Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng sức cạnh tranh nhờ công nghiệp phụ trợ

10:12, 21/12/2011

Trong những năm gần đây, nông dân ngày càng mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị nông nghiệp, phục vụ sản xuất, nhất là các sản phẩm do Việt Nam chế tạo.

Trong những năm gần đây, nông dân ngày càng mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị nông nghiệp, phục vụ sản xuất, nhất là các sản phẩm do Việt Nam chế tạo.

Theo ông Phạm Văn Ngữ, chủ xưởng cơ khí Đồng Tâm (huyện Thống Nhất), máy móc nông nghiệp nội địa đang dần có chỗ đứng trên thị trường vì chất lượng được cải thiện nhiều và khá đa dạng về chủng loại. Nông dân cũng quan tâm hơn đến sản phẩm do Việt Nam sản xuất, không còn chuộng hàng Trung Quốc giá rẻ như xưa.

Sản xuất máy nông nghiệp tại Công ty Vikyno & Vinappro. Ảnh: CTV
Sản xuất máy nông nghiệp tại Công ty Vikyno & Vinappro. Ảnh: CTV

CHỦ ĐỘNG VƯỢT KHÓ

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV động cơ và máy nông nghiệp miền Nam (Vikyno & Vinappro), năm 2011 có nhiều khó khăn trong ngành cơ khí chế tạo động cơ và máy nông nghiệp. Đầu năm, giá nguyên vật liệu tăng từ 30-40% trong khi giá sản phẩm đầu ra chỉ nhích lên khoảng 12%. Sức tiêu thụ thị trường nông - ngư cơ năm nay giảm khoảng 30% cả trong nước lẫn xuất khẩu.

Chủ động ứng phó trước khó khăn, Ban giám đốc Vikyno & Vinappro quyết định đầu tư thêm thiết bị mới, đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng lên 30% so quy trình cũ. Việc tăng năng suất lao động đã góp phần giảm giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp (DN) cũng tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vào thời điểm thị trường trong nước trầm lắng nên tuy sản xuất tăng nhưng không xảy ra hiện tượng tồn kho như những năm trước. DN sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản với giá thành rẻ hơn, tập trung vào các dòng máy tiết kiệm nhiên liệu, nhờ vậy ngày càng được khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng. Năm 2011, tổng doanh thu của DN đạt 600 tỷ đồng. Riêng doanh thu xuất khẩu đạt trên 13 triệu USD, tăng 26% so năm 2010. Đây là năm DN đạt mức tăng trưởng sản xuất - kinh doanh tốt nhất trong suốt 10 năm qua.

Ông Võ Văn Phụng, Giám đốc Công ty TNHH Phụng Tiến, chuyên sản xuất phụ tùng máy gặt đập liên hợp chia sẻ, với điều kiện hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được các loại máy nông nghiệp có cấu tạo phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao. Qua khảo sát tiềm năng thị trường, đầu năm nay, ông đã mạnh dạn đầu tư 3 tỷ đồng mua thêm thiết bị cải tiến quy trình sản xuất theo hướng hiện đại hơn. Chính sự chuyển hướng hiệu quả này, thời gian đầu, DN chỉ sản xuất vài loại phụ tùng thì nay đã cung cấp ra thị trường cả trăm chủng loại sản phẩm khác nhau. Trong đó, DN hoàn toàn sản xuất được những phụ tùng đòi hỏi kỹ thuật cao và phức tạp. Sản lượng bình quân cũng tăng 20%/tháng. Hiện sản phẩm của Phụng Tiến đã có mặt ở hầu hết các tỉnh đồng bằng phía Nam.

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP PHỤ TRỢ

Với quy mô sản xuất hiện nay, Vikyno & Vinappro phải đặt hàng gia công các chi tiết, phụ tùng máy tại 150 DN, cơ sở cơ khí. Để gầy dựng được hệ thống DN sản xuất công nghiệp phụ trợ, Vikyno & Vinappro đã phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức. Đơn vị luôn quan tâm mở rộng mạng lưới này để góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa cho máy nông nghiệp sản xuất trong nước.

Thực tế, máy nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại. Đại diện Công ty Vikyno & Vinappro dẫn chứng, năm nay, sức tiêu thụ của thị trường thế giới giảm mạnh, nhiều nước buộc phải hạ giá các loại máy nông nghiệp nhưng xuất khẩu vẫn khó. Ngược lại, tình hình xuất khẩu của Vikyno & Vinappro vẫn cao dù giá tăng. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của các DN trong lĩnh vực máy nông nghiệp còn nhỏ lẻ, tập trung vào những loại máy kích thước và công suất nhỏ.

Ông Trần Vạn Tuấn Anh, Giám đốc cung ứng của Công ty Vikyno & Vinappro cho biết, một sản phẩm máy nông nghiệp nhiều khi cần vài trăm chi tiết, phụ tùng, DN sản xuất không thể tự mình làm tất cả. Ngành cơ khí nông nghiệp của nước ta phát triển chưa ổn định, thiếu sức cạnh tranh vì công nghiệp phụ trợ (CNPT) quá yếu. Ông so sánh, hàng Trung Quốc giá rẻ cỡ nào cũng có vì luôn sản xuất với quy mô lớn nhờ CNPT phát triển. DN Trung Quốc có thể nhận đơn hàng lớn, giao ngay, vì họ có hàng loạt đơn vị cung cấp phụ tùng, nhiều khi DN sản xuất chỉ cần thực hiện khâu lắp ráp.

Tuy chỉ sản xuất phụ tùng cho máy gặt đập liên hợp nhưng Phụng Tiến vẫn phải đặt hàng gia công tại nhiều cơ sở cơ khí khác. Cũng theo ông Phụng, có xây dựng được mạng lưới vệ tinh làm gia công chi tiết máy và phụ tùng, mới góp phần tăng sức cạnh tranh cho DN trong ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp. Vì sản xuất bằng nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm hàng nhập, DN mới có thể ổn định và hạ giá thành sản phẩm.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích