Thống Nhất là huyện có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất trong tỉnh và cũng là nơi có nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó có nuôi cút đẻ trứng theo mô hình mới.
Thống Nhất là huyện có đàn gia súc, gia cầm lớn nhất trong tỉnh và cũng là nơi có nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó có nuôi cút đẻ trứng theo mô hình mới.
Thấy nhiều người chăn nuôi heo, gà có lãi khá, chị Nguyễn Bích Phượng ngụ ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, cũng muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Nhưng suy đi tính lại, chị còn băn khoăn vì thấy vốn bỏ ra lớn lại có nhiều rủi ro vì dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình chăn nuôi ở trong và ngoài tỉnh, chị Phượng nhận thấy nuôi cút đẻ trứng dễ thực hiện, chi phí đầu tư thấp, xoay vòng vốn nhanh nên đã quyết định mua 10 ngàn con cút 3 tuần tuổi về nuôi trên diện tích gần 200m2.
Để tránh rủi ro trong quá trình nuôi, ngoài những kiến thức có được sau khi tham quan học hỏi, chị Phượng còn liên hệ với công ty thức ăn chăn nuôi để được tư vấn thêm về kỹ thuật. Nhờ chăm sóc tốt nên chỉ sau hơn 2 tuần, đàn cút của chị đã bắt đầu đẻ trứng. Sau lứa đầu tiên thu lợi nhuận khá, chị tiếp tục mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô trang trại. Đến nay, trang trại của chị có 12 ngàn con cút đẻ trứng. Vào thời điểm này, mặc dù giá trứng cút chỉ gần 400 đồng/trứng, nhưng sau khi trừ mọi chi phí, mỗi tháng chị vẫn có lời trên 30 triệu đồng.
Chị Phượng chia sẻ: “Cút rất dễ nuôi, ít bệnh, ít tiêu hao đàn, chi phí thấp mà nhanh thu lợi, lợi nhuận cao. Chỉ sau một tháng rưỡi nuôi là có lời. Tuy vậy, người nuôi nên quan tâm phòng bệnh cho cút, vaccine đảm bảo, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun xịt khử trùng chuồng trại mỗi tuần một lần. Một lứa cút đẻ sau 8 tháng đến 1 năm có thể bán đi, thu hồi lại vốn để nhập lứa khác về nuôi”.
Với diện tích chỉ gần 200m2, chị Phượng có trên 500 lồng cút đẻ trứng, tính ra mỗi ngày mang về lợi nhuận trên 1 triệu đồng. Chị Phượng cho biết, mô hình nuôi cút đẻ trứng theo cách này đang được nhiều người quan tâm vì nó mới mẻ. Trước kia, các lồng nuôi cút được xếp chồng lên nhau. Cứ 2 - 3 ngày, người nuôi mới dọn phân một lần. Cách bố trí như vậy làm cho nhiệt độ trong lồng cút cao, ngột ngạt nên cút đẻ ít, chết nhiều. Còn như mô hình của chị Phượng, các lồng cút được xếp như những bậc thang nối tiếp nhau, phân cút sẽ rớt trực tiếp xuống đất, đảm bảo cho cút có không gian thông thoáng , tỉ lệ hao hụt giảm, hiệu suất đẻ trứng đều. Và với cách bố trí này, chị Phượng có thể phát hiện ngay lồng cút nào bị bệnh để kịp thời cứu chữa.
Đặc điểm của cút là mỗi ngày đều đẻ trứng trong suốt thời gian từ 8 tháng đến 1 năm. Tính đến nay, đàn cút của chị Phượng đã cho thu hoạch được 5 tháng, đem lại lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Ước tính từ nay đến cuối tháng 12, chỉ tính giá trứng thấp như hiện nay, trang trại cút của chị cũng sẽ đem lại lợi nhuận trên 120 triệu đồng. Như vậy, với đàn cút đẻ nuôi trong 8 tháng, chị Phượng lời gần 300 triệu đồng.
Chị Phượng dự tính đến hết tháng 12 sẽ bán lứa cút đang nuôi này để nhập thêm lứa cút mới và mở rộng quy mô trang trại nhằm tăng sản lượng trứng bán vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán sẽ có giá cao hơn.
Thanh Hải