Với gần 3 ngàn đầu heo nuôi tại vùng khuyến khích chăn nuôi, anh Dương Văn Nhị (chủ nhiệm Liên hiệp câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi Tân Hợp, xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc) không chỉ làm giàu chất dinh dưỡng cho vùng đất bạc màu mà còn “biến” chất thải trong chăn nuôi thành phân vi sinh, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng...
Với gần 3 ngàn đầu heo nuôi tại vùng khuyến khích chăn nuôi, anh Dương Văn Nhị (chủ nhiệm Liên hiệp câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi Tân Hợp, xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc) không chỉ làm giàu chất dinh dưỡng cho vùng đất bạc màu mà còn “biến” chất thải trong chăn nuôi thành phân vi sinh, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng...
Anh Nhị (phải) lập thủ tục hồ sơ để Liên minh HTX xem xét trợ vốn nhằm mở rộng sản xuất. |
Vùng đất cát ở xã Xuân Thành không được tốt như những nơi khác. Do đó, quá trình sản xuất, nông dân đổ hàng tấn phân hóa học để bón cho cây trồng mỗi năm, khiến đất vốn nghèo dinh dưỡng lại càng bạc màu nhanh. Trong khi đó, một lượng lớn phân heo của các trại chăn nuôi trong khu vực thải ra nhưng không sử dụng vào bất cứ mục đích gì nên rất lãng phí và gây ô nhiễm môi trường. Sau thời gian dài trăn trở, anh Nhị quyết định đến Trường đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh tìm hiểu công nghệ làm phân vi sinh.
Kỹ thuật làm phân vi sinh theo anh Nhị không mấy phức tạp. Chỉ cần lấy phân heo tươi ủ với nấm Trichoderma và một ít phụ phẩm, sau 15 ngày có thể đem bón cho cây trồng. Sau khi ứng dụng công nghệ này thành công, anh Nhị liền triển khai trong câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi của mình, được các thành viên đồng tình ủng hộ. Toàn bộ nguồn phân heo từ các trại của CLB trước đây bỏ phí, được gom về xử lý thành phân vi sinh rồi cung cấp lại cho chính các tổ viên. Từ đó, tỷ lệ ô nhiễm từ các trại heo đã giảm rõ rệt. Quan trọng hơn là CLB có được nguồn phân bón khá tốt phục vụ cho trồng trọt. Ban đầu chỉ là những hộ trong CLB sử dụng, sau đó thấy hiệu quả, nhiều người dân trong huyện tìm đến đặt mua. Sau này, thương hiệu phân vi sinh Tân Hợp đã không còn xa lạ với bà con nông dân trong và ngoài huyện. Anh Nhị tâm sự: “Phân vi sinh nếu sản xuất đúng kỹ thuật thì rất tốt, vì được làm từ 80% phân heo. Loại phân này rất hợp với bón lót cho cây trồng các loại. Đáng kể là giá thành hiện khoảng 250 ngàn đồng/tấn, rẻ hơn phân hóa học khá nhiều”.
Theo anh Nhị, nhu cầu sản xuất của nông dân trong việc trồng trọt ngày một tăng, nên nhờ đó, phân vi sinh của CLB Tân Hợp khá hút hàng. Hiện tại, mỗi tháng nơi đây cung cấp cho thị trường trung bình trên 120 tấn phân, lãi hàng chục triệu đồng. Phân bón vi sinh của Tân Hợp không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà đã được một doanh nghiệp ký hợp đồng đặt hàng dài hạn, đưa về các tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận. Anh Nhị cho hay, để có đủ nguyên liệu sản xuất phân vi sinh, gần đây CLB phải mở rộng địa bàn mua gom phân heo tại nhiều địa phương khác.
K. Giới