá cao. Chị Mai Như Ngọc, nhà ở KP4, phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa cho biết, với đồng lương công nhân của cả 2 vợ chồng, trong chi tiêu hàng ngày mỗi thứ tăng giá một chút, thực sự là gánh nặng. Chị Ngọc bộc bạch, nếu giá gas vẫn không giảm, buộc phải tìm các giải pháp đun nấu khác như dùng than tổ ong hoặc bếp từ để tiết kiệm.
* Doanh nghiệp mệt mỏi
Không chỉ người tiêu dùng, các ngành sản xuất, dịch vụ cũng chịu ảnh hưởng lớn từ việc giá gas tăng cao đột ngột. Đáng kể là lĩnh vực kinh doanh ăn uống, nhà hàng khách sạn. Ông Thắng, chủ 2 nhà hàng nhãn hiệu Kaiserin có quy mô khá lớn ở TP. Biên Hòa cho biết, mỗi tháng, 2 cơ sở kinh doanh của ông tiêu thụ khoảng 45 triệu đồng tiền gas. Thời gian tới, chỉ tính mức tăng mới nhất, tiền gas sẽ tăng thêm trên 5 triệu đồng/tháng. Như vậy, cùng với các khoản phí khác gồm: điện, thực phẩm... thì việc giữ giá bán để cạnh tranh là điều không dễ trong bối cảnh ngành dịch vụ này đang có chiều hướng sụt giảm doanh thu. Nguyên nhân cơ bản là do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng buộc phải giảm bớt chi tiêu.
Nguy cơ gas giả, gas kém chất lượng gia tăng Ông Phạm Đắc Hùng, Đội trưởng Đội chống hàng giả (Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Đồng Nai) nhận xét, giá gas tăng càng cao thì nguy cơ gas giả hoành hành càng lớn. Cơ bản là lợi nhuận từ cách làm ăn kiểu này rất cao. Hiện tại, gas giả nhãn hiệu, thiếu trọng lượng, kém an toàn... là vấn đề khá đau đầu đối với lực lượng QLTT. Theo ông Hùng, công nghệ sản xuất gas giả hiện tại đã được rút ngắn thời gian và phân bố công đoạn, đến mức cơ quan chức năng rất khó “bắt giò”. Ví dụ, gas được chở đến trạm sang chiết và chỉ trong vòng 10 -15 phút, khí đốt được bơm vào bình bằng vòi chuyên dụng. Bơm gas xong, công đoạn đóng niêm phong bình cũng được thực hiện ngay trên xe rồi chạy thẳng đến nơi phân phối. Tất cả diễn ra rất chóng vánh và cơ quan chức năng khó lòng phát hiện... Gia Hân |
Nhiều DN sản xuất có sử dụng gas khi được hỏi cũng cho rằng, giá gas đột ngột tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận, mà nhiều đơn hàng đã ký có khả năng chịu lỗ. Ông Nguyễn Viết Bình, Giám đốc Công ty CP gốm Việt Thành (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) thẳng thắn nói: “Mỗi tháng DN sử dụng hết khoảng 50 tấn gas để đốt lò nung. Khi giá gas tăng hơn 10% (trong đợt tăng mới nhất) thì DN có khả năng phải chịu hòa vốn, thậm chí lỗ ở những đơn hàng đã ký trong Tết. Theo đó, chi phí gas chiếm khoảng 40% giá thành sản phẩm gốm, vì vậy tăng giá gas cũng đồng nghĩa với giá thành vượt khung, DN hết lãi. Hiện tại, với các đơn hàng đã ấn định giá cả, việc thỏa thuận điều chỉnh lại giá là vô cùng khó. Vì vậy, DN sẽ phải cầm cự một thời gian. Sắp tới, nếu gas vẫn đứng ở mức giá này, chúng tôi không còn cách nào khác, buộc phải tăng giá các mặt hàng sản xuất…”.
Tương tự, bà Bùi Thị Kim Nguyên, Phó chủ nhiệm HTX gốm sứ Thái Dương (TP. Biên Hòa) cho biết, khi ký những đơn hàng gần đây, Thái Dương cũng tính đến việc giá gas tăng, song chỉ chút ít. Do đó khi gas sốt giá, DN đành “ngậm ngùi” chịu lỗ vì thương thảo lại đơn giá là điều “bất khả thi”, nhất là các hợp đồng xuất khẩu gốm đi nước ngoài, đối tác yêu cầu phải giữ ổn định giá trong vòng 6 tháng. “Bước sang năm 2012, hoạt động của ngành gốm tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng ít. Vì vậy, khi giá gas tăng mạnh, việc làm ăn khó có thể thuận lợi bởi đơn hàng mới chỉ lác đác…” - Bà Nguyên chia sẻ.
Vi Lâm