Báo Đồng Nai điện tử
Chủ nhật, 06/04/2025, 15:39 En

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai: Trách nhiệm cộng đồng trước môi trường thiên nhiên

09:11, 23/11/2011

Vào khoảng giữa năm 2011, tại hội nghị Đại hội đồng mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới  (DTSQ), UNESCO/MAB đã chính thức phê chuẩn Khu DTSQ Đồng Nai là khu DTSQ của thế giới ở Việt Nam.

Vào khoảng giữa năm 2011, tại hội nghị Đại hội đồng mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới  (DTSQ), UNESCO/MAB đã chính thức phê chuẩn Khu DTSQ Đồng Nai là khu DTSQ của thế giới ở Việt Nam.

Khu DTSQ Đồng Nai bao gồm: Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và Khu bảo tồn vùng nước ngập nội địa, cả 3 đều được công nhận là vùng lõi của Khu DTSQ.

 * Đường đến với danh hiệu cao quý

Năm 2001, UNESCO đã công nhận Vườn quốc gia Cát Tiên là Khu DTSQ thế giới Cát Tiên. Thời điểm đó, các lâm trường: Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An vẫn là đơn vị sản xuất. Năm 2004, cả 3 lâm trường sáp nhập thành Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và trở thành rừng đặc dụng. Năm 2008, theo quyết định của Chính phủ, hồ Trị An và một phần của hệ thống sông Đồng Nai trở thành Khu bảo tồn vùng nước ngập nội địa. Sự hợp nhất 3 vùng lõi làm thành vùng hành lang bảo tồn mang tính tổng thể, toàn vẹn của các hệ sinh thái đặc trưng cho vùng nhiệt đới mà tỉnh Đồng Nai đang sở hữu. Theo Ủy ban UNESCO và Ủy ban MAB Việt Nam, vì có tới 80% diện tích bảo tồn nằm dưới sự chỉ đạo và quản lý của UBND tỉnh Đồng Nai nên khu DTSQ này được mang tên là Khu DTSQ Đồng Nai.

Chim ở Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.   Ảnh: T. Nguyên
Chim ở Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: T. Nguyên

Tổng diện tích của khu DTSQ hiện nay là trên 190 ngàn hécta, trong đó Vườn quốc gia Cát Tiên có gần 72 ngàn hécta; Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai chiếm hơn 67 ngàn hécta; hồ Trị An và một phần hệ thống sông Đồng Nai trên 32 ngàn hécta. Về đa dạng sinh học, việc thống kê các loại động, thực vật trong khu dự trữ sinh quyển đến nay vẫn chưa có những con số chính xác. Tuy nhiên, đây là diện tích rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam với rất nhiều loài động vật quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng. Các hệ sinh thái tự nhiên rừng đầu nguồn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc điều tiết nước ở lưu vực sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và khống chế ngập lụt vào mùa mưa cho cả vùng Đông Nam bộ. Đặc biệt, vùng hồ Trị An; các vùng phụ cận sông Đồng Nai với đa dạng thành phần loài cá và nhiều loài thủy sinh vật, tạo nên chuỗi và lưới thức ăn phong phú trong hệ sinh thái ao hồ đặc trưng vùng nhiệt đới. Trong đó, môi trường sống của Khu DTSQ thế giới Đồng Nai gồm: rừng thường xanh nguyên sinh, rừng thường xanh thứ sinh, rừng bán thường xanh, rừng tre - lồ ô, rừng kín sau khôi phục, rừng hỗn giao gỗ - lồ ô... Do đó, khi được công nhận là Khu DTSQ thì đây sẽ là mô hình phát triển bền vững của địa phương trong việc kết hợp hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; đồng thời phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hiệu quả. Bên cạnh đó, Khu DTSQ sẽ là nơi giáo dục và nghiên cứu khoa học đối với vùng đất có bề dày lịch sử như Đồng Nai.

* Trách nhiệm cộng đồng…

Nói về lợi ích của Khu DTSQ Đồng Nai, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Trần Văn Mùi nhận xét, tầm quan trọng của Khu DTSQ ở chỗ, nó chứa đựng tính đa dạng, phong phú về một môi trường thiên nhiên có ý nghĩa.

Một góc hồ Trị An.
Một góc hồ Trị An.

Trong đó, Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc vùng có giá trị sinh học cao, với 48 loài được ghi nhận trong sách đỏ IUCN. Theo đánh giá, khu vực này là một trong những nơi cư trú cuối cùng của nhiều loài động thực vật. như: 60 loài động vật có vú, 283 loài chim, 46 loài bò sát, 23 loài lưỡng cư và 99 loài cá. Về động vật móng guốc thì nai Cervus unicolor, lợn rừng Sus scrofa, bò tót Bos gaurus có mật độ cao tương đối so với khu vực khác ở Việt Nam. Đối với Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thuộc kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, có sự hiện diện của một số loài thực vật cổ xưa nằm trong 2 khu hệ thực vật cổ á nhiệt đới (11 họ) và khu hệ thực vật cổ xưa nhiệt đới (34 họ). Đáng chú ý là với 23 loài họ dầu Dipterocarpaceae, đã làm nổi bật vai trò của rừng cây họ dầu vùng Đông Nam bộ. Tài nguyên động vật rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có 276 loài thuộc 84 họ, 28 bộ. Chẳng hạn lớp thú (61 loài, 26 họ, 9 bộ); lớp chim (154 loài, 43 họ, 15 bộ); bò sát (41 loài, 11 họ, 3 bộ); lưỡng thể (20 loài, 4 họ, 1 bộ)... Ngoài vùng lõi, Khu DTSQ thế giới ở Đồng Nai còn có vùng đệm (349.250 hécta); vùng chuyển tiếp (493.610 hécta). Ở đây, vùng chuyển tiếp là hành lang sinh thái, nơi sẽ phục hồi môi trường sống tự nhiên, dựa vào cộng đồng và hệ thống canh tác sinh thái - kinh tế kết hợp. Sông Đồng Nai chảy qua vùng chuyển tiếp, tạo ra điều kiện tự nhiên và tài nguyên cho sinh cảnh của vùng lõi và vùng chuyển tiếp. Các hoạt động của con người được kiểm soát và giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế tác động tới môi trường. Song thời gian qua, sự xâm phạm, lấn chiếm của con người đối với rừng đã ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống của động vật hoang dã, dẫn đến việc mở rộng diện tích rừng bị suy thoái do hoạt động chăn thả và khai thác sản phẩm rừng. Chính vì vậy, trách nhiệm cộng đồng đối với Khu DTSQ Đồng Nai là hết sức quan trọng. Ví dụ, Khu DTSQ Đồng Nai sẽ giúp tăng mức độ đa dạng về cảnh quan, môi trường sống và hoạt động của con người trong mạng lưới khu DTSQ thế giới. Mặt khác, mọi thông tin về hoạt động nghiên cứu và quản lý nằm trong khuôn khổ của chương trình MAB (chương trình khoa học liên chính phủ nhằm cải thiện mối quan hệ giữa con người và môi trường) trong khu vực; giáo dục môi trường về lợi ích của khu DTSQ để người dân biết, hưởng ứng và có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ.

Theo ông Mùi, một khi Đồng Nai có Khu DTSQ, chắc chắn sẽ hấp dẫn khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu. Thế nhưng hiện nay, cơ sở hạ tầng ở cả 3 khu vực đều thiếu thốn. Trong thời gian tới, nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ giữa Khu DTSQ và chính quyền các địa phương đối với việc phát triển đồng bộ cơ sở vật chất thì việc thu hút khách du lịch nhiều khả năng sẽ bị giới hạn.

Một góc Bàu Sấu ở Vườn quốc gia Cát Tiên.
Một góc Bàu Sấu ở Vườn quốc gia Cát Tiên.
- Đồng Nai là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng 24,8% trên tổng diện tích tự nhiên, đồng thời cũng là nơi có diện tích rừng tự nhiên còn lại lớn nhất toàn vùng Đông Nam bộ với hơn 100 ngàn hécta, kết nối các khu vực Nam Cát Tiên, Vĩnh Cửu, La Ngà, Tân Phú, chiếm khoảng 20% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Rừng ở Đồng Nai có vai trò vô cùng quan trọng về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Điều này thể hiện một nỗ lực rất lớn của tỉnh trong công tác bảo vệ rừng thời gian qua.

- Tính đến nay, cả nước có 8 Khu DTSQ thế giới, bao gồm: Miền Bắc có Khu DTSQ châu thổ sông Hồng; Khu DTSQ quần đảo Cát Bà. Miền Trung:  Khu DTSQ miền Tây Nghệ An; Khu DTSQ Cù lao Chàm. Miền Nam: Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ; Khu DTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang; Khu DTSQ Mũi Cà Mau và Khu DTSQ Đồng Nai.

T.Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều