Báo Đồng Nai điện tử
En

Duyên với chim yến

09:10, 02/10/2011

Ít người nghĩ rằng ở giữa TP.Biên Hòa lại nuôi được chim yến. Vậy mà có một gia đình tại  phường Bửu Long đã thu hút chim yến đến “gõ cửa” để ở. Sau một thời gian quyết định “sống chung” cùng yến, đến nay mỗi tháng chủ nhà đã được yến “đền đáp” trên 100 triệu đồng.

Tổ và trứng của chim yến.                  Ảnh: V. NAM
Tổ và trứng của chim yến. Ảnh: V. NAM
Ít người nghĩ rằng ở giữa TP.Biên Hòa lại nuôi được chim yến. Vậy mà có một gia đình tại  phường Bửu Long đã thu hút chim yến đến “gõ cửa” để ở. Sau một thời gian quyết định “sống chung” cùng yến, đến nay mỗi tháng chủ nhà đã được yến “đền đáp” trên 100 triệu đồng.

 “Nếu tôi không tự tin và không dám bỏ ra một số vốn lớn để làm nhà cho yến ở thì nay cũng không biết về loại chim này. Quan trọng hơn, tôi nghĩ mình có duyên với chim yến” -  chị Lê Thị Hòa Bình ở phường Bửu Long, TP.Biên Hòa tâm sự.

* Đánh cược với chim trời

Năm 2007, khi gia đình chị  Bình về phường Bửu Long ở thì thấy đàn yến thường xuyên chao lượn trên mái nhà. Thỉnh thoảng những con chim lại chui qua cửa sổ vào cả trong phòng. Mọi chuyện cũng trôi qua như lẽ tự nhiên, và rồi khi chị dự ké một buổi hội thảo về nuôi chim yến ở TP.Hồ Chí Minh do các chuyên gia nước ngoài trình bày, lúc đó chị mới nảy ra ý tưởng dụ dỗ chim về ở. Chị mạnh dạn thuê chuyên gia về khảo sát, rồi chuyển hẳn 2 tầng lầu phía trên làm thành nhà nuôi yến. Mua máy gọi yến và cả những chế phẩm tạo mùi để biến nhà mình thành nhà yến.

“Khi tôi đầu tư vào chuyện này nhiều người trong gia đình cản, bởi chuyện “chim trời cá nước” khó mà lường trước được. Ngay cả chuyên gia về khảo sát cũng cảnh báo không phải đầu tư là thành công. Có khi bình thường thì chúng đến nhưng khi đổ tiền của vào làm nơi ở thì chúng lại đi. Thực tế, không ít người đầu tư nhà nuôi yến ở huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh bị thất bại. Nhưng tôi vẫn tin có thể “dụ” được yến ở nhà mình” -  chị Bình kể. Bỏ ra gần cả tỷ đồng để thuê chuyên gia, mua thiết bị gọi yến và làm tổ cho yến ở, cuối cùng chim cũng “định cư”. Hạnh phúc của vợ chồng chị Bình đã vỡ òa khi có khoảng 100 cặp yến vào làm tổ.

* “Bay” theo chim yến

Đến nay, nhà của chị Bình có khoảng 600 cặp yến sinh sống. Việc khai thác tổ chị làm  cầm chừng và đang tiếp tục tăng đàn. Bình quân mỗi tháng chị thu hoạch gần 500 tổ yến, tương đương với 4kg. Mỗi kg yến có giá từ 36-45 triệu đồng tùy loại. Chị Bình cũng cho hay, chị đã đi khảo sát và đang đầu tư thêm một nhà nuôi yến nữa tại xã Tam Phước, TP.Biên Hòa với mong muốn tăng lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường.

Chị Bình (trái) đang trao đổi với nhân viên về cách phân loại sản phẩm yến sào.
Chị Bình (trái) đang trao đổi với nhân viên về cách phân loại sản phẩm yến sào.

Từ khi có tổ yến bán, chị Bình cũng bị yến cuốn hút theo và đã thành lập doanh nghiệp để sản xuất và kinh doanh mặt hàng này. Tính ra, mỗi tháng công ty yến sào Hoàng Linh của chị bán cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ trên 20kg yến thương phẩm. Doanh thu năm 2010 đạt gần 10 tỷ đồng. Chị Bình cũng cho biết, lượng yến thương phẩm bán ra hiện nay của công ty chủ yếu phải đi mua gom những trại yến từ ngoài miền Trung. Theo  kế hoạch, trong thời gian tới DN sẽ  tập trung cho việc đầu tư phần tinh chế để nâng cao giá trị sản phẩm hơn nữa. Hiện nay sản phẩm của công ty chủ yếu là sơ chế rồi bán cho khách.    

Vân Nam


 

Tin xem nhiều