Khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất ngân hàng cao, thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp là những vấn đề nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thực phẩm đang phải đối mặt…
Khó tiếp cận nguồn vốn, lãi suất ngân hàng cao, thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp là những vấn đề nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thực phẩm đang phải đối mặt…
Trước những khó khăn nêu trên, nhiều DN buộc phải linh động, tìm hướng đi phù hợp để thích ứng nhanh với thực tế. Từ đó, đã giúp không ít DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
* Lợi nhuận giảm, khó khăn tăng
Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc DN tư nhân Thuận Hương (Định Quán), chuyên sản xuất các mặt hàng rau củ, quả sấy khô cho biết, năm nay sản lượng của Thuận Hương có tăng nhưng lợi nhuận lại giảm nhiều so với năm ngoái. Khó khăn nhất đối với DN này là vốn. Ông Sáng nhận xét, thực tế DN vừa và nhỏ khi đầu tư làm ăn, nhưng vốn bỏ ra không hề nhỏ. Giá nhiều mặt hàng nông sản hiện nay tăng gấp đôi năm trước. Chỉ tính riêng vốn lưu động DN cần để xoay sở cho việc mua, trữ nông sản và vốn hàng hóa gối đầu cho các mối hàng có khi lên đến nửa tỷ đồng. Theo ông Sáng, quy mô sản xuất càng lớn và ổn định thì sản phẩm làm ra sẽ giảm được giá thành. Thực ra, DN nào cũng nhận thức điều này, nhưng làm sao có vốn để duy trì sản xuất vốn đã khó khăn, nói gì đến mở rộng đầu tư.
Cơ sở kẹo Yến Nhi khó mở rộng đầu tư trong điều kiện hiện nay.
Đồng quan điểm như ông Sáng, bà Phạm Thị Sơn, chủ cơ sở kẹo Yến Nhi (phường Thống Nhất, Biên Hòa) cho rằng, khó khăn hiện nay cho những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ là giá nguyên liệu đầu vào liên tục biến động. Có những thời điểm, chỉ qua một đêm, giá hạt điều, đậu phộng tăng thêm cả chục ngàn đồng/kg. Do đó nhiều đơn hàng khi giao cho người đặt, DN không có lãi vì giá nguyên liệu đầu vào tăng bất ngờ, nhà sản xuất trở tay không kịp. Nguyên liệu tăng giá, tạo thêm gánh nặng trong khâu mua, dự trữ, nhất là hiện nay lãi suất ngân hàng không hề thấp. Trước tình hình này, cơ sở kẹo Yến Nhi cố gắng duy trì sản xuất chứ chưa có ý định mở rộng đầu tư. Tương tự, ông Nguyễn Văn Khỏe, Giám đốc Công ty Hiệp Hòa Bình (phường Tân Biên, Biên Hòa), chuyên sản xuất - kinh doanh bún, miến khô nhấn mạnh: “Miến là loại hàng khá đặc thù vì nguyên liệu chủ yếu là bột củ dong, mỗi năm chỉ có một mùa. Đến kỳ thu hoạch, thương lái mua một lần dự trữ cho cả năm. Vì vậy, chỉ cần giá vàng, đô la tăng thì ngay lập tức giá nguyên liệu tăng theo. Đây chính là những vướng mắc mà DN vừa và nhỏ luôn phải “chạy theo” thời giá để thích ứng. Năm nay, doanh thu của Hiệp Hòa Bình cao hơn năm rồi, nhưng cơ bản do giá hàng hóa tăng, còn doanh số bán hàng quý II, quý III giảm khoảng 20%.”.
* Ứng phó theo tình thế
Đa số DN vừa và nhỏ nhận định, thị trường tiêu thụ thời gian gần đây đang hẹp lại. Vì thế, DN không chỉ khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng mới mà những mối hàng quen cũng đang giảm về lượng đơn đặt hàng và giảm cả tổng lượng ở mỗi đơn hàng. Lợi thế của DN vừa và nhỏ là gọn nhẹ, tùy vào tình hình thực tế để ứng phó, thay đổi cách làm cho phù hợp. Ví dụ, Công ty Hiệp Hòa Bình trong năm nay đã quyết định cắt giảm mọi chi phí không thật sự cần thiết, nhằm tập trung sản xuất. Nhưng dù làm gì, uy tín chất lượng sản phẩm vẫn là tiêu chí hàng đầu trong hoạt động của DN. Với cách làm tương đối hiệu quả, sản phẩm của Hiệp Hòa Bình đã có mặt tại các siêu thị lớn, như: BigC, Co.opMart, cho thấy nếu tính toán đúng mức và có uy tín trên thương trường thì sản phẩm làm ra của DN vừa và nhỏ vẫn có lãi và được người tiêu dùng tín nhiệm.
Sản phẩm Thuận Hương tham gia Hội chợ tôn vinh hàng Việt 2010 tại Đồng Nai.
Một trong những hạn chế của DN vừa và nhỏ là hầu như không có khoản chi cho tiếp thị, quảng bá sản phẩm nên nhà sản xuất phải thích ứng theo cách riêng thì mới có thể thâm nhập thị trường. Chẳng hạn, sản phẩm rau, củ, quả của Thuận Hương đến với người tiêu dùng theo nhiều kênh: từ các sạp bán lẻ trong chợ, qua các trạm dừng chân phục vụ khách du lịch, đến các hệ thống siêu thị, như: Hà Nội, MaxiMark, siêu thị Việt tại Campuchia và xuất khẩu sang Trung Quốc. Hay như sản phẩm cà phê Voi Voi (DN tư nhân Tin Yêu ở Tân Phú) được thị trường nông thôn lâu nay chấp nhận, nhờ vào chất lượng sản phẩm và giá hợp lý. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, chủ DN này bộc bạch: “Trong làm ăn, DN phải hiểu đối tượng khách hàng của mình là ai. Vì vậy, cà phê Voi Voi thường tổ chức các đợt khuyến mãi nhỏ tại những khu vực nông thôn dưới hình thức mua 1 hộp cà phê tặng kèm tô nhựa, dĩa nhựa, ấm pha trà. Nhờ thế, thương hiệu Voi Voi gần đây đã không còn xa lạ với người nông dân ở một số tỉnh thành trên cả nước!”.
Bình Nguyên