Nhiều người ở chợ Bửu Long (phường Bửu Long, TP. Biên Hòa) vẫn gọi người phụ nữ ngồi bán rau quả ngay đầu chợ bằng cái tên thân mật: bà Ba, cô Ba. Bà Ba giờ đã 72 tuổi, có gần 30 năm gắn bó với ngôi chợ này.
Bà Ba đang bán hàng. |
Nhiều người ở chợ Bửu Long (phường Bửu Long, TP. Biên Hòa) vẫn gọi người phụ nữ ngồi bán rau quả ngay đầu chợ bằng cái tên thân mật: bà Ba, cô Ba. Bà Ba giờ đã 72 tuổi, có gần 30 năm gắn bó với ngôi chợ này.
Bà Ba vốn là cô thôn nữ miền đất Gò Công (Tiền Giang). Khi gia đình gặp khó khăn, bà Ba một mình rời quê lên Sài Gòn mưu sinh. Sau ngày miền Nam giải phóng, bà lập gia đình rồi về sống ở quê chồng tại Biên Hòa. Bao nhiêu năm qua, bà bươn chải mưu sinh với nghề buôn bán, lúc là gian hàng tạp hóa, lúc bán thức ăn, đồ uống, khi bán rau quả.
Bà Ba có vẻ ngoài hiền lành, chất phác của phụ nữ vùng sông nước Nam bộ. Chồng bà chỉ làm thuê làm mướn, lúc nào cũng xoay quanh công việc, chưa ở không bao giờ. Hồi còn trẻ, họ chăm chỉ làm ăn và dành dụm từng chút nên sửa được mái nhà lụp xụp. Không có con cái, hai vợ chồng già sống nương tựa lẫn nhau. Bây giờ cao tuổi, sức yếu nhiều nhưng bà Ba vẫn cố gắng không bỏ buổi chợ nào để có đồng ra đồng vào lo cho cuộc sống. Nhắc lại thời gian đầu ra chợ, bà Ba không khỏi bùi ngùi, vì hồi ấy chợ Bửu Long chỉ lèo tèo vài người buôn bán, nhưng bạn hàng ai cũng giúp đỡ nhau bươn chải, vượt qua những lúc khó khăn.
Mỗi ngày, cứ độ 5 giờ sáng, bà Ba dắt xe đạp ra khỏi nhà để đến chợ đầu mối lấy hàng. Những buổi tối trời, mắt mờ bà phải xuống dắt xe đi bộ. Hàng hóa bà bán gom góp lại chỉ hơn chục kg trái cây các loại, vài trái bưởi, nải chuối, mấy quả xoài. Có khi là chục trứng gà ta, đôi ba trái ngâu, trái mít của người quanh xóm gửi bán. Thu nhập mỗi buổi chợ chỉ dăm ba chục ngàn đồng nhưng bà vẫn chăm chỉ với công việc. Bà chỉ mong mình luôn còn sức khỏe, làm được việc để vẫn có thể tự lo cuộc sống cho hai vợ chồng già.
Bình Nguyên