Khó khăn chung của nền kinh tế thế giới đã khiến dòng vốn đầu tư đến từ các quốc gia như Nhật, Mỹ, châu Âu… vào Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng giảm so với những năm trước...
Khó khăn chung của nền kinh tế thế giới đã khiến dòng vốn đầu tư đến từ các quốc gia như Nhật, Mỹ, châu Âu… vào Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng giảm so với những năm trước...
Trong bối cảnh này, cải thiện môi trường đầu tư và chủ động mời gọi đối tác thông qua công tác xúc tiến đầu tư là hướng đi cần thiết. Thời gian qua, Đồng Nai và một số tỉnh, thành khác có quan điểm thu hút vốn đầu tư chỉ hoan nghênh các dự án thân thiện với môi trường. Còn về những lĩnh vực khác như tài nguyên, công nghệ cao… ít được quan tâm.
* Vốn giảm nhưng vẫn hiệu quả
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) nhận định: “Tuy dòng vốn giảm do khó khăn chung, song một điều dễ nhận thấy là các dự án (DA) được cấp phép năm nay không tập trung ở những DA bất động sản hàng tỷ USD nữa, mà chú ý vào các lĩnh vực: công nghệ, kỹ thuật, năng lượng… Một số DA bất động sản được cấp phép đều không lớn, chẳng hạn xây dựng khách sạn, kinh doanh dịch vụ...”. Tuy lượng vốn đăng ký giảm, nhưng hiệu quả thực hiện tốt, DA triển khai nhanh. Vì vậy, việc giải ngân vẫn tăng đều qua các năm. Ở Đồng Nai, 9 tháng đầu năm đã thu hút trên 720 triệu USD vốn đầu tư FDI, đạt 96% kế hoạch năm 2011.
Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện chiếm 60% giá trị sản xuất công nghiệp và 90% kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Changshin Việt Nam. Ảnh: V. Lâm
Tại hội nghị tổng kết công tác xúc tiến đầu tư năm 2011 có sự tham gia của các tham tán kinh tế ở nhiều quốc gia cùng đại diện 21 tỉnh, thành phía Nam, vấn đề thu hút vốn nước ngoài vào Việt Nam được bàn thảo khá kỹ. “Lâu nay, các DA vốn FDI luôn đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế ở Đồng Nai. Cụ thể, hoạt động của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn chiếm 41% cơ cấu GDP của tỉnh, đạt 60% giá trị sản xuất công nghiệp, 90% kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho hơn 400 ngàn lao động, đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách tỉnh” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh nhấn mạnh.
* Khắc phục những điểm yếu…
Bàn về “Xúc tiến đầu tư cách nào cho hiệu quả”, ông Lê Hữu Quang Huy, tham tán kinh tế, Trưởng bộ phận xúc tiến đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, góp ý: “Phải nhìn thẳng vào điểm yếu nhằm tìm ra những giải pháp khắc phục thì xúc tiến đầu tư mới hiệu quả. Theo tôi, ở Việt Nam còn hạn chế nhiều mặt về môi trường đầu tư; chính sách còn thiếu nhất quán. Đặc biệt, thị phần nhỏ cũng làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam so với các nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc thường thu hút những DA quy mô lớn”. Ông Huy dẫn chứng, Việt Nam có 11 liên doanh sản xuất và lắp ráp xe ô tô, nhưng năm 2009 chỉ tiêu thụ được gần 200 ngàn chiếc và có đến 30% là xe nhập khẩu. Trong khi đó, chỉ riêng hãng Toyota ở Thái Lan năm 2009 đã xuất xưởng 400 ngàn chiếc, chưa kể hàng loạt hãng xe khác. Quy mô thị trường nội địa nhỏ đã làm các nhà đầu tư phân vân chọn lựa. Theo ông Huy, khi xúc tiến đầu tư ở Nhật, tránh ôm đồm nhiều mục tiêu và phải cụ thể về thông tin một cách rõ ràng, mạch lạc để nhà đầu tư lựa chọn, cân nhắc. Ông Lê Tuấn Anh, tham tán kinh tế của Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ cho biết, các DN Mỹ chú trọng đầu tư ở Việt Nam vào dịch vụ du lịch, ăn uống, bất động sản, công nghiệp cơ khí và chế tạo máy… Đặc điểm của nhà đầu tư Mỹ trong hợp tác với đối tác là thẳng thắn, uy tín.
Tương tự, ông Lê Trường Sơn, tham tán kinh tế, phụ trách đầu tư của Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore tư vấn, mặc dù lạm phát ở Singapore đang ở mức cao và kinh tế cũng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng nợ công châu Âu, song nhu cầu đầu tư ra nước ngoài của DN Singapore vẫn lớn, đặc biệt là các nước lân cận. Chính vì vậy, khi xúc tiến đầu tư ở Singapore, không cần tổ chức quá “hoành tráng” mà tập trung giới thiệu thật kỹ các lợi thế về môi trường đầu tư, hạ tầng, giao thông, chính sách hỗ trợ… cho đối tác có quan tâm.
Vi Lâm