Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng cá bè trên sông Cái (Biên Hòa): Phập phồng lo cá chết

10:01, 08/01/2012

Tết Nguyên đán đang đến gần, người nuôi cá bè trên sông Cái (TP.Biên Hòa) đang trông chờ vào mùa xuất cá trong dịp này. Thế nhưng, không ít người vẫn cứ phập phồng lo ngại, chẳng biết năm nay có thoát được cảnh cá chết trắng sông vì nước ô nhiễm như mọi năm?

 

Tết Nguyên đán đang đến gần, người nuôi cá bè trên sông Cái (TP.Biên Hòa) đang trông chờ vào mùa xuất cá trong dịp này. Thế nhưng, không ít người vẫn cứ phập phồng lo ngại, chẳng biết năm nay có thoát được cảnh cá chết trắng sông vì nước ô nhiễm như mọi năm?

Trong vòng 3 năm trở lại đây, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp đưa ông Táo về trời là người nuôi cá bè sống Cái lại lao đao, dở khóc dở mếu vì cá chết hàng loạt.

* Chuyện cũ có lập lại?

Anh Nguyễn Văn Nam là người nuôi cá bè có tiếng ở sông Cái, đoạn thuộc phường Tân Mai. Từ năm 1981 đến nay, anh Nam không chỉ nuôi cá chép giống mà còn tận dụng cá bắt được từ dưới sông để nuôi. Hàng ngày, anh Nam đi cào hến rồi lưới cá tự nhiên, mỗi ngày thu hoạch vài chục ký hến và hàng chục ký cá chép. Hến anh cho cá ăn, cá bắt ở sông lên anh phân loại theo độ tuổi rồi thả chung với cá giống nuôi. Do cần mẫn và có kinh nghiệm nên mỗi lứa cá anh Nam đều thu hoạch khá. Hiện tại gia đình anh nuôi 2 bè cá chép từ 2 - 3 tháng tuổi. Dự kiến đợt Tết sắp tới, anh Nam xuất bán khoảng 7 - 8 tạ cá, nếu giá cả ổn định, trừ chi phí còn lãi 15-20 triệu đồng. Nhớ lại những lần cá chết, anh Nam cho biết, cả làng bè khốn đốn chẳng biết vì sao. Sau này mới được giải thích là do nguồn nước bị ô nhiễm. Đau lòng ở chỗ, không phải chỉ một lần mà những 3 lần làng bè phải đón Tết trong bầu không khí kém vui. Rút kinh nghiệm từ những lần trước, năm nay nhiều hộ nuôi theo kiểu gối đầu nên vừa qua nhiều bè đã cho thu hoạch, còn cá bán Tết không nhiều như mọi năm. Cách làm này để phòng ngừa nếu chuyện cũ lặp lại thì cũng giảm được hao tốn.

Làng cá bè sông Cái hiện nay.        Ảnh: TN
Làng cá bè sông Cái hiện nay. Ảnh: TN

Tương tự như anh Nam, ở khu vực phường Thống Nhất có trường hợp anh Nguyễn Văn Ngọc, nuôi cá trên sông Cái đã gần 15 năm. Cách đây 1 tháng, anh Ngọc đã xuất bán 2,5 tấn cá diêu hồng, trừ chi phí còn lãi 70 triệu đồng. Theo anh Ngọc, nuôi cá “chạy” mùa Tết chắc ăn, vì ngư dân không phải phập phồng lo sợ cá chết. Đây chính là điều làng cá bè sông Cái đang hồi hộp chờ ngày ông Táo qua đi. Ai cũng mong chuyện cá chết hàng loạt không xảy ra nữa để mọi người đều vui vẻ đón Tết.

* Để dòng sông không ô nhiễm

Ở lĩnh vực nuôi cá cảnh trên sông Cái, anh Nguyễn Đình Thắng là một trong những trường hợp “thắng” khá nhiều nhưng “thua” cũng không ít. Là người sống lâu năm trên dòng sông này, anh Thắng hiểu rất rõ “tính tình” của dòng sông Cái, nó không hung dữ như những dòng sông khác mà lại rất hiền hòa, thủy chung. Chính vì vậy, dòng sông này đã đùm bọc, nuôi sống hàng trăm gia đình ngư dân đã chọn đời sông nước làm kế sinh nhai. Nhưng thời gian gần đây, dòng sông này đã có nhiều thay đổi và dường như nó đã không còn sức chịu đựng những gì con người “hành hạ” suốt nhiều năm qua. Hơn 10 năm nuôi cá chép Nhật, nhiều lần anh Thắng thu về hàng trăm triệu đồng nhưng cũng đã vài lần ngồi nhìn cá chết, ngậm ngùi rớt nước mắt. Những lần trắng tay ấy, anh Thắng đều đi tìm nguyên nhân và xác định được cá chết là do dòng sông đã bị hủy hoại nặng nề. Trong đó, ngoài chất thải công nghiệp của một vài nhà máy đổ thẳng ra sông thì chính việc nuôi cá bè tập trung đã góp phần làm dòng sông trở nên ô nhiễm nhanh hơn. Đã có lần anh Thắng kiểm tra một số bè nuôi trong khu vực thì thấy phân cá đóng một lớp khá dày. Anh Thắng khẳng định, nước sông Cái ngày trước trong lành, ai cũng sử dụng trong ăn uống, còn giờ đây thì không thể được. Nói về việc UBND TP. Biên Hòa quy hoạch, di dời làng cá bè lên phía trên, anh Thắng đồng tình và cho rằng, quyết định này là hợp lý.

Thực hiện chủ trương xây dựng cảnh quan sinh thái sông Đồng Nai, những đoạn thuộc TP. Biên Hòa, dự án quy hoạch làng cá bè trên sông đến năm 2010, tầm nhìn năm 2020, UBND TP. Biên Hòa đã hoàn tất việc phân loại theo tiêu chí ưu tiên. Theo đó, tại hai khu vực sông Cái và phường Long Bình Tân hiện có 346 hộ nuôi 851 bè sẽ giảm xuống còn 251 bè, khu vực Long Bình Tân từ 165 bè chỉ còn 25 bè; số hộ không đạt tiêu chí sẽ được hưởng hỗ trợ học nghề, kinh phí di dời...

Chi hội trưởng cá bè phường Tân Mai Ngô Ngọc Vinh thống kê, hiện tại trên dòng sông Cái có khoảng 800 bè cá do người dân các phường: Tân Mai, Thống Nhất, Hiệp Hòa, Tam Hiệp, An Bình nuôi. Riêng ở Tân Mai, 70 hộ dân nuôi 170 bè cá. Đó là chưa kể dân Tân Mai lập bè nuôi ở phía phường Hiệp Hòa hơn 180 bè. Trong thông báo gửi cho các địa phương, thành phố cho biết, khu vực sông Cái sẽ chỉ còn 121 trường hợp được nuôi tổng cộng 226 bè với thể tích trên 14 ngàn m3, trong đó 63 trường hợp được nuôi 2 bè, còn lại chỉ 1 bè. Thời gian tới, nếu thực hiện quy hoạch, dân Tân Mai chỉ còn 53 hộ nuôi 64 bè, riêng số bè đang nuôi ở Hiệp Hòa phải giải tỏa. Điều này cho thấy, khu vực sông Cái tới đây có nhiều thay đổi, nhất là về cảnh quan, môi trường.

T.Nguyên

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều