Đến thời điểm này, thị trường Tết bắt đầu khởi động; các doanh nghiệp (DN) sản xuất bánh kẹo đã và đang triển khai kinh doanh trong mùa làm ăn cuối năm. Tuy nhiên, các cơ sở, DN sản xuất vừa và nhỏ hiện gặp nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh tại thị trường đô thị…
Đến thời điểm này, thị trường Tết bắt đầu khởi động; các doanh nghiệp (DN) sản xuất bánh kẹo đã và đang triển khai kinh doanh trong mùa làm ăn cuối năm. Tuy nhiên, các cơ sở, DN sản xuất vừa và nhỏ hiện gặp nhiều khó khăn trong cuộc cạnh tranh tại thị trường đô thị…
Chị Nguyễn Thị Chín, tiểu thương chợ Tân Hiệp cho biết, chiếm lĩnh thị trường bánh kẹo Tết năm nay đều là những thương hiệu Việt Nam, còn bánh kẹo ngoại chiếm thị phần thấp vì giá quá cao. Chị Chính nhận định, người tiêu dùng bây giờ rất khó tính và khá kỹ trong lựa chọn thực phẩm. Bánh kẹo do các cơ sở nhỏ lẻ khó chen chân tại thị trường đô thị mà chủ yếu bán ở các vùng nông thôn.
* Nông thôn là thị trường chính
Bà Phạm Thị Sơn, chủ cơ sở kẹo Yến Nhi (Biên Hòa) chia sẻ, nhiều năm nay sản phẩm kẹo Yến Nhi đã vào được siêu thị, thị phần bán ở đô thị cũng tăng trưởng tốt nhưng nông thôn vẫn luôn là thị trường chính. Hiện khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh tiêu thụ hơn 60% sản lượng hàng do cơ sở sản xuất. Tình hình sản xuất trong năm và mùa Tết này DN được mùa là nhờ vào sức tiêu thụ tại nông thôn.
Cơ sở sản xuất kẹo Yến Nhi tạo dựng tên tuổi nhờ uy tín chất lượng. Ảnh: B. Nguyên |
Tương tự, ông Liu Tác Sáng, Giám đốc DN tư nhân Thuận Hương (Định Quán) nhận xét, sản phẩm của DN có mặt ở siêu thị, chủ yếu để tăng uy tín thương hiệu. Riêng hiệu quả trong kinh doanh, thực tế vẫn từ các chợ truyền thống, nhất là vùng nông thôn. Mục tiêu của Thuận Hương là phục vụ người dân nông thôn. Chính vì vậy, DN tập trung sản xuất vào phân khúc giá bình dân, đưa ra nhiều loại hàng trọng lượng nhỏ để ai cũng dễ dàng mua được. Theo ông Sáng, Thuận Hương luôn đặt nền tảng hoạt động nhắm tới vùng nông thôn, để DN từng bước tạo cơ sở vững chắc, tiến đến cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả vào thị trường thành thị.
* Nỗ lực “chen chân” vào đô thị
Đánh giá về khả năng cạnh tranh trên thị trường đô thị đối với DN vừa và nhỏ, chủ một cơ sở sản xuất bánh kẹo tại Biên Hòa chia sẻ, DN sản xuất quy mô nhỏ ngày càng đuối sức trong việc “đua” với những ông “khổng lồ” tên tuổi. Thị trường hiện có quá nhiều DN tham gia sản xuất bánh kẹo, trong đó không ít thương hiệu lớn. Điều này đã tạo điều kiện để người tiêu dùng lựa chọn khi mua hàng hóa theo sở thích. Thực ra, tuy gặp không ít khó khăn trong việc cạnh tranh, nhưng nhiều cơ sở sản xuất nhỏ đã có nhiều nỗ lực để tìm thị phần ở đô thị, vì thị trường này rất giàu tiềm năng. Cùng nhận định này, ông Liu Tác Sáng bộc bạch, yêu cầu của thị trường thành thị cao hơn hẳn so những khu vực khác. Do đó, cạnh tranh bằng giá không chưa đủ, mà muốn đáp ứng yêu cầu của khách hàng, DN phải quan tâm đến khả năng đầu tư bao bì, hình thức sản phẩm. Từ đó, không ngừng cải tiến chất lượng, đa dạng hóa các dòng sản phẩm nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thì mới có thể DN chinh phục người tiêu dùng ở các thành phố lớn.
Phải nói rằng, với những mặt hàng thực phẩm, yêu cầu của người tiêu dùng gần đây rất cao; đồng thời ngày càng dè dặt với bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng trôi nổi. Ở thị trường nào cũng vậy, DN sản xuất phải làm được hàng chất lượng thì mới có chỗ đứng. Điển hình là sản phẩm kẹo Yến Nhi kinh doanh ổn định tại các siêu thị và xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực, chủ yếu nhờ vào sản phẩm chất lượng.
Bình Nguyên