Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp về nông thôn

09:02, 22/02/2012

Tuy phải bỏ thêm chi phí vận chuyển, công tác đào tạo, quản lý, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chọn đầu tư nhà máy tại nông thôn vì muốn có nguồn lao động ổn định. Tuy nhiên, mong muốn này cũng không dễ thực hiện khi ngày càng nhiều DN về nông thôn cùng vào cuộc chạy đua thu hút lao động.

Tuy phải bỏ thêm chi phí vận chuyển, công tác đào tạo, quản lý, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chọn đầu tư nhà máy tại nông thôn vì muốn có nguồn lao động ổn định. Tuy nhiên, mong muốn này cũng không dễ thực hiện khi ngày càng nhiều DN về nông thôn cùng vào cuộc chạy đua thu hút lao động.

Chị Võ Thị Thu, chủ cơ sở may mặc T&D, cho biết xưởng may do mấy chị em hùn vốn, chuyên sản xuất các loại quần đùi xuất khẩu. Thời gian đầu lập xưởng may ở Sài Gòn, mấy năm trở lại đây cơ sở chuyển hoạt động sản xuất về xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ vì muốn nguồn lao động ở đây  không quá căng thẳng như ở  nội ô thành phố.

* Tìm lao động tại chỗ

Theo đại diện của Công ty Fashion Garment, một DN do Mỹ và Srilanka hợp tác đầu tư, có trụ sở chính tại KCN Biên Hòa 1 và chi nhánh ở KCN Biên Hòa 2, lý do chính mà DN chọn huyện Tân Phú và Cẩm Mỹ  mở thêm chi nhánh là vì lợi thế về nguồn lao động tại chỗ. Thực tế cho thấy, công tác tuyển lao động cho nhà máy ngay tại địa phương thuận lợi hơn nhiều.  Hiện nay ở Biên Hòa, mỗi đợt thông báo tuyển dụng lao động DN tiếp nhận không quá 10 bộ hồ sơ. Trong khi chi nhánh Fashion Garment  - Xuân Tây chuẩn bị đi vào hoạt động với quy mô khoảng 600 công nhân, khi thông báo tuyển dụng trên địa bàn 5 xã của huyện Cẩm Mỹ đã nhận được rất nhiều hồ sơ xin việc. Hiện DN đang tổ chức đào tạo khoảng 100 lao động trong đợt 1. Chính vì vậy, dù trình độ lao động nông thôn còn yếu, nhất là ý thức tác phong công nghiệp chưa cao nhưng DN vẫn chi mạnh tay cho công tác đào tạo.

Dù chỉ cần hơn 20 công nhân, nhưng cơ sở may mặc T&D vẫn khó khăn tìm lao động ở nông thôn.  Ảnh: B. Nguyên
Dù chỉ cần hơn 20 công nhân, nhưng cơ sở may mặc T&D vẫn khó khăn tìm lao động ở nông thôn. Ảnh: B. Nguyên

 Ông Nguyễn Quang Vũ, chủ Công ty Nam Bình Minh, cho biết đặc trưng ngành giày da cần nhiều lao động nên khi mở thêm xưởng sản xuất ông đã chọn Phú Lý, một xã vùng sâu của huyện Vĩnh Cửu. Tuy DN phải chịu thêm nhiều khoản chi phí vận chuyển, quản lý nhưng có lợi thế về nguồn lao động ổn định. Thời trước, thanh niên nông thôn rủ nhau đi tìm việc làm tại các khu công nghiệp ở đô thị. Nhưng khi có DN đầu tư tại địa phương, nhiều người đã quay trở về. Ngoài thanh niên trẻ, DN thu hút cả người gần tới tuổi trung niên, do vậy công tác đào tạo mất nhiều thời gian hơn nhưng lực lượng lao động lại ổn định hơn.

* Thị trường lao động  ngày càng “nóng”

Nhiều DN về nông thôn đã dẫn đến thu hút nguồn nhân lực tại chỗ cũng có khó khăn. Chị Thu cho biết, chỉ cần hơn 20 người nhưng hiện cơ sở may mặc T&D luôn thiếu công nhân. Thời gian trước, chỉ mùa cao điểm, đơn hàng nhiều mới thiếu người làm nhưng giờ đã trở thành chuyện hàng ngày. Bản thân chủ cơ sở cũng là thợ chính trong chuyền may, thường xuyên tăng ca đêm mà nhiều đơn hàng vẫn lo không kịp giao đúng thời hạn. Cơ sở phải lôi kéo một số công nhân quê ngoài Bắc đang làm việc ở Sài Gòn về, bao ăn ở để giữ chân lao động nhưng sau khi về quê nghỉ Tết đến giờ vẫn chưa có người quay lại. Thời gian đầu, cơ sở còn kén chọn lao động, đến nay ai xin vào làm cũng nhận miễn là có thể gắn bó lâu dài.

Cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn lao động, ông Trương Nguyễn Bảo, Phó giám đốc Công ty TNHH Huy Minh, chuyên bóc tách hạt điều chia sẻ, DN cần tuyển thêm hơn 50 lao động nhưng treo bảng tuyển dụng từ trước Tết Nguyên đán đến nay thì chỉ có vài bộ hồ sơ xin việc. Nguyên nhân, tâm lý nhiều thanh niên nông thôn thích đi làm tại các khu công nghiệp ở đô thị. Mặt khác, những năm gần đây, ngày càng nhiều DN đưa hoạt động sản xuất về nông thôn tạo nên sự cạnh tranh thu hút lao động, nhất là công nhân có tay nghề.

“DN rất cần công nhân có kinh nghiệm về may mặc vì yêu cầu công việc không chỉ biết may thành thạo mà phải đáp ứng cả về tốc độ. Nhưng cả trăm bộ hồ sơ xin việc chỉ vài ba người được xếp vào bậc thợ. Lao động có trình độ càng khó tuyển. Đến nay, DN hầu như vẫn chưa tìm được người cho các vị trí quản lý, ngay cả tìm y tá làm việc tại nhà máy cũng khó khăn”-  đại diện Công ty Fashion Garment nói.

Nhân công giá rẻ không còn là lợi thế với các DN đầu tư ở vùng nông thôn. Nhiều DN đã quan tâm thực hiện tốt chính sách lương thưởng để giữ chân lao động. Tuy ở vùng nông thôn nhưng không ít DN mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. 

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích