Gần đây, thu hút đầu tư giảm đáng kể, nhiều khu công nghiệp (KCN) miền núi hoặc vùng sâu, vùng xa bế tắc trong việc mời gọi doanh nghiệp (DN). Điều này đang là vấn đề lo lắng của các nhà kinh doanh hạ tầng KCN…
Gần đây, thu hút đầu tư giảm đáng kể, nhiều khu công nghiệp (KCN) miền núi hoặc vùng sâu, vùng xa bế tắc trong việc mời gọi doanh nghiệp (DN). Điều này đang là vấn đề lo lắng của các nhà kinh doanh hạ tầng KCN…
Tuy đã đạt trên 96% kế hoạch thu hút vốn FDI 9 tháng đầu năm 2011 như kế hoạch đề ra (hơn 720 triệu USD), song kết quả này so với cùng kỳ những năm trước không mấy khả quan, mặc dù đã giảm chỉ tiêu đề ra từ đầu năm, chỉ xấp xỉ với cùng kỳ năm ngoái (bằng khoảng 94%).
* Vì sao đầu tư giảm?
Lý giải về thu hút đầu tư tại các KCN giảm, đa số các DN kinh doanh hạ tầng đều cho rằng, nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến các DN FDI khi họ có ý định mở rộng làm ăn. Thêm vào đó là một số nguyên nhân chủ quan như chính sách ưu đãi, các quy định về chọn lọc ngành nghề. Ngoài ra, vướng mắc về đền bù giải tỏa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu hút đầu tư tại các KCN.
Một góc khu công nghiệp Nhơn Trạch. (Ảnh minh họa)
Ông Trần Việt Hà, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên KCN Nhơn Trạch 3 cho rằng, với hơn 30 KCN trên toàn tỉnh mà trong 9 tháng, thu hút đầu tư chỉ lấp đầy hơn 54 hécta đất là quá thấp. Mặt khác, hai vấn đề cần phải quan tâm vẫn là chính sách - công tác tiếp thị đến các nhà đầu tư; đồng thời xem xét một số vấn đề khác như giá cả, dịch vụ kèm theo khi DN đến tìm hiểu.
Ông Chu Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty phát triển KCN Sonadezi nói: “Triển vọng thu hút đầu tư tại các KCN từ nay đến cuối năm có thể vẫn đạt do chỉ tiêu đã được điều chỉnh xuống. Nhưng theo tôi, vấn đề này đáng lưu tâm vì dòng vốn đầu tư đang giảm, chỉ số cạnh tranh của tỉnh cũng giảm. Mặt khác, các KCN hoạt động tách rời, chưa có sự phối hợp trong hoạt động để tạo nên một hình ảnh chung có lợi cho công tác thu hút đầu tư”.
Tình hình còn khó khăn hơn đối với những KCN nằm ở vùng sâu, vùng xa, hoặc những nơi mà kết nối giao thông còn nhiều khó khăn như các KCN: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Dầu Giây, Long Khánh… Trong phần kiến nghị của mình, các DN kinh doanh hạ tầng KCN Long Khánh, Dầu Giây, Định Quán đều cho biết, thu hút đầu tư ở những KCN này mấy năm qua rất chậm dù đơn vị kinh doanh hạ tầng rất chịu khó tìm đối tác, mời gọi, xin chủ trương ưu đãi về chính sách thuê đất… Nhiều nhận định cho rằng, trong bối cảnh chưa mấy sáng sủa này, nguy cơ “bỏ hoang” của những KCN xa xôi ngày càng cao dù các DN đã bỏ vào hàng chục tỷ đồng tiền vốn mỗi nơi.
* Vướng đền bù giải tỏa
Hầu hết các kiến nghị của những Công ty kinh doanh hạ tầng KCN gửi đến Ban Quản lý các KCN đều có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Theo đó, tốc độ giải phóng mặt bằng tại rất nhiều địa điểm đều chậm chạp, gây ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và xây dựng các công trình liên quan.
Tập trung tháo gỡ khó khăn để thu hút đầu tư “Thu hút đầu tư hiện chỉ mới lấp đầy 61% diện tích của hơn 30 KCN trong toàn tỉnh là tỷ lệ chưa được như mong đợi”. Đó là nhận xét của Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh trong cuộc họp giao ban 9 tháng của các công ty hạ tầng KCN diễn ra vào ngày 6-10 vừa qua. Đối với các KCN miền núi hoặc vùng sâu, vùng xa, bà Thanh cho rằng mức độ thu hút đầu tư còn cầm chừng, tỷ lệ lấp đầy rất thấp. Điều này càng gây khó khăn cho việc đầu tư các hạng mục công trình khác của KCN; đồng thời lâu ngày, cơ sở hạ tầng có sẵn sẽ xuống cấp. Bà Thanh đề nghị, các đơn vị kinh doanh hạ tầng cần xem xét nghiêm túc các chính sách thu hút đầu tư, giá thuê đất. Tùy điều kiện từng nơi thực hiện cho phù hợp, không thể “cào bằng” như các địa phương khác vốn thuận lợi về giao thông, dịch vụ, hạ tầng… Làm sao đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, đặc biệt KCN vùng xa, là vấn đề lãnh đạo tỉnh rất trăn trở. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ làm việc cụ thể với những đơn vị liên quan để tìm cách tháo gỡ. K.N
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó tổng giám đốc Công ty CP Amata, đơn vị khai thác KCN Amata tại TP. Biên Hòa cho biết, tổng diện tích dự án KCN Amata là hơn 510 hécta, hiện đã cho thuê gần hết 400 hécta, còn trên 100 hécta hơn 4 năm qua chưa giải quyết được vì vướng đền bù giải tỏa. Hiện tại, đất trống tại KCN này chỉ còn chừng10 hécta, do đó một số nhà đầu tư tìm đến, DN buộc phải từ chối hoặc giới thiệu nhà đầu tư đến các KCN khác. Rõ ràng, điều này đang là bất cập lớn trong thời điểm thu hút đầu tư đang ngày một khó khăn.
Tương tự, KCN Bàu Xéo (Trảng Bom) tuy đã giải tỏa gần hết diện tích mặt bằng dự án, song đến nay vẫn còn gần 20 hécta đất nằm ở những vị trí cần thiết để hoàn thiện hạ tầng bộ mặt KCN như đường song hành, đường nội bộ nhưng lại không có mặt bằng thi công. Tương tự, KCN Hố Nai (Trảng Bom) cũng kiến nghị UBND huyện Trảng Bom hỗ trợ đền bù giải tỏa để tiếp tục hoàn chỉnh các công trình hạ tầng còn lại, nhằm tiếp tục thu hút đầu tư. Bởi hiện nay, KCN này vẫn đang phải cho thuê đất dạng “da beo”, tức giải phóng mặt bằng đến đâu thì cho thuê đến đó.
Vi Lâm