Ngày 8-10, trao đổi với phóng viên báo chí về quyết định xử phạt vi phạm hành chính 405 triệu đồng đối với hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường (Báo Đồng Nai số 2068, ra ngày thứ bảy 8-10 đã thông tin), ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành đã thừa nhận những sai sót.
Ngày 8-10, trao đổi với phóng viên báo chí về quyết định xử phạt vi phạm hành chính 405 triệu đồng đối với hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường (Báo Đồng Nai số 2068, ra ngày thứ bảy 8-10 đã thông tin), ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành đã thừa nhận những sai sót. Theo ông Tuấn, kết luận của Cục Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) là xác đáng. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu mà C49 đưa ra còn nhiều vấn đề phải bàn cãi.
Hệ thống xử lý nước thải hiện nay của Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành.
Nói về những giải pháp khắc phục, ông Tuấn cho biết, ngay sau khi C49 phát hiện việc nhà máy xử lý nước thải xả thải ra môi trường vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Sở Tài nguyên và môi trường (TNMT) Đồng Nai đã thành lập đoàn giám sát việc khắc phục sai sót của nhà máy. Đến nay, về tổng thể, cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu đối với việc hoàn thiện công nghệ xử lý nước thải theo quy định của Nhà nước. Chẳng hạn như trạm xử lý nước thải sơ bộ đã được Sở Khoa học và công nghệ thẩm định; trạm tập kết bùn (không nguy hại) được lưu giữ tạm thời trong thời gian nhất định trước khi đưa đi nơi khác xử lý; modul 1 và modut 2 tiếp nhận nguồn nước thải dệt nhuộm từ các nhà máy để xử lý, đã được nâng cấp đúng theo yêu cầu của Hội đồng khoa học thuộc Bộ TNMT; hồ “hoàn thiện” được cải thiện đúng mức trước khi nước thải đổ ra rạch Bà Chèo, suối Nước Trong, sông Đồng Nai... Riêng về độ màu, vì trong nước thải có nhiều hóa chất khác nhau nên công ty sẽ tiếp tục tìm giải pháp khắc phục, để đến quý 2-2012, nước thải sẽ giảm được tỷ lệ màu như lộ trình mà Bộ TNMT đã ấn định.
Diện tích đất kinh doanh thuộc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành rộng 688 hécta nhưng mới lấp đầy 75%. Hiện có 67 dự án đang hoạt động, trong đó có 58 đơn vị có hệ thống đấu nối với nhà máy xử lý nước thải, số còn lại không có nước thải cần phải xử lý. Tổng lượng nước thải từ các doanh nghiệp sản xuất dẫn vào khu xử lý là 9.300m3/ngày đêm với khoảng 80-85% nước thải dệt nhuộm. Hai doanh nghiệp có lượng nước thải dệt nhuộm lớn là Global Dyeing và Samil - Knit (đều của Hàn Quốc)…
T.N