Báo Đồng Nai điện tử
En

Điện ra đồng: Nông dân tăng vụ

10:02, 15/02/2012

Trước đây, nhiều cánh đồng ở huyện Định Quán không có khả năng xây dựng các công trình thủy lợi nên đến mùa khô phải bỏ hoang. Nhưng từ năm 2009 đến nay, chương trình “đưa điện ra đồng” được thực hiện, nhiều cánh đồng của huyện được phủ kín màu xanh bát ngát...

Trước đây, nhiều cánh đồng ở huyện Định Quán không có khả năng xây dựng các công trình thủy lợi nên đến mùa khô phải bỏ hoang. Nhưng từ năm 2009 đến nay, chương trình “đưa điện ra đồng” được thực hiện, nhiều cánh đồng của huyện được phủ kín màu xanh bát ngát...

Nhờ nước tưới bằng điện, anh Trần Hữu Ngọc đã tăng diện tích đất canh tác vụ đông xuân. Ảnh: V.N
Nhờ nước tưới bằng điện, anh Trần Hữu Ngọc đã tăng diện tích đất canh tác vụ đông xuân. Ảnh: V.N

Từ ngày đồng ruộng có điện, nông dân huyện Định Quán sản xuất thêm vụ đông xuân đạt hiệu quả khá. Mỗi cánh đồng tăng thêm vụ, đồng nghĩa với giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên hàng tỷ đồng, giúp người nông dân có thêm thu nhập.

* Nông dân thu nhập tăng

Tính từ năm 2009 trở về trước, trên cánh đồng ấp Hòa Đồng (xã Ngọc Định), sau khi thu hoạch xong lúa vụ 2, trên cánh đồng có diện tích 150 hécta này trơ gốc rạ. Toàn bộ đất đai khi ấy bỏ hoang cho tới mùa mưa năm sau mới được gieo trồng trở lại. Thế nhưng từ vụ đông xuân 2010-2011, hệ thống điện được xây dựng đến tận nơi đây, nông dân liền bắt tay vào sản xuất thêm một vụ nữa. Anh Trần Hữu Ngọc đã nhiều năm gắn bó với ruộng đồng ở khu vực này cho biết, vụ đông xuân vừa rồi, tức từ khi điện về cánh đồng, anh trồng 7 sào bắp. Vì lần đầu canh tác bắp đông xuân nên thiếu kinh nghiệm, do đó năng suất không cao. Tuy nhiên, anh Ngọc vẫn thu nhập được hơn 30 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 14 triệu đồng. Theo anh Ngọc, giá trị sản xuất một vụ bắp cao hơn nhiều lần trồng lúa. Dạo trước, hàng năm anh Ngọc trồng hai vụ lúa, thu hoạch tổng cộng khoảng 30 triệu đồng, chỉ lãi từ 10-12 triệu đồng. Thấy rõ hiệu quả của việc trồng bắp, vụ đông xuân này anh Ngọc thuê thêm 4 sào ruộng, nâng diện tích sản xuất bắp lên 1,1 hécta, hiện phát triển xanh tốt.

Từ khi có điện về đồng, chiếc máy bơm nước chạy bằng dầu của anh Nguyễn Thanh Phong đã bị lãng quên.
Từ khi có điện về đồng, chiếc máy bơm nước chạy bằng dầu của anh Nguyễn Thanh Phong đã bị lãng quên.

Tương tự như ở Hòa Đồng, nông dân ấp Hiệp Lợi (thị trấn Định Quán) gần đây không “thất nghiệp”, chính là nhờ vào nguồn điện đã về tận nơi sản xuất. Nói về hiệu quả khi điện về cánh đồng Hiệp Lợi, ông Đoàn Văn Trí bộc bạch: “Chỉ tính vụ đông xuân, nếu trồng bắp sẽ có thu nhập gấp đôi so với lúa. Nhưng khi trồng hàng bông (bầu, bí, dưa, khổ qua, đậu ăn trái…), nông dân thu lợi có thể cao hơn gấp 4 - 5 lần”. Đơn cử như vụ đông - xuân vừa qua, gia đình ông Trí trồng 1 hécta dưa hấu, thu vào 120 triệu đồng, lãi gần 60 triệu đồng. Cũng đạt lợi nhuận khá trong sản xuất nông nghịêp là trường hợp chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh ở cánh đồng ấp 6 (xã Gia Canh). Nhờ vào nguồn điện nên vụ đông xuân 2010 - 2011, gia đình chị Oanh trồng 1 hécta bắp, đạt hơn 8 tấn, bán được 50 triệu đồng. Chị  Oanh cho hay, trước khi điện được kéo ra cánh đồng, mỗi vụ đông xuân chỉ có khoảng 1/4 diện tích nơi đây được canh tác, còn lại bỏ hoang. Nhưng hiện tại, diện tích sản xuất quanh năm, gần như phủ kín một màu xanh. Điều này cũng có nghĩa, nông dân không còn “ngồi chơi” như trước. 

* Sản xuất ổn định…

Giữa tháng 2 trời nắng gay gắt, song trên cánh đồng ở ấp 6 thuộc xã Gia Canh, nông dân hồ hởi bên những chiếc máy tưới sử dụng điện. So sánh giữa chi phí khi tưới hoa màu sử dụng điện với chạy máy dầu, anh Nguyễn Thanh Phong, nông dân đang miệt mài sản xuất trên cánh đồng này khẳng định, sử dụng máy dầu tưới cây mỗi ngày tốn khoảng 150 ngàn đồng, còn tưới bằng điện chỉ mất hơn 20 ngàn đồng. Ngoài ra, khi khởi động máy nổ (quay máy bằng tay) thì phụ nữ không làm được, vì thế rất bất tiện. Anh Phong tâm sự, nếu không có nguồn điện về tới cánh đồng, người nông dân khó lòng sản xuất vụ đông xuân như ý muốn.

Từ năm 2010, huyện Định Quán đưa ra chính sách hỗ trợ 100% giống bắp đối với các hộ đầu tiên sản xuất vụ đông xuân. Chính sách khá hấp dẫn này đã giúp nhiều nông dân mạnh dạn hơn trong việc sản xuất. Vụ đông xuân 2011 - 2012, huyện Định Quán tiếp tục hỗ trợ giống cho nông dân mới tham gia lần đầu với tổng diện tích trên 310 hécta. Để sản xuất đạt hiệu quả, cán bộ nông nghiệp của huyện xuống tận đồng để tập huấn về kỹ thuật trồng bắp cho các hộ dân...

Đánh giá về việc đầu tư hệ thống điện sản xuất tại những cánh đồng, anh Ngô Văn Tài, Phó phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, trong 3 năm (2009-2011) thực hiện chương trình đưa điện ra đồng, huyện Định Quán đã đầu tư lưới điện trung, hạ thế cho 16 cánh đồng của 8 xã với tổng chiều dài trên 46km đường dây. Tổng giá trị đầu tư vào hệ thống lưới điện này hơn 19 tỷ 300 triệu đồng. Theo kế hoạch, trong năm 2012, Định Quán tiếp tục xây dựng các công trình điện tại 8 cánh đồng của 4 xã, gồm: Túc Trưng, Suối Nho, Phú Túc và Phú Vinh với chiều dài 25,4km, trong đó 9,4km đường dây trung thế và 16km hạ thế. Những cánh đồng huyện đầu tư lưới điện hoàn toàn không thể xây dựng được công trình thủy lợi. Nếu để tự nông dân mua máy nổ và khoan giếng lấy nước sản xuất thì vốn ban đầu bỏ ra khá cao, ít người có thể thực hiện được. Điều đó được minh chứng, trong suốt nhiều năm qua nhiều diện tích trên các cánh đồng này đều bị... phơi nắng. “Không chỉ vậy, chi phí tưới cây bằng máy dầu cao hơn rất nhiều so với điện nên khó khuyến khích được nông dân mặn mà với vụ đông xuân. Chính vì vậy, người nông dân vốn chăm chỉ, lo chí thú làm ăn nhưng thời gian qua, sản xuất cơ bản chỉ nhờ vào nước trời nên hầu hết phải bằng lòng với cuộc sống khó khăn kéo dài. Nhưng kể từ khi có điện, vào vụ đông xuân, các cánh đồng đều rộn ràng hơn, nông dân hăng hái hơn vì sản xuất được ổn định...” - anh Tài nói. 

Vân Nam

 

 

 

Tin xem nhiều