Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất nông sản phải đảm bảo an toàn

09:10, 04/10/2011

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đã nhấn mạnh đến điều này trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai. Theo ông Tiệp, để nông sản làm ra dễ bán và bán được giá cao thì nông dân phải đặt an toàn nông sản lên hàng đầu.

 
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đã nhấn mạnh đến điều này trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai. Theo ông Tiệp, để nông sản làm ra dễ bán và bán được giá cao thì nông dân phải đặt an toàn nông sản lên hàng đầu.

Đồng Nai là tỉnh có diện tích cây trồng gần 346 ngàn hécta, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng triệu tấn nông sản các loại. Song, cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, nông sản Đồng Nai thường xuyên rơi vào điệp khúc “được mùa rớt giá”. Vì thế lo lắng lớn nhất của nông dân trong tỉnh vẫn là đầu ra cho nông sản và làm sao bán được giá cao.

* Phóng viên: Gần đây một số loại nông sản như: tiêu, cà phê, mủ cao su được thương lái Trung Quốc mua ồ ạt với giá cao mà không đòi hỏi chất lượng. Trước thực trạng này, Cục trưởng có khuyến cáo gì với nông dân?

- Ông Nguyễn Như Tiệp: Mục đích cuối cùng của nông dân Đồng Nai, cũng như cả nước là sản xuất ra nông sản bán được với giá cao. Như vậy, nông sản được thương lái mua với số lượng lớn, giá cao, mà không đòi hỏi quá khắt khe là điều tốt. Song, các địa phương phải phân định rạch ròi giữa chất lượng và đảm bảo an toàn trong sản xuất nông sản. Chất lượng nông sản là do nhu cầu thị trường quyết định mức độ, còn an toàn nông sản là quy định tối thiểu nông dân phải thực hiện đối với tất cả các loại sản phẩm của mình. Do đó, các tỉnh, thành cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân. Bên cạnh đó, phải thường xuyên kiểm tra nếu phát hiện sản xuất nông sản không đảm bảo an toàn nên xử lý nghiêm. Cụ thể, nông sản làm ra không được để tồn dư quá mức cho phép các chất gây hại từ phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Nông sản đảm bảo an toàn, nông dân sẽ có nhiều thị trường để tiêu thụ hơn.

* Thưa Cục trưởng, đến năm 2015, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng, trong đó có nông sản chỉ còn 0-5%. Để không bị thua ngay trên sân nhà và hướng đến xuất khẩu, ngay từ bây giờ nông dân phải làm gì?

Sản xuất rau sạch của câu lạc bộ rau an toàn ở xã Phú Lâm, huyện Tân Phú. Ảnh: H.G
Sản xuất rau sạch của câu lạc bộ rau an toàn ở xã Phú Lâm, huyện Tân Phú. Ảnh: H.G

- Như tôi đã nhấn mạnh ngay từ đầu, trước tiên nông dân phải thực hiện sản xuất nông sản an toàn. Sau đó, tiến đến sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt) để có thể xuất khẩu với giá cao. Thực tế, nông sản Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế để cạnh tranh vì chúng ta có diện tích và sản lượng nông sản lớn, chi phối được thị trường thế giới. Tuy nhiên, nông sản làm ra phần lớn chưa bán được giá cao là do nông dân sản xuất còn manh mún, không theo đúng quy trình đảm bảo an toàn. Để chiếm lĩnh được thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, nông dân sản xuất một loại nông sản với nhiều mức độ chất lượng khác nhau. Ví dụ như xuất khẩu vào các thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá bán cao, chúng ta cũng đủ khả năng đáp ứng. Hoặc vào những thị trường bình thường chỉ đòi hỏi chất lượng nông sản ở mức trung bình với giá bán thấp hơn chúng ta cũng sẽ cung ứng được. Nhưng nông sản dù chất lượng trung bình hay cao cũng luôn đảm bảo an toàn. Ngoài ra, nông dân chú ý dùng giống mới, áp dụng kỹ thuật tăng năng suất, hạ giá thành nông sản để tăng sức cạnh tranh.

“Chất lượng nông sản là do nhu cầu thị trường quyết định mức độ, còn an toàn nông sản là quy định tối thiểu nông dân phải thực hiện đối với tất cả các loại sản phẩm của mình”

* Hiện nay, một số loại cây trồng đã được nông dân sản xuất theo quy trình GAP nên giá thành cao hơn sản xuất truyền thống, nhưng giá bán chỉ bằng các loại nông sản trôi nổi không rõ nguồn gốc. Điều này, khiến nhiều nông dân không mặn mà khi thực hiện mô hình GAP?

- Sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, chi phí phát sinh ở khâu xin cấp giấy chứng nhận, đầu tư nhà sơ chế và đóng gói. Tuy nhiên, khi nông dân sản xuất với diện tích lớn thì chi phí giảm đi nhiều. Thực tế thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hỗ trợ làm điểm một số mô hình GAP trên rau ở Đồng Nai thì thấy tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm được 1/3, năng suất cây trồng tăng cao nên giá thành thấp hơn. Như vậy, chẳng có lý do gì đòi hỏi giá bán sản phẩm làm theo quy trình GAP phải cao hơn các sản phẩm sản xuất theo cách truyền thống. Cái chính là nông dân đã sản xuất theo đúng quy trình hướng dẫn để hạ giá thành trong sản xuất hay chưa. Còn việc xin cấp chứng nhận GAP, xây dựng nhà xưởng, đóng gói là nhằm mục đích lâu dài, hướng đến việc đưa nông sản vào các thị trường cao cấp giá bán cao như hệ thống siêu thị hoặc xuất khẩu...

Hương Giang (thực hiện)


 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích